|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xuất khẩu hàng dệt may có thể không đạt mục tiêu năm 2016

06:28 | 21/12/2016
Chia sẻ
Còn chưa đầy nửa tháng nữa là sẽ kết thúc năm 2016, nhưng kết quả xuất khẩu của ngành dệt may vẫn còn thấp và dự báo sẽ không thể đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm là 31 tỉ đô la Mỹ và sau đó được điều chỉnh xuống còn 29 tỉ đô la Mỹ.
xuat khau hang det may co the khong dat muc tieu nam 2016
Xuất khẩu ngành dệt may trong nước tăng trưởng thấp trong 11 tháng qua -Ảnh minh họa: Hùng Lê

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may tháng 11 chỉ đạt gần 1,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,9% so với tháng 10. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 11 tháng của năm 2016 đạt hơn 21,56 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước và còn xa so với mục tiêu cả năm là 29 tỉ đô la.

Giới kinh doanh trong ngành cho rằng đây được xem là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của xuất khẩu ngành dệt may trong nước. Trước nay, mức tăng trưởng của ngành chủ lực này luôn ở mức 2 con số.

Trước đó, báo cáo của Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của ngành dệt may gặp nhiều khó khăn do nhu cầu giảm sút ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Và với kết quả thực hiện trong 11 tháng qua và thời gian chỉ còn chưa tới một tháng nữa sẽ rất khó có thể hoàn thành mục tiêu 29 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.

Ngoài những yếu tố khách quan nói trên, theo các doanh nghiệp những khó khăn khác của ngành dệt may bắt nguồn từ chính sách giữ tỷ giá của đồng Việt Nam ổn định hơn so với một số ngoại tệ, khiến hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn và giảm sức cạnh tranh.

Ngành dệt may Việt Nam còn đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn là Campuchia, Bangladesh… khi các nước này được ưu đãi thuế nhập khẩu dệt may vào Mỹ là 0% (trong khi Việt Nam vẫn phải chịu thuế lên tới 17%).

Đáng chú ý, tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may trong 11 tháng qua chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp trong nước gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới, đặc biệt nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn.

Với các doanh nghiệp FDI, lương tối thiểu ở các nước như Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka thấp hơn Việt Nam càng khiến cho việc đầu tư kinh doanh dệt may ở Việt Nam kém hấp dẫn. Theo các doanh nghiệp, khách hàng đang rời bỏ Việt Nam chủ yếu là để tìm đến các nước có chi phí sản xuất thấp như Myanmar, Campuchia, Ấn Độ... Những nước này không quy định tiền lương tối thiểu tăng hàng năm và tỷ lệ bảo hiểm xã hội chỉ chừng 18% (Việt Nam là 22%). Đó là chưa kể việc đến năm 2018, doanh nghiệp tại Việt Nam có thể phải đóng bảo hiểm xã hội trên tổng quỹ tiền lương, tức bao gồm cả các phụ cấp khác. Giá nhân công tại các nước này cũng đang thấp hơn Việt Nam khiến khách hàng dịch chuyển đơn đặt hàng sang các đối tác đó.

Trước đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM, nhận định, ngành may Việt Nam không chỉ gặp khó khăn ở các thị trường xuất khẩu mà còn đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất may mặc trong khu vực, nhất là Campuchia. Để cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, chọn nguồn nguyên liệu tốt, giảm chi phí sản xuất và tập trung làm hàng FOB thay vì chỉ gia công đơn thuần như trước đây.

Mặc dù vậy, theo báo điện tử Tiền Phong gần đây, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 28,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016, thấp hơn dự kiến khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ. Giới phân tích cho rằng, dự báo trên của Hiệp hội Dệt may Việt Nam thường là tính toàn ngành, tức gồm cả kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt các loại và vải các loại... Nếu tính cả kim ngạch của các mặt hàng này, thì theo số liệu cũa Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong 11 tháng qua cũng chỉ đạt khoảng 25,2 tỉ đô la Mỹ (gồm khoảng 2,657 tỉ đô la Mỹ cho xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại và gần 1 tỉ đô la Mỹ kim ngạch vải các loại).

Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam trong năm 2015 đạt 27 tỉ đô la Mỹ.

Mỹ chiếm gần 48% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan, trong hơn 21,56 tỉ đô la Mỹ hàng dệt may xuất khẩu trong 11 tháng năm 2016, thì thị trường Mỹ góp hơn 10,33 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,7% so với cùng kỳ, chiếm 47,9% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam. Thị trường Nhật Bản với kim ngạch hơn 2,62 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,8%, chiếm 12,2%; Hàn Quốc hơn 2,12 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,1%, chiếm 9,8%...

Hùng Lê