|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cao su 2023 kỳ vọng hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa trở lại

09:00 | 20/01/2023
Chia sẻ
Dự báo việc tiêu thụ và xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam sẽ tốt hơn khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế COVID-19 và mở cửa biên giới từ tháng 1/2023. Đây được xem là một tín hiệu lạc quan về tâm lý thị trường, sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành cao su trong năm 2023.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, kết thúc năm 2022, xuất khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 9,7% so với năm ngoái, trị giá hơn 3,3 tỷ USD, tăng hơn 1%. Đây là mức cao nhất cả về lượng và giá trị xuất khẩu của cao su tự nhiên trong 11 năm trở lại đây.

Người viết đã có cuộc trao đổi với đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) về những kết quả đạt được trong năm 2022 và những triển vọng xuất khẩu năm 2023.  

Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 và kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu cao su thiên nhiên vẫn mang về hơn 3,3 tỷ USD. Hiệp hội đánh giá như thế nào về kết quả này của ngành cao su?

VRA: Trong bối cảnh COVID-19, xung đột địa chính trị Nga-Ukraine, lạm phát tăng cao, Ngân hàng trung ương trên thế giới liên tục tăng lãi suất, tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, giá cao su thấp và các biến động tỷ giá USD đã gây sức ép cho các nước tiêu thụ cao su Việt Nam.

Ngoài ra, vấn đề hoàn thuế khá chậm cho các doanh nghiệp sau khi xuất khẩu khiến cho vòng xoay vốn chậm lại, ảnh hưởng tới việc sản xuất kinh doanh và đầu tư cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo. Đặc biệt bị hạn chế với chính sách Zero - Covid của Trung Quốc, thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất của thế giới, chiếm hơn 60% sản lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành cao su đã vượt qua rất nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên vẫn đạt hơn 3,3 tỷ USD trong năm 2022, đó là một nỗ lực rất lớn của ngành cao su Việt Nam.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Nhu cầu tiêu thụ phục hồi đã giúp lượng xuất khẩu tăng gần 10% tuy nhiên, diễn biến giá cao su bình quân trong năm qua liên tục đi xuống, nhất là trong tháng 12/2022, giá đã xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm 2022, đồng thời là mức thấp nhất trong gần hai năm qua. Nguyên nhân nào khiến giá cao su bình quân giảm sâu như vậy?

VRA: Bắt đầu từ tháng 3/2022, giá cao su thiên nhiên đã có sự sụt giảm cho đến cuối năm. Có rất nhiều nhóm nguyên nhân tác động đến sự sụt giảm này trong năm 2022.

Thứ nhất, ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa phương Tây và Nga đã ảnh hưởng đến "sức khỏe" chung của nền kinh tế, trở thành “cú bồi” đẩy giá năng lượng leo thang, gia tăng áp lực lạm phát và tạo thêm thách thức lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những biến động trong kinh tế cũng như hoạt động sản xuất tại các nước tiêu thụ lớn cùng với việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương nhằm giải quyết lạm phát duy trì ở mức cao và biến động về sức mạnh đồng tiền của các nước xuất khẩu cao su thiên nhiên so với đồng USD.

Thứ hai, diễn biến ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc, thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, đặc biệt chủ trương Zero - Covid, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý đầu tư, thị trường cao su tương lai trên các sàn giao dịch và giá cao su trên thị trường thế giới. Ngoài ra, đồng USD trong giai đoạn này tăng mạnh cũng tác động đến thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên trong năm 2022. 

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh) 

Sau khi liên tục rớt giá, sang năm 2023, xin Hiệp hội chia sẻ đâu là những yếu tố hỗ trợ giá cao su?

VRA: Trong năm 2023, giá cao su thiên nhiên vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của yếu tố cơ bản cung-cầu và tâm lý chung trên thị trường chịu tác động chủ yếu từ diễn biến kinh tế toàn cầu, bao gồm tình hình đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc, hồi kết của cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá năng lượng có tiếp tục leo thang và lạm phát sẽ còn tăng cao, cũng như việc các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cuối năm 2022 đã có những dấu hiệu tích cực hỗ trợ cho dự báo giá cao su năm 2023 phục hồi. Nguồn cung thế giới dự kiến sẽ chậm lại bắt đầu từ năm 2023 do dự đoán diện tích vườn cây thu hoạch trên toàn thế giới sẽ giảm do tỷ lệ trồng mới thấp.

Chuyên gia phân tích thị trường cao su thế giới, trong khoảng nửa đầu năm 2023, sản lượng và tiêu thụ toàn cầu dự kiến sẽ gần như cân bằng hoặc ở mức thấp hơn so với tiêu thụ. Trong giai đoạn này, yếu tố cung - cầu thuận lợi sẽ hỗ trợ giá cao su thiên nhiên từ sự thiếu hụt trong nguồn cung.

Xét đến các yếu tố khác, kết quả của cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ đã có tiến triển. Tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023 có thể sẽ tiếp tục chậm hơn nữa. Đây sẽ là một thông tin lạc quan đối với nền kinh tế toàn cầu, song song đó, đồng USD dự kiến sẽ giảm giá do FED dự kiến sẽ tăng lãi suất chậm hơn. Đồng USD mềm thường thu hút hoạt động mua bán hàng hóa, trong đó bao gồm cả cao su thiên nhiên.

Đồng thời, Trung Quốc đang trong quá trình nới lỏng các hạn chế COVID-19. Việc nới lỏng các hạn chế và các dấu hiệu nới lỏng hơn nữa có thể nâng cao đáng kể triển vọng nhu cầu đối với cao su thiên nhiên từ Trung Quốc. Hơn nữa, việc dần dần nới lỏng các hạn chế ở Trung Quốc cũng có thể nâng cao triển vọng nhu cầu đối với các quốc gia châu Á khác vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Hiệp hội đánh giá như thế nào về tác động của việc Trung Quốc mở cửa biên giới từ tháng 1/2023 đối với ngành cao sau trong năm nay?

VRA: Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới và cũng là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam khi chiếm đến hơn 60% tổng lượng xuất khẩu.

Trong năm 2022, dù tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn còn diễn biến phức tạp, các nhà máy tại nhiều tỉnh phải tạm dựng hoạt động, thực hiện chính sách Zero-COVID, nhưng số liệu xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam sang thị trường này vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2021 cả về lượng và kim ngạch.

Đây là nỗ lực của ngành cao su nói chung và doanh nghiệp cao su nói riêng khi linh hoạt thích ứng trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.

Trong năm 2023, dự báo việc tiêu thụ và xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam sẽ tốt hơn khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế COVID-19 và mở cửa biên giới từ tháng 1/2023, một động thái được thế giới hoan nghênh, có thể cải thiện sự phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng nhanh nhu cầu cao su.

Trong thực tế từ tháng 12/2022, giá cao su thiên nhiên bình quân trong tháng đã tăng so với tháng 11 khi nhiều thành phố tại Trung Quốc nới lỏng những hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19. Với chính sách mở cửa thông thương trở lại từ 8/1/2023 của Trung Quốc sẽ là một tín hiệu lạc quan về tâm lý thị trường, sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành cao su trong năm 2023.

Trong năm 2023, dự báo việc tiêu thụ và xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam sẽ tốt hơn khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế COVID-19. (Ảnh: Pháp luật TP HCM)

Cùng với những tín hiệu thị trường được mở ra, đâu là những thách thức mà ngành cao su sẽ phải đối diện trong năm 2023?

VRA: Ngoài những tín hiệu tích cực từ thị trường, ngành cao su vẫn phải đối măt với nhiều thách thức, hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong năm 2023. Cụ thể, giá bán cao su thấp trong khi giá nguyên liệu đầu vào cao và tăng nhanh; các rào cản kỹ thuật và các chứng nhận sản xuất cao su bền vững theo chuỗi hành trình sản phẩm của các nước tiêu thụ cao su. 

Ngoài ra, hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên chưa chặt chẽ, đồng bộ và chưa có sự kiểm soát từ các cơ quan quản lý nhà nước từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, đặc biệt đối với nguồn cao su của tiểu điền đang chiếm trên 60% sản lượng, làm giảm tính cạnh tranh của cao su Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Một số chính sách vẫn còn gây vướng mắc và nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cao su như chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách tài chính đối với đất đai, chính sách môi trường trong sản xuất chế biến cao su…

Do đó, để tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam, cần có cơ chế chính sách phù hợp, sự nỗ lực của của doanh nghiệp, sự phối hợp đồng bộ các thành phần tham gia trực tiếp và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng ngành cao su.

Như Huỳnh