Xuất khẩu tôm dự đoán tiếp tục ổn định trong quý IV
Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 8/2016 đạt giá trị lớn nhất cũng như có mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm đến nay khi đạt 306,1 triệu USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm trong 8 tháng đầu năm nay đạt 1,9 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý là tỷ trong cơ cấu xuất khẩu, tỷ trọng tôm chân trắng tăng lên do diện tích thả nuôi cũng như sản lượng tăng, trong khi tỷ trọng tôm sú và tôm biển giảm.
Kim ngạch xuất khẩu tôm chân trắng 8 tháng đầu năm 2016 tăng 10%, chiếm đến 60,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm, trong khi đó, xuất khẩu tôm sú giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 31,4%.
Xuất khẩu tôm sang tốp 5 thị trường chủ chốt, ngoại trừ Nhật Bản, đều tăng. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh nhất 36,9%, Mỹ tăng 16,4%; Hàn Quốc tăng 13,5% và EU tăng 7,1%.
Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt nam, chiếm 22,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong 8 tháng đầu năm nay đạt 435,3 triệu USD, tăng 16,4%. Hiện nhu cầu nhập khẩu tôm sú của Mỹ đang có xu hướng tăng, nhất là vào thời điểm các nhà hàng và nhà bán lẻ tung ra chiến lược xúc tiến nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tôm vào dịp Giáng sinh và năm mới.
Trước những bất lợi sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức thuế chống bán phá giá khá cao sau đợt xem xét hành chính thứ 10 (POR10), nhiều khả năng xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý cuối cùng của năm không thể duy trì được đà tăng như 3 quý đầu năm. Tuy nhiên, về lâu dài xuất khẩu tôm vào thị trường này sẽ dần đi vào ổn định.
Xuất khẩu tôm sang EU cũng đang có dấu hiệu tốt kh lượng tôm lưu kho tại EU bắt đầu giảm, tạo cơ hội cho tôm Việt Nam. Đến hết tháng 8/2016, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU đạt 372 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái với thị trường Mỹ và EU, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản liên tục giảm trong những tháng đầu năm nay. Những quy định khắt khe về chất lượng và các yêu cầu kiểm tra tôm nhập khẩu của xứ sở phù tang khiến giá tôm xuất khẩu tăng vọt trong khi khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường này chưa cao.
Dù xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản trong tháng 8/2016 đạt 60 triệu USD, tăng 3,2%, song vẫn không đủ bù đắp mức giảm suốt từ đầu năm. Do vậy, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này chỉ đạt 343,7 triệu USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong một diễn biến khác, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), từ ngày 13/9/2016, tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ tiêu Chloramphenicol đối với lô hàng tôm và sản phẩm tôm Việt Nam giảm từ 100% xuống 30% do trong thời gian qua trên các lô tôm Việt Nam không phát hiện chỉ tiêu này.
VASEP cho rằng tác động tâm lý từ kết quả cuối cùng POR10 đối với tôm đông lạnh Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm trong quý IV năm nay, nhưng xuất khẩu tôm sang các thị trường khác dự báo vẫn tăng trưởng ổn định. Xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng tiếp theo dự kiến vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.