|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng gấp đôi trong 10 tháng

11:05 | 02/12/2022
Chia sẻ
Cơ cấu thị trường nhập khẩu cá tra năm nay có những biến động về tỷ trọng. Đáng chú ý là vai trò ngày càng quan trọng của thị trường Trung Quốc. Tính đến hết tháng 10, Trung Quốc chiếm gần 30% giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam với trên 638 triệu USD. Đây cũng là thị trường có tăng trưởng đột phá nhất về nhập khẩu cá tra, tăng 106%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), năm 2022, cá tra là ngành xuất khẩu khởi sắc nhất trong các ngành hàng thuỷ sản nhờ có giá xuất khẩu trung bình tăng nhiều nhất và cơ hội thị trường cũng nhiều hơn so với các ngành hàng khác.

Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu cá tra cả nước đã đạt được hơn 2,1 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước xuất khẩu cá tra đã tăng 77% - mức tăng trưởng cao nhất trong các năm qua và cũng là mức cao nhất so với các ngành hàng khác.VASEP cho rằng ngành cá tra sẽ đạt kỷ lục 2,4 tỷ USD đến cuối năm nay. 

 Số liệu: VASEP,  Cục Xuất nhập khẩu (H.Mĩ tổng hợp)

Cá tra phile đông lạnh có xu hướng được các thị trường tăng nhập khẩu mạnh hơn so với cá nguyên con tươi/đông lạnh. Theo đó năm nay, dòng sản phẩm chủ lực này chiếm tới 86,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 79%. Cá tra chế biến hàng giá trị gia tăng chiếm 1,5% đạt 32,7 triệu USD.

Cơ cấu thị trường nhập khẩu cá tra năm nay có những biến động về tỷ trọng. Đáng chú ý là vai trò ngày càng quan trọng của thị trường Trung Quốc. Tính đến hết tháng 10, Trung Quốc chiếm gần 30% giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam với trên 638 triệu USD. Đây cũng là thị trường có tăng trưởng đột phá nhất về nhập khẩu cá tra, tăng 106%.

 Số liệu: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ hai, nhưng tỷ trọng của thị trường này giảm so với năm trước. 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ chiếm gần 23% đạt 491 triệu USD. Tăng trưởng 70% của thị trường này là kết quả sự đột phá giai đoạn nửa đầu năm, khi mà kinh tế Mỹ chưa chịu tác động của lạm phát.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, 9 tháng đầu năm nay, nước này nhập khẩu 104,5 nghìn tấn cá tra phile đông lạnh từ Việt Nam, giá trị 445 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và 91% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình nhập khẩu cá tra phile đông lạnh vào Mỹ đạt 4,26 USD/kg, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. So với các sản phẩm thuỷ sản khác nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, cá tra có giá tăng mạnh nhất.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ đang yêu cầu các nhà cung cấp thủy sản đấu thầu 543.000 pound cá minh thái và 154.000 pound cá da trơn nội địa. Khối lượng cá này sẽ được sử dụng cho Chương trình Bữa trưa Học đường Quốc gia và các Chương trình Hỗ trợ Thực phẩm và Dinh dưỡng khác của Liên bang. Các cuộc đấu thầu cung cấp cá da trơn sẽ đến hạn vào ngày 25/11.

USDA đã hỗ trợ rất nhiều cho thủy sản trong nước trong năm nay để hỗ trợ các nhà sản xuất sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tàn phá ngành thủy sản.

EU ghi nhận mức tăng trưởng 103% đạt 173 triệu USD. Sự hồi phục mạnh mẽ của EU đã khiến cho tỷ trọng của thị trường tăng từ 7% lên 8% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam. Những thị trường trọng điểm trong khối là Hà Lan tăng 72%, Đức tăng 182% và Bỉ tăng 94%.

Trong khi đó, một thị trường quan trọng tại châu Âu là Anh quốc, dù giá trị nhập khẩu cá tra vẫn tăng 32% đạt gần 55 triệu USD, nhưng tỷ trọng lại giảm so với năm trước. Nằm trong nhóm các nước G7, Anh là thị trường phục hồi chậm nhất hậu COVID-19 lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát và khủng hoảng năng lượng, thực phẩm do chiến sự Nga – Ukraine nên nhu cầu thuỷ sản, kể cả với sản phẩm giá trung bình hoặc giá thấp cũng bị sụt giảm.

Khối thị trường CPTPP vẫn giữ tỷ trọng 13% xuất khẩu cá tra của Việt Nam với 282 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trọng số vẫn ở Mexico và Canada với doanh số lần lượt là 92 triệu USD và 50 triệu USD trong 10 tháng qua. Hai thị trường này đều tăng mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam, tăng 67% và 88% so với cùng kỳ.

VASEP nhận định dù kết quả luỹ kế 10 tháng đầu năm khá là tích cực, nhưng từ cuối quý III, sang quý IV, tín hiệu sa sút của các thị trường đã phản ánh rõ trong doanh số xuất khẩu cá tra.

Theo đó, tháng 10, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 179 triệu USD, mức thấp nhất kể từ Tết nguyên đán và cũng tăng trưởng ít nhất kể từ đầu năm. Vẫn còn nhiều thị trường tăng nhập khẩu cá tra nhưng cũng có nhiều thị trường bị sụt giảm về giá trị như: Mỹ giảm 11%, Canada giảm 3%, Colombia giảm 26%...

"Đó là những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang chi phối mạnh đến nhu cầu của các thị trường, ảnh hưởng đến cả tiêu thụ cá tra không chỉ ở giai đoạn cuối năm 2022 mà có thể kéo dài tới năm 2023", VASEP nhận định.

Trong báo cáo triển vọng ngành thủy sản, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng tăng trưởng của ngành cá tra sẽ phụ thuộc vào việc mở cửa của Trung Quốc sau thời gian dài theo đuổi chiến dịch Zero COVID.

Việc Trung Quốc mở cửa sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao sau thời gian dài bị kìm nén, giúp cả ngành cá tra tăng trưởng. Đối với thị trường Mỹ, BSC kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ khả quan trở lại khi hàng tồn kho tại cảng được tiêu thụ hết.

Một tín hiệu tích cực cho ngành thủy sản là giá cước vận tải quốc tế đang tiếp tục giảm mạnh, tiệm cận dần với giá cước trước dịch COVID-19.

Trong tháng 9, bình quân giá cước từ Đông Nam Á đến Mỹ dao động 3.417 USD, giảm 83% so với cùng kỳ năm 2021. Giá cước từ Đông Nam Á đến châu Âu quanh mức 7.241 USD, giảm 49%.

Trong quý III, chi phí vận chuyển của doanh nghiệp cá tra Vĩnh Hoàn và Nam Việt đều ghi nhận đi xuống so với quý II. Đây cũng là một yếu tố giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận trong quý IV.

H.Mĩ

Dragon Capital: Thị trường tài chính biến động sau bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó giảm điểm thêm
Dragon Capital nhận định việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ hai đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu biến động, giống như lần thứ nhất, thể hiện qua việc DXY tăng lên. Một số thị trường mới nổi gặp áp lực gia tăng khi dòng vốn rút về Mỹ. Điều này diễn ra trên nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.