|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản vượt 4,6% kế hoạch năm

21:17 | 24/12/2021
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt gần 8,9 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020. Với con số này, ngành thủy sản vượt 4,6% kế hoạch năm 2020.

Tại Hội nghị Tổng kết ngành Thủy sản năm 2021, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt gần 8,9 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu thủy sản vượt 4,6% kế hoạch năm - Ảnh 1.

Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 ngành Thủy sản. Ảnh: H.Mĩ

Như vậy, ngành thủy sản vượt 4,6% kế hoạch cả năm. Nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt là cuối năm tại các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong khi đó, nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch COVID-19, sản xuất tôm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ các FTA, EVFTA đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến thủy sản. Những yếu tố trên tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2021.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt trong quý III khiến chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu bị đứt gãy và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Cùng với đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam.

Việc Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam gây ra nhiều khó khăn để thủy sản Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Trong năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu gần như không đổi so với năm 2021 là 8,9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản cũng tương đương so với năm nay là hơn 8,7 triệu tấn.

Lý giải cho điều này, ông Hùng cho rằng sang năm tình hình dịch bệnh dự báo tiếp tục phức tạp do xuất hiện các biến chủng mới (sau biến chủng Delta là biến chủng Omicron). Việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm.

Thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, thẻ vàng của EC chưa được tháo gỡ, cường lực khai thác ở mức cao trong khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm…

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng thời gian tới cần nâng cao sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam bằng cách hạ giá thành bằng cách đẩy mạnh con giống. Bên cạnh đó, thúc đẩy các loài mới trong đó có cá rô phi.

“Thay vì chúng ta tập trung các loài truyền thống để tăng trưởng 1 - 2% thì nên phát triển các loài mới để tạo sức bật về tăng trưởng trong xuất khẩu thủy sản”, ông Nam cho biết.

H.Mĩ