|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Xuất khẩu gạo đạt gần 7 triệu tấn không phải là yếu tố may rủi'

20:19 | 13/12/2022
Chia sẻ
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định xuất khẩu đạt gần 7 triệu tấn, tương đương 3,2 tỷ USD không phải là may rủi, mà là một quá trình chuẩn bị, đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,7 triệu tấn, tương đương 3,2 tỷ USD, tăng 16% về lượng và tăng 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

(Nguồn: Bộ NN&PTNT, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Tại tọa đàm mở cửa thị trường nông sản – cơ hội từ những thị trường khó tính, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhận định: “Kết quả trên không phải là may rủi mà là một quá trình chuẩn bị, đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp.

Chúng ta chọn tạo bộ giống lúa, đáp ứng yêu cầu các thị trường từ thấp cấp đến cao cấp, doanh nghiệp Việt Nam thích ứng nhanh với yêu cầu của thị trường, yêu cầu của kỹ thuật”.

Cụ thể về canh tác, ông Cường cho biết doanh nghiệp đã liên kết với nông dân, HTX sản xuất gạo để đáp ứng các tiêu chí của các nước có yêu cầu xuất khẩu cao như Nhật, Mỹ, EU…

Điều này cho thấy muốn xuất khẩu vào các thị trường khó, có giá trị cao thì phải tư duy theo kiểu đồng hành cùng nhau, doanh nghiệp phải bỏ tư duy buôn chuyến.

Doanh nghiệp “bắt tay” nông dân có thể tận dụng tốt những ưu đãi từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Điển hình như với hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó có 30.000 tấn gạo thơm có giá trị cao. Tới tháng 10/2022, doanh nghiệp xuất khẩu đã gần hết hạn ngạch.

Một điểm tích cực khác được ông Cường nêu ra là doanh nghiệp Lộc Trời đã xuất khẩu gạo theo thương hiệu riêng vào hệ thống siêu thị châu Âu, thay vì xuất khẩu thô, bao gạo đều in tên thương hiệu, nhãn hàng của đơn vị nhập khẩu như trước đây.

“Tuy lượng chưa lớn nhưng đây là tín hiệu gạo Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường cao cấp. Thương hiệu gạo đó không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn mang giá trị văn hoá, tinh thần của người Việt Nam”, ông Cường nhận định.

Đồng quan điểm, PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết chúng ta đang hưởng lợi những kết quả từ chính sách tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện trong 10 năm gần đây, chứ không phải mở cửa thị trường mà đáp ứng được ngay. Đó là quá trình chuyển dần từ sản xuất gạo chất lượng thấp sang sản xuất lúa gạo chất lượng cao, với những bộ giống gạo rất thơm ngon. 

“Người tiêu dùng châu Âu đánh giá rất cao chất lượng gạo của Việt Nam. Điều này giúp chúng ta đã đặt được "một chân" vào thị trường châu Âu. Tại châu Âu, Việt Nam đang rất có uy tín cả về mặt chính trị và hợp tác, chúng ta cần phải liên kết chặt chẽ hơn để duy trì thị trường này”, PGS. TS Đào Thế Anh nói.

Theo Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, thị trường châu Âu rất ưa chuộng một số sản phẩm chế biến như mì gạo, bún khô… Thị trường rất rộng mở nhưng quan trọng là doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chí sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Thực tế, diện tích sản xuất lúa gạo hữu cơ của Việt Nam còn khiêm tốn, một số khâu sau thu hoạch chưa đồng bộ và đảm bảo các yêu cầu hữu cơ. Do vậy, chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần nâng cao trình độ sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu và tăng sức cạnh tranh trước các đối thủ.

Nhìn lại quãng thời gian hai năm dịch COVID-19, PGS. TS Đào Thế Anh cho rằng dịch bệnh gây rất nhiều khó khăn cho kinh tế thế giới. Nhưng cũng chính dịch COVID-19 đã thay đổi cơ cấu thị trường, nhiều sản phẩm trái cây, lúa gạo của Việt Nam đã đặt chân được vào châu Âu - nơi mà trước đây Thái Lan “thống trị”.

Chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần phải đa dạng thị trường; tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo các yêu cầu của thị trường về an toàn thực phẩm, hoàn thiện khâu sau thu hoạch gồm cả đóng gói, bao bì… để chớp lấy các cơ hội xuất khẩu trong năm 2023.

Hoàng Anh