Xuất khẩu gạo đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2030
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Nhân dân) |
Theo đó, Việt Nam sẽ giảm dần xuất khẩu gạo về số lượng nhưng tăng giá trị xuất khẩu theo hướng bền vững. Cụ thể, giai đoạn 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hằng năm khoảng 4,5 - 5 triệu tấn, trị giá đạt bình quân từ 2,2 - 2,3 tỷ USD/năm. Giai đoạn 2021 - 2030, lượng gạo xuất khẩu hằng năm khoảng bốn triệu tấn, trị giá xuất khẩu gạo tiếp tục được duy trì ổn định và tăng đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD/năm.
Đến năm 2020, cơ cấu gạo xuất khẩu cũng thay đổi. Cụ thể, gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo trắng phẩm chất cao chiếm khoảng 25%; tỷ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 30%; gạo nếp là 20%... Đến năm 2030, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm 40%; gạo nếp 25%; gạo dinh dưỡng khác trên 10%...
Để đạt được mục tiêu trên, các đại biểu cho rằng cần khắc phục những hạn chế, đó là: Tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu gạo thiên về bề rộng, chưa chú trọng cải thiện chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; sản xuất canh tác còn nhiều bất cập, chưa gắn với thị trường; thị trường xuất khẩu gạo còn phụ thuộc cao vào một số nước; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, hiệu quả thấp; đa phần sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Qua đó, hội nghị đã tập trung thảo luận và đưa ra các nhóm giải pháp như: Tổ chức lại sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế và đầu tư với các quốc gia, vùng lãnh thổ để phát triển thị trường xuất khẩu; nâng cao năng lực của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo...