|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng dần qua các tháng, tín hiệu phục hồi rõ nét hơn vào nửa cuối năm

14:56 | 28/06/2023
Chia sẻ
VASEP cho biết nếu xét theo doanh số xuất khẩu từng tháng, thị trường Mỹ đang có tín hiệu tốt dần lên. Trong những tháng tới, lượng tồn kho giảm dần và vào mùa nhu cầu cao dịp cuối năm, khi đó các nhà nhập khẩu sẽ lấy lại tiến độ đặt hàng từ Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 563 triệu USD, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2022.

Tất cả phân khúc ngành hàng thủy hải sản chính đều bị sụt giảm mạnh 30 – 60%. Trong đó, hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra có giảm sâu nhất, lần lượt thấp hơn 42% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên nếu xét theo doanh số xuất khẩu từng tháng, thị trường Mỹ đang có tín hiệu tốt dần lên. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong tháng 5 đạt 151 triệu USD, mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay.

Song vẫn còn tăng trưởng âm 39% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây cũng là mức sụt giảm nhẹ nhất so với các tháng trước. Trong đó, cá tôm và cá tra đều có sự bứt phá so với những tháng trước: tôm đạt 68 triệu USD, cá tra đạt 33 triệu USD.

 (Nguồn: VASEP)

Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến hết tháng 4, Mỹ đã nhập khẩu 924.000 tấn thủy sản các loại, tương đương hơn 8 tỷ USD, giảm 12% về lượng và giảm 20% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. So với các nước xuất khẩu hàng đầu sang thị trường này, Việt Nam có mức sụt giảm sâu nhất.

Riêng mặt hàng tôm, Mỹ cũng giảm 12% khối lượng nhập khẩu và giá trị giảm 29%. Trong đó, riêng Ấn Độ chiếm thị phần chi phối 35% và Ecuador chiếm 22%, trong khi Việt Nam chỉ còn chiếm 7%.

Tương tự với các sản phẩm cá đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ, cá tra phile từ Việt Nam cũng giảm sâu nhất, trong khi nhập khẩu cá tuyết cod vào Mỹ thậm chí còn tăng mạnh 37% về khối lượng và 64% về giá trị.

VASEP nhận định ngoài yếu tố lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ ở Mỹ giảm thì nguyên nhân chính khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ liên tiếp tăng trưởng âm, đó là vấn đề tồn kho lớn, sau khi các nhà nhập khẩu nước này tăng mua một cách ồ ạt trong nửa đầu năm 2022 với tâm lý dự trữ và dự báo thị trường thiếu hụt nguồn cung trong năm ngoái.

Do vậy, các nhà nhập khẩu Mỹ cần thời gian để giải phóng lượng hàng tồn kho. Giá sản phẩm từ hàng tồn bán ra chắc chắn giảm khiến cho giá hàng nhập khẩu mới bị cạnh tranh và dìm giá. Đó cũng là một nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh.

VASEP dự báo trong những tháng tới, lượng tồn kho giảm dần và vào mùa nhu cầu cao dịp cuối năm, khi đó các nhà nhập khẩu sẽ lấy lại tiến độ đặt hàng từ Việt Nam.

Hoàng Anh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.