Thị trường cao su đang bước vào giai đoạn điều chỉnh?
Xuất khẩu cao su tăng trưởng đột phá trong quý I/2021
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý I/2021 đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua với khối lượng lên tới 406,5 nghìn tấn, trị giá 674,7 triệu USD, tăng mạnh 77,4% về lượng và tăng 102,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, cao su là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong bảng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2021.
Trong quý I/2021, nhìn chung xuất khẩu cao su của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng mạnh.
Trong đó, dẫn đầu thị trường tiêu thụ vẫn là Trung Quốc, đạt khối lượng 290,15 nghìn tấn, tăng 103,1% so với quý I/2020 và chiếm tới 71,4% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của nước ta (cao hơn so với thị phần 62,3% của cùng kỳ năm ngoái).
Ngoài ra, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ trong quý I/2021 cũng tăng mạnh 43,5% so với cùng kỳ năm 2020; sang thị trường Mỹ tăng 71%; sang thị trường Hàn Quốc tăng 52%.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Ngọc Bảo)
Nguồn: Tổng cục Hải quan. (Tổng hợp: Ngọc Bảo)
Nhu cầu cao su thế giới phục hồi kéo theo giá xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2017, đạt bình quân 1.752 USD/tấn trong tháng 3/2021, tăng 6% so với tháng 2/2021 và tăng tới 21,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đánh dấu tháng tăng giá xuất khẩuthứ 9 liên tiếp của mặt hàng cao su.
Tính chung trong quý I/2021, giá xuất khẩu bình quân cao su đã tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1.660 USD/tấn.
Nhờ đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cao su, săm lốp cũng ghi nhận sự hồi phục tích cực trong quý I/2021.
Trong quý I/2021, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk đạt 124,5 tỷ đồng, tăng 137,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2021 đạt 16,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 9 tỷ đồng.
Do trong quý I/2021, sản lượng bán tăng 212,4% và giá bán mủ bình quân tăng 136,8%. Như vậy, với kết quả quý I, công ty đã hoàn thành 21,2% kế hoạch doanh thu thuần và 35,5% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh cũng ghi nhận doanh thu 101 tỷ đồng trong quý I/2021, tăng 94% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên giá vốn bán hàng cũng tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 16,1% xuống còn 8,6%.
Sau quý I/2021, doanh nghiệp đã hoàn thành 33,5% kế hoạch doanh thu, 40% kế hoạch lợi nhuận năm.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Ngọc Bảo)
Tín hiệu tốt từ thị trường Trung Quốc
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu trong tháng 3/2021 ước tính tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 910 nghìn tấn.
Trong đó, Thái Lan giảm 10%, Indonesia tăng 2,8%, Việt Nam giảm 12,5% và Malaysia tăng 44,9%.
Tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu trong tháng 3/2021 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020 lên 1,234 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc tăng 3,3%, Ấn Độ tăng 40,8%, Thái Lan giảm 8,4% và Malaysia tăng 3,4%.
Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới được cho là sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu trong năm nay.
Đã có những lo ngại về sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ và các nước châu Âu sẽ ảnh hưởng tới việc nối lại các hoạt động kinh tế và cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu, nhưng mới đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều đã nâng dự báo về tăng trưởng toàn cầu cho năm 2021 với triển vọng tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Mỹ.
Tại Trung Quốc, theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, nước đã nhập khẩu 711 nghìn tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (bao gồm cả mủ cao su) trong tháng 3/2021, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng gần 1,8 triệu tấn cao su thiên nhiên và tổng hợp (bao gồm cả mủ cao su), tăng 8% so với mức 1,7 triệu tấn của cùng kỳ năm 2020.
Số liệu công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2021, doanh số bán hàng của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc ước đạt 6,3 triệu chiếc, tăng 72,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu tính đến các yếu tố của đợt dịch năm ngoái, số liệu này không có ý nghĩa tham khảo lớn. Tuy nhiên, so sánh số liệu năm 2019, tình hình hoạt động của thị trường ô tô trong quý đầu tiên của năm nay về cơ bản là không đổi. Điều này cho thấy ngành ô tô Trung Quốc đã trở lại trạng thái trước khi dịch bệnh diễn ra.
Còn theo Hiệp hội Công nghiệp Cao su Trung Quốc, tính đến tuần của ngày 9/4/2021, công suất sản xuất lốp toàn thép của các công ty săm lốp ở Sơn Đông – Trung Quốc là 78,6%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với tuần trước đó nhưng tăng 16,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020, và tăng 3,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.
Công suất hoạt động của công ty săm lốp bán thép là 74,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với tuần trước đó, nhưng tăng 16 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.
Dựa theo chu kỳ hàng năm, các công ty săm lốp của Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ hoạt động cao cho đến giữa tháng 6/2021, điều này có lợi cho việc đẩy nhanh tốc độ thu mua nguyên liệu cao su.
Giá cao su thế giới đang có sự điều chỉnh giảm
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ đang khá tốt nhưng giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt trên thế giới có sự điều chỉnh giảm trong tháng 4/2021.
Nguyên nhân giảm là do tâm lý lo ngại số ca nhiễm COVID - 19 gia tăng nhanh trên toàn cầu, áp lực nguồn cung từ vụ thu hoạch sắp diễn ra và thông tin Thái Lan có kế hoạch bán khoảng 100.000 tấn cao su trong kho dự trữ.
Mức giá hiện tại đã giảm xuống tương đương đầu năm 2021 nhưng giá cao su tại Nhật Bản vẫn đang cao hơn 63,6% so với cùng kỳ năm 2020, Trung Quốc tăng 33,9% và Thái Lan tăng gần 50%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/4/2021, giá cao su RSS 3 tại Nhật Bản đạt 235,6 JPY/kg đối với hợp đồng giao kỳ hạn tháng 8/2021, giảm 4,4% so với phiên giao dịch ngày 1/4/2021.
Tại Trung Quốc, giá cao su thiên nhiên hợp đồng giao tháng 5/2021 trên sàn giao dịch Thượng Hải cũng giảm 4% so với đầu tháng 4/2021, xuống còn 13.300 NDT/tấn trong phiên giao dịch ngày 18/4/2021.
Giá cao su RSS 3 kỳ hạn tháng 5/2021 tại Thái Lan – nước xuất khẩu lớn nhất thế giới giảm 4,2% kể từ đầu tháng 4 đến nay, xuống còn 68,28 Baht/kg.
Theo Cơ quan Hải quan Thái Lan, trong 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của nước này giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 765,98 nghìn tấn.
Cơ quan Cao su Thái Lan (RAOT) đã cố gắng giảm lượng mủ cao su ra thị trường bằng cách đề nghị các hợp tác xã nông nghiệp giảm bán ra và tăng dự trữ, sau đó chờ bán ra với giá cao hơn khi cây cao su bước vào mùa khô và cho năng suất thấp (từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm).
Cơ quan Cao su Thái Lan đã chuẩn bị các bồn thu gom mủ và hóa chất để kéo dài thời gian bảo quản mủ nhằm duy trì chất lượng trong 1-2 tháng. Ngoài ra, các hợp tác xã nông nghiệp có thể cho vay tiền từ Quỹ phát triển cao su, để làm quỹ thu mua mủ tích trữ.
Tuy nhiên, việc Cơ quan Cao su Thái Lan có ý định bán một lượng cao su và lốp xe tồn kho trong nhiều năm qua để giảm tải chi phí lưu trữ lại đang gây áp lực giảm giá lên thị trường trong những tuần gần đây.
Nguồn: Hiệp hội Cao su Thái Lan. (Biểu đồ: Ngọc Bảo)