Xuất khẩu da giày: Muốn bứt phá phải gỡ 'nút thắt'
Cạnh tranh gay gắt
Nhìn nhận về ngành công nghiệp thời trang nói chung, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết: Nhu cầu trên thị trường ngày càng tăng. Trên 70% sản lượng ngành công nghiệp thời trang được sản xuất ở các quốc gia khu vực châu Á như: Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Bangladesh,… Trong đó, riêng Trung Quốc đã chiếm khoảng 50%. Năm 2017, XK toàn ngành đạt gần 18 tỷ USD. Mục tiêu đặt ra trong năm 2018 so với năm 2017 là XK đạt từ 19,5 – 20 tỷ USD, tăng 10%; sản xuất công nghiệp da giày tăng 5%; tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày đạt 55%. XK giày dép tiếp tục đứng thứ 4 và túi cặp đứng thứ 10 trong TOP 10 mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam.
Bàn về thách thức của ngành da giày, ông Thuấn cho rằng, một trong những vấn đề nổi cộm là năng suất lao động. Hiện nay, năng suất lao động tổng hợp toàn ngành chia ra 3 cấp độ khác nhau. Trong đó, các DN lớn, năng suất đạt khoảng 25.000-27.000 USD/người/năm; các DN trung bình khoảng 18.000 USD/người/năm và DN vừa và nhỏ khoảng 12.000 USD/người/năm.
“Trong năm 2018 cũng như tương lai xa hơn, các DN trong ngành da giày, túi xách sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khá gay gắt của các DN cùng ngành trên thế giới. Hiện nay, thế giới đều tính năng suất lao động theo giờ. Theo cách tính này, năng suất của các DN Việt Nam khoảng 0,6-0,7 đôi/giờ, còn các DN áp dụng công nghệ, máy móc tiên tiến vào sản xuất đã đạt 1,2 đôi/giờ”, ông Thuấn nói.
Liên quan tới vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso cho hay: Nếu áp dụng những phương pháp quản lý cũng như ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán về năng suất lao động, dự báo tăng trưởng ngành da giày có thể sẽ tăng 1,5-2 lần so với hiện tại. Quá trình này sẽ giúp DN thay thế một phần lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như kiểm soát tốt độ đồng đều của sản phẩm. Mặc dù việc đầu tư sẽ khá tốn kém, song để đảm bảo phát triển dài hạn, bền vững, các DN cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và đầu tư phù hợp.
XK da giày, túi xách "nhắm" đến mục tiêu 20 tỷ USD trong năm nay. Ảnh: Nguyễn Huế. |
Lập Hội đồng thống kê năng suất
Theo ông Thuấn, để giải quyết vấn đề năng suất lao động không chỉ của riêng ngành da giày mà nhiều ngành hàng khác, cần thành lập được Hội đồng chuyên môn thống kê về năng suất lao động để biết các ngành hàng Việt Nam đang đứng ở đâu, trên cơ sở đó đưa ra biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng. Mục tiêu hướng tới là không ngang bằng thì ít nhất cũng bằng 90% so với các nước khác.
“Bộ Khoa học và Công nghệ cứ nói tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song không nên nói chung chung. Việt Nam có khoảng 30 ngành hàng XK đạt doanh số trên tỷ USD/năm, cần đi vào từng ngành hàng cụ thể, xem xét xem mỗi ngành cần gì để có thể nâng cao năng suất lao động”, ông Thuấn nhấn mạnh. Với riêng ngành da giày, túi xách, hiện Lefaso đã hình thành được Trung tâm nghiên cứu phát triển, tìm ra định hướng để nâng năng suất lao động lên. Theo đó, nền tảng quản trị DN phải dựa trên trí tuệ nhân tạo, áp dụng khoa học công nghệ, thiết lập quản trị như thị trường chứng khoán. Trên cơ sở đó, lãnh đạo DN biết được các chỉ tiêu của DN mình, cái nào đạt, cái nào chưa đạt, “sức khỏe” của DN đang ở đâu và có phương hướng giải quyết hợp lý. “Bộ Khoa học và Công nghệ nên phối hợp với các ngành hàng thí điểm mô hình này ở một vài ngành nếu đạt kết quả khả quan thì nhân rộng ra”, ông Thuấn góp ý thêm.
Về góc độ nguồn lao động, theo một số chuyên gia, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chuẩn hóa các chương trình đào tạo. Sau đó, trường học cố gắng đào tạo học viên theo chương trình chuẩn hóa đó. Định hướng là đào tạo phải gắn liền với nhu cầu thực tế của DN, ngành hàng. Học viên sau đào tạo có thể ngay lập tức vào làm việc tại các DN mà không mất thêm quá trình đào tạo lại trong thực tiễn.
Ở mặt thị trường XK, hầu hết DN trong ngành da giày, túi xách bày tỏ mong muốn, ngoài tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có, trong năm 2018, cơ quan quản lý nhà nước cố gắng đẩy nhanh tiến trình để FTA Việt Nam-EU sớm có hiệu lực thi hành. Bởi, thêm FTA này, kim ngạch XK của ngành sẽ tăng lên đáng kể.
Theo Lefaso, năm 2017, tổng kim ngạch XK toàn ngành đạt 17,93 tỷ USD, tăng 10,7%. Trong đó, XK giày dép đạt 14,67 tỷ USD, tăng 12,8%; túi cặp, vali các loại đạt 3,26 tỷ USD, tăng 2%. Năm qua, XK của khối DN FDI tiếp tục tăng, chiếm 80,6% trong tổng kim ngạch XK toàn ngành. Cụ thể, DN FDI chiếm tỷ trọng 80,5% đối với giày dép và 81,1% đối với túi xách. Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của ngành da giày trong năm 2017, tiếp đến là EU. Nhật Bản đã không còn là thị trường XK lớn thứ 3 của ngành da giày, thay vào đó là thị trường Trung Quốc. |