Xuất khẩu gạo năm 2023 có thể thiết lập kỷ lục mới?
Kỳ vọng xuất khẩu gạo lập kỷ lục mới 8 triệu tấn
Ngược dòng với các mặt hàng nông sản xuất khẩu như gỗ, thủy sản, cao su... trong nửa đầu năm 2023, gạo tăng trưởng bất chấp hệ lụy của dịch COVID-19, xung đột chính trị, lạm phát và suy thoái kinh tế.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo chính thức cán mốc 4,2 triệu tấn, tương đương 2,3 tỷ USD, tăng 21% về lượng và tăng 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Cơn sốt lương thực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và cơ hội cho ngành gạo nửa cuối năm 2023 càng nhiều khi Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu các loại gạo, lực cầu dự kiến vượt cung. Với tình hình này, một số chuyên gia dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ đạt con số kỷ lục 8 triệu USD, thu về 4 tỷ USD. Liệu điều này có thực sự khả thi?
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp đà tăng trưởng khi cầu vượt cung, các thị trường lớn của Việt Nam, điển hình như Indonesia vẫn đang mở thầu mua gạo dự trữ.
Tuy nhiên bà Tâm cho rằng xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ khó đạt mốc kỷ lục 8 triệu tấn bởi chúng ta phải đảm bảo có một lượng dự trữ tồn kho, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cân đối nguồn cung xuất khẩu những tháng đầu năm 2024.
“Mọi năm, Việt Nam chỉ xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn gạo. Thị trường thuận lợi và chúng ta đều kỳ vọng vào con số 8 triệu tấn, tuy nhiên nếu mục tiêu quá cao thì sẽ khó thực hiện được.
Chúng ta nên đặt mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 6,5 triệu tấn, còn nếu kết quả cuối cùng cao hơn là điều tốt. Còn mức 8 triệu tấn sẽ khó khả thi”, bà Bùi Thị Thanh Tâm nói.
Một báo cáo của Cục Trồng trọt mới đây cũng thông tin về cân đối xuất khẩu lúa gạo năm 2023. Theo đó tổng sản lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại khu vực ĐBSCL năm 2023 ước đạt 6,6 triệu tấn, trong đó nửa đầu năm khoảng 3,8 triệu tấn, nửa cuối năm khoảng 2,8 triệu tấn.
Như vậy nếu như cân đối của Cục Trồng trọt, xuất khẩu gạo nửa cuối năm 2023 sẽ chỉ còn dư địa khoảng 2,2 triệu tấn.
Ở một góc nhìn khác, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời đánh giá Việt Nam có đủ nguồn cung để có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo bởi mỗi năm chúng ta sản xuất khoảng 42 triệu tấn lúa, trong đó tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 14 tấn.
“Việc đảm bảo nguồn cung trong nước chưa bao giờ là vấn đề so với năng lực sản xuất của nước ta, hay nói cách khác là Việt Nam không phải lo lắng về vấn đề mất ninh lương thực với lúa gạo. Chúng ta chỉ cần lo việc mình bán hết lượng sản xuất ra”, ông Nguyễn Duy Thuận nói.
Theo ông, xuất khẩu gạo có đạt được kỷ lục 8 triệu tấn hay không còn phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp cân đối giá đầu vào – đầu ra, giá mua lúa của nông dân - giá xuất khẩu.
“Hiện nay, giá lúa mua của nông dân đang ở mức cao, vụ hè thu sẽ tiếp tục cao. Như vậy đầu vào tăng, đầu ra cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ, nếu cân đối hai yếu tố này, xuất khẩu gạo sẽ đạt được con số như kỳ vọng”, Tổng giám đốc Lộc Trời cho biết.
Khi số lượng và thứ hạng không còn quan trọng
Lời hồi đáp cho câu hỏi xuất khẩu gạo có đạt được 8 triệu tấn hay Việt Nam sẽ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai hay thứ ba thế giới sẽ có sau gần 6 tháng nữa.
Đã nhiều lần ngành nông nghiệp đứng trước sự lựa chọn về số lượng và chất lượng, những giá trị cuối cùng ở lại vẫn là nguồn thu cho đất nước và những giá trị, lợi nhuận doanh nghiệp và người dân thu về. Do vậy, điều các doanh nghiệp cần quan tâm lúc này là gia tăng giá trị cho hạt gạo Việt.
Ông Nguyễn Duy Thuận cho biết đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải có thể đem lại 9 triệu tấn gạo chất lượng cao/năm. Ngay sau khi Việt Nam công bố đề án, Philippines đã muốn đặt hàng 3 triệu tấn, Indoneisa 1 triệu tấn.
Khách đặt mua gạo không thiếu, tuy nhiên mỗi thị trường lại có tiêu chuẩn nhất định. Do vậy, ông Nguyễn Duy Thuận cho rằng Bộ NN&PTNT cần đưa ra các tiêu chí cụ thể, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc để cả nông dân và doanh nghiệp đều phải tuân thủ.
Còn theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, gạo Việt muốn nâng cao thị phần tại các thị trường, buộc phải cạnh tranh được bằng giá, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thương hiệu và uy tín.
Phó Chủ tịch VFA kỳ vọng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ cải thiện chất lượng mặt hàng xuất khẩu này, khi có gạo ngon chúng ta có quyền lựa chọn thị trường.
Bàn về giải pháp tăng giá trị cho gạo Việt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhắc đến câu chuyện về sản xuất lúa gạo của Nhật Bản, từ trồng trọt đến thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ gạo. Khi Việt Nam mới chỉ trồng lúa và xuất khẩu gạo, người Nhật làm kinh tế ngành hàng lúa gạo, tức từ lúa sang gạo, sản phẩm sau gạo là bột, sau bột là bánh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến cáo doanh nghiệp không nên khóa chặt ở từ khóa truyền thống như gạo mà cần tính tới các sản phẩm giá trị gia tăng, từ đó người nông dân và doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững.