Xuất khẩu cá tra có thể phục hồi từ quý III, xu hướng thị trường Mỹ và Trung Quốc trái ngược
Xuất khẩu cá tra sẽ phục hồi từ quý III
Báo cáo ngành cá tra của CTCP Chứng khoán Vietcap cho thấy xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm đạt 873 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu xét theo quý, Vietcap cho rằng xuất khẩu cá tra trong quý I đã chạm đáy và cải thiện nhẹ trong quý II khi giá trị xuất khẩu nhích lên 7%. Vietcap dự báo xuất khẩu cá tra sẽ phục hồi so với quý trước bắt đầu từ quý III, tuy nhiên xu hướng ở các thị trường chính như Mỹ và Trung Quốc dự kiến trái ngược nhau.
Theo đó, sản lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong quý II tăng mạnh 39% so với quý trước, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc lại giảm 3%.
Vietcap cho biết ở thị trường Mỹ, mức chi tiêu ổn định hơn dự kiến của người tiêu dùng và chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng mạnh vào quý II, điều này tạo ra triển vọng khả quan hơn cho ngành dịch vụ ăn uống – vốn (F&B), khi đây là kênh phân phối chính của phi lê cá tra đông lạnh. Đặc biệt khi mùa lễ hội cuối năm đang đến gần, Vietcap kỳ vọng các đơn hàng từ thị trường Mỹ thị trường lớn thứ hai của ngành cá tra Việt Nam sẽ cải thiện.
Về phía nhà cung cấp/nhà phân phối, tỷ lệ tồn kho trên doanh số bán lẻ F&B của Mỹ đạt 0,78% trong 5 tháng đầu năm 2023, phù hợp với mức trung bình trong giai đoạn 2007-2023. Bộ phận phân tích cho rằng đây là mức chấp nhận được so với các giai đoạn khủng hoảng kinh tế trước đây.
Do đó, Vietcap kỳ vọng mức tiêu thụ cuối cùng sẽ tăng mạnh hơn và hoạt động tích trữ hàng tồn kho gia tăng sẽ thúc đẩy lượng đơn hàng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2023.
Ở chiều ngược lại, nhu cầu từ Trung Quốc có thể thấp hơn trong nửa cuối năm 2023 so với đầu năm dù nước này đã mở cửa kinh tế sau 3 năm phong tỏa do dịch COVID-19.
Các chỉ báo kinh tế chính của quốc gia này cho thấy tốc độ phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm tốc kể từ tháng 4/2023, chủ yếu do những thách thức hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc.
Ngoài ra tính đến đầu tháng 8, tỷ giá CNY/VND đã giảm 4,5% so với cùng kỳ và việc tỷ giá CNY/VND giảm trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Vietcap cho rằng nhu cầu tiêu dùng và đơn hàng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong nửa cuối năm 2023 sẽ phục hồi ít hơn so với nửa đầu năm.
Nguồn cung suy giảm, giá cá tra sẽ tăng nhẹ
Ngoài xu hướng phục hồi của ngành cá tra, Vietcap cho biết giá cá tra cũng sẽ được hỗ trợ khi tình trạng thiếu lương thực toàn cầu sẽ trở nên trầm trọng hơn do El Niño và căng thẳng địa chính trị.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo El Niño sẽ tiếp tục diễn biến trong 6 tháng cuối năm 2023 và có thể kéo dài đến tháng 3/2024, điều này sẽ tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới, bao gồm năng suất thu hoạch thấp hơn đối với các mặt hàng thực phẩm.
Ngoài ra, việc Nga đã rút khỏi thỏa thuận Biển Đen (thỏa thuận đảm bảo vận chuyển an toàn cho các tàu chở ngũ cốc qua Biển Đen) vào giữa tháng 7/2023 khiến giá ngũ cốc biến động sau một năm ổn định. Vietcap cho rằng giá hàng hóa thực phẩm sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023, điều này sẽ làm tăng giá cá nguyên liệu và thúc đẩy tăng giá phi lê chế biến.
Mặt khác tại thị trường nội địa, nguồn cung cá tra từ nông dân hạn chế do giá cá nguyên liệu thấp và chi phí nuôi trồng nuôi cao. Trong nửa đầu năm 2023, hiệu suất nuôi trồng cá tra nguyên liệu giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết nông dân đã giảm cho ăn và trì hoãn chu kỳ nuôi mới do giá cá nguyên liệu giảm xuống dưới mức hòa vốn ảnh hưởng hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Trong nửa đầu năm 2023, điều kiện thời tiết xấu đã ảnh hưởng đến sức khỏe của cá do chi phí bột cá vẫn ở mức cao, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của nông dân. Do vậy, tình trạng khan hiếm nguồn cung này có thể kéo dài trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024.