|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm có thể phục hồi trong tháng 9

13:33 | 02/10/2018
Chia sẻ
Nhiều dự đoán đến tháng 9 các hợp đồng tôm mới có nhiều, nhất là khi các nhà nhập khẩu chuẩn bị hàng cho thị trường cuối năm.
xuat khau tom co the phuc hoi trong thang 9 Nhu cầu tôm thế giới tăng cao nhưng cơ hội không chia đều cho các doanh nghiệp

Nguồn cung lớn gây áp lực lên giá

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), kể từ đầu quý II đến tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm vẫn trong xu hướng sụt giảm về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, trong tháng 7, xuất khẩu tôm giảm 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái, do hầu hết các thị trường xuất khẩu chính đều giảm mạnh.

Xu hướng sụt giảm này tiếp tục duy trì sang tháng 8, với giá trị xuất khẩu giảm gần 14% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm trong những tháng gần đây đã khiến xuất khẩu tôm của cả nước trong 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

VASEP cho hay, nguồn cung tôm nuôi từ các nước sản xuất chính trên thế giới vẫn lớn nên giá tôm thế giới gần như không tăng, thậm chí ở một số nước đang bán cạnh tranh giá thấp đã tác động mạnh đến thị trường xuất khẩu. Do đó, tôm Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tại các thị trường có sức tiêu thụ chi phối lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.

xuat khau tom co the phuc hoi trong thang 9
Nguồn VASEP

Nhiều dự đoán đến tháng 9 các hợp đồng mới có nhiều, nhất là khi các nhà nhập khẩu chuẩn bị hàng cho thị trường cuối năm.

Tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 68%, tôm sú chiếm 23% và tôm biển 9%. So với 8 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng tôm chân trắng tăng trong khi tỷ trọng tôm sú giảm.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng tăng 4%, trong khi xuất khẩu tôm sú giảm 8% và tôm biển giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với tôm chân trắng, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chế biến (HS 16) tăng 12% trong khi tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (HS 03) giảm 3%. Đối với tôm sú, giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến (HS 16) giảm 20% và tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS 03) giảm 6%.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ có dấu hiệu phục hồi

Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm 17,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Sau khi xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giảm liên tục từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, xuất khẩu sang thị trường này đã phục hồi tăng trưởng 14,5% đạt 81,6 triệu USD trong tháng 8 năm nay. Tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 393,4 triệu USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (1/2/2016- 31/1/2017).

Cụ thể, mức thuế trong đợt này đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 4,58%, thấp hơn 5 lần so với dự kiến ban đầu. Như vậy, mức thuế cuối cùng 4,58% đã thấp hơn rất nhiều so với mức sơ bộ 25,39% mà DOC Mỹ thông báo ngày 8/3/2018. Kết quả này cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu và tăng cường ký các đơn hàng xuất khẩu tôm vào Mỹ. Từ tín hiệu lạc quan nói trên, dự báo, ngành tôm Việt Nam có khả năng mang về nguồn ngoại tệ hơn 615 triệu USD từ thị trường này trong năm 2018.

Hiện Mỹ là một trong những thị trường lớn nhập khẩu tôm Việt Nam với kim ngạch đạt trên 600 triệu USD/năm. Do đó, việc áp mức thuế chống bán phá giá hiện nay là điều kiện thuận lợi để tôm Việt Nam có thể cạnh tranh xuất khẩu tại thị trường này.

Thị trường EU vẫn tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm

Tháng 8, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU giảm 13,3% xuống 89,3 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 569,2 triệu USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam từ EU vẫn tốt cộng với một số đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường EU gặp khó nên xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương trong 8 tháng đầu năm nay.

Thái Lan mất ưu đãi thuế quan tại thị trường EU nên tôm Việt Nam có lợi thế hơn tôm Thái Lan về giá trung bình khoảng 10%. Ấn Độ vướng quy định kiểm tra chặt chẽ của EU liên quan tới chất lượng sản phẩm. xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU dự kiến vẫn giữ được đà tăng trưởng dương trong cả năm nay.

VASEP đánh giá, thị trường tiêu thụ đang có những dấu hiệu chuyển động tốt tuy nhiên giá xuất khẩu tôm của Việt Nam và giá tôm thế giới sẽ chưa được cải thiện nhiều. Do đó, theo chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm 4 tỷ USD thì cùng với số lượng tăng lên vẫn cần thị trường tiêu thụ mạnh và đơn giá cuối năm tăng lên mới kỳ vọng đạt mục tiêu như mong muốn.

Xem thêm

Đức Quỳnh