|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm chưa có dấu hiệu phục hồi, dự báo giảm 2% trong năm 2018

13:04 | 20/12/2018
Chia sẻ
Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu tôm vẫn chưa có dấu hiệu phụ hồi do giá thấp. VASEP dự báo kim ngạch cả năm 2018 đạt gần 3,8 tỉ USD, giảm nhẹ 2% so với năm 2017.

Xuất khẩu tôm dự báo giảm 2% năm 2018

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi, tiếp tục giảm 15,8% so với cùng kì năm 2017, đạt 304,3 triệu USD. Lũy kế 11 tháng đầu năm nay tổng kim ngạch đạt 3,27 tỉ USD, giảm 6,9% so với cùng kì năm ngoái.

Tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 68,6%, tôm sú chiếm 23% và tôm biển 8,4%.

Tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường lớn đều giảm mạnh như EU ( giảm 36,6%), Trung Quốc (giảm 25,7%), Hàn Quốc (giảm 20,7%)... Tuy nhiên, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 11%.

xuat khau tom chua co dau hieu phuc hoi du bao giam 2 trong nam 2018
Xuất khẩu tôm chưa có dấu hiệu phục hồi, dự báo giảm 2% trong năm 2018

VASEP cho hay xuất khẩu tôm Việt Nam có xu hướng giảm so với cùng kì năm ngoái là do giá tôm trong nước và thế giới giảm, nhu cầu nhập khẩu thấp từ các thị trường chính. Đầu năm 2018, do thời tiết lạnh nhiều, các nước như Mỹ, Canada có bão tuyết nên lượng tôm tiêu thụ giảm đáng kể, hàng tồn kho lớn.

Nguồn cung từ các nước tăng, tôm tồn kho tại Mỹ cao, nên tôm Việt Nam không thể xuất mạnh sang thị trường này mặc dù đơn hàng còn nhiều. Chỉ số giá tôm nuôi tại thị trường Mỹ đạt mức thấp nhất trong 3 năm qua.

VASEP dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2018 đạt gần 3,8 tỉ USD, giảm nhẹ 2% so với năm 2017.

Chiến thương mại Mỹ - Trung đem lại cơ hội cho tôm Việt Nam

Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đi các thị trường. Sau khi giảm liên tục từ tháng 4 đến tháng 7, xuất khẩu tôm sang thị trường này đã phục hồi trở lại trong 3 tháng 8, 9 và 10.

Tuy nhiên, kim ngạch trong tháng 11 lại giảm nhẹ 2,8% so với cùng kì năm ngoái.Như vậy, lũy kế 11 tháng năm nay giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 593,7 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kì năm 2017.

Kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 - POR12 khả quan hơn nhiều so với những lần xem xét trước đó đã giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam yên tâm đẩy mạnh bán hàng vào thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là một cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này do Mỹ có thể áp thuế 25% đối với tôm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cơ hội lớn từ EVFTA

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, với tỉ trọng đạt 23,8% . Hai quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh trong bối cảnh các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản sụt giảm. Tuy nhiên, bước sang quý III kim ngạch bắt đầu sụt giảm.

Điển hình trong tháng 11, xuất khẩu tôm sang EU giảm mạnh tới 36,3% với giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường lớn nhất trong khối đều giảm ở mức 2 con số.

Do vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU lũy kế 11 tháng đầu năm nay giảm nhẹ 0,1% xuống 779,7 triệu USD.

Hiện tại, tôm Việt Nam vẫn duy trì được những lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ lớn khác trên thị trường EU như Ấn Độ và Thái Lan.

VASEP thông tin hai đối thủ này của Việt Nam giảm dần xuất khẩu sang EU do vướng phải những vấn đề về đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.

Hơn nữa, hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực trong năm 2019 tạo cơ hội cho tôm Việt Nam xuất sang EU trong năm 2019.

VASEP nhận định châu Âu là thị trường lớn nhất đối với sản phẩm tôm của Việt Nam, đồng thời là nơi áp dụng mức thuế cao nhất. Nếu hiệp định thương mại với EU được ký kết, tôm Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi về thuế trong khi Thái Lan vẫn ở mức 20%.

Xem thêm

Đức Quỳnh