Xuất khẩu tôm quý I tăng 44% nhờ cú hích từ thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong quý I, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt gần 955 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, xuất khẩu tôm Việt Nam quý I sang các thị trường chính đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số.
Mỹ tiếp tục là thị trường đơn lẻ nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm hơn 20%. Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý I đạt gần 195 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhập khẩu tôm của Mỹ năm 2022 sẽ tiếp đà tăng trưởng khi nhu cầu tiêu thụ tôm cỡ lớn 26-30 con/kg và dễ chế biến tăng rõ rệt.
Dự báo này được đưa ra khi số ca nhiễm tại Mỹ hiện duy trì ở mức thấp và tỷ lệ tiêm phòng cao, cuộc sống của người dân đã quen với việc sống chung với COVID-19.
Ngoài ra, doanh thu tôm trong ngành dịch vụ thực phẩm tại Mỹ tăng vọt trong năm 2021 dù chưa phục hồi về mức trước đại dịch.
Cụ thể, gần 137.000 tấn tôm được tiêu thụ qua các kênh dịch vụ thực phẩm trong năm 2021, tăng 25.000 tấn so với 2020. Với sự phục hồi nhu cầu của chuỗi Horeca và với thế mạnh tôm chế biến, xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ năm 2022 tiếp tục khả quan.
Ở vị trí thứ hai, xuất khẩu tôm sang EU đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang ba thị trường đơn lẻ chính trong khối là Hà Lan, Đức và Bỉ tăng lần lượt 77%, 59% và 82%.
Nhu cầu tiêu thụ tôm tại châu Âu thường tăng vào cuối mùa hè và đầu mùa thu nên các nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường này đang chuẩn bị các đơn hàng từ thời điểm này.
Sau năm 2021 trầm lắng, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng 70%, đạt 106 triệu USD.
Theo đó, nhu cầu nhập khẩu tôm từ Trung Quốc trong năm 2022 sẽ ổn định hơn khi nước này chủ trương tăng lượng thủy sản nhập khẩu lên mức 66 triệu tấn để giảm bớt nhu cầu về thịt lợn.
VASEP dự báo, xuất khẩu tôm trong quý II sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao khi dịch COVID-19 lắng xuống, các hãng hàng không hoạt động bình thường trở lại, du lịch mở cửa, mảng dịch vụ thực phẩm phục hồi thuận lợi hơn.
Nhu cầu từ các thị trường tốt và ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại như CPTPP, EVFTA, UKVFTA , RCEP… có thể đưa xuất khẩu tôm năm 2022 tăng trưởng 10%.
Tuy nhiên, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc, cước vận tải biển cao và bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine…vẫn là những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới.