|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang tháng 6 phục hồi nhẹ

17:04 | 24/07/2020
Chia sẻ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), trong tháng 6, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đã tăng tăng 6,5% đạt trên 48 triệu USD sau khi giảm liên tục trong 3 tháng trước đó.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt gần 240 triệu USD, giảm 16,9% so với cùng kì năm ngoái.

Xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay vẫn chịu tác động của dịch COVID-19 và nguồn cung nguyên liệu sản xuất hạn chế. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam với nhu cầu ổn định nhất trong 6 tháng đầu năm nay.

Tháng 6, trong số các thị trường nhập khẩu chính, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng dương ở nhiều thị trường như Hàn Quốc, ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, Israel. 

Xuất khẩu sang Nhật Bản và EU vẫn chưa thể tăng. Trong tổng cơ cấu mực, bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam, mực chiếm 55,1%, bạch tuộc chiếm 44,9%.

Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,5% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đi các thị trường. 

Xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng 23,5% trong tháng 6 tuy nhiên do giảm trong các tháng trước đó nên xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này vẫn giảm 15% trong 6 tháng đầu năm nay đạt trên 102 triệu USD.

Nhật Bản đứng thứ 2 về nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 24,4%. xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 58,6 triệu USD, giảm 21% so với cùng năm 2019. 

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các sản phẩm như mực nang đông lạnh, mực ống cắt khoanh đông lạnh, mực ống nguyên con làm sạch sushi ăn liền đông lạnh, mực ống đông lạnh Geso, mực ống đông lạnh Sugata,…

Xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang EU trong 6 tháng đầu năm nay đạt 17,5 triệu USD, giảm 45,7% so với cùng năm 2019. 

Italy, Đức và Hà Lan là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mực, bạch tuộc của Việt Nam. Tính tới tháng 6 năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Italy, Đức và Hà Lan giảm lần lượt 51%, 28% và 37%.

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU vẫn chịu tác động của thẻ vàng IUU, cộng thêm tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến các nhà hàng đóng cửa, nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc tại lĩnh vực dịch vụ thực phẩm giảm. 

Xuất khẩu mặt hàng này sang EU trong những tháng cuối năm vọng sẽ được cải thiện khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, mực, bạch tuộc chế biến sẽ được hưởng thuế 0%.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc đứng thứ 4 của Việt Nam, chiếm 7,4% tỷ trọng. xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc trong tháng 6 tăng 156% đạt trên 4 triệu USD. 

6 tháng đầu năm, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc đạt 17,8 triệu USD, tăng 54% so với cùng 2019. 

Trung Quốc là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất về nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm nay.

Xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Trung Quốc giảm trong 2 tháng đầu năm nay, sau đó phục hồi trở lại trong tháng tiếp đó. 

Từ tháng 3 năm nay, dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc bớt căng thẳng cộng với các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản dần nới lỏng các biện pháp cách ly phòng chống dịch bệnh nên nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc của Trung Quốc phục hồi.

Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam các sản phẩm như mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực ống đã phân loại đông lạnh, mực tẩm bột Tempura đông lạnh, mực khô, bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh...

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế trên toàn thế giới, nguồn cung nguyên liệu sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc của thế giới và xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam thời gian tới dự kiến vẫn giảm.

H.Mĩ