|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra dần hồi sức trong quý II

17:34 | 04/08/2023
Chia sẻ
Xuất khẩu cá tra đang dần cải thiện sau nhiều tháng giảm sâu do ảnh hưởng bởi tình hình lạm phát tăng cao và kinh tế toàn cầu suy yếu. Sự cải thiện này cũng đã phản ánh vào trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý II.

Những tín hiệu phục hồi

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 6 đạt 143 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức độ suy giảm cũng đang được thu hẹp dần so với những tháng trước đó như tháng 5 (36%) hay tháng 4 (52%)…

Bước sang tháng 7, khoảng cách này càng được thu hẹp hơn nữa, chỉ còn giảm 20% với cùng kỳ năm ngoái xuống 150 triệu USD. 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Xuất khẩu cá tra đang dần cải thiện sau nhiều tháng giảm sâu do ảnh hưởng bởi tình hình lạm phát tăng cao và kinh tế toàn cầu suy yếu. Ngoài ra, sự suy giảm của những tháng đầu năm còn do tồn kho của các nhà nhập khẩu còn lớn khi năm 2022 họ ồ ạt nhập hàng tích trữ với kỳ vọng sau COVID-19, nhu cầu sẽ tăng mạnh. 

Sự cải thiện này cũng đã phản ánh vào trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý II. Theo đó, mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đều giảm sâu nhưng nếu so sánh với quý I năm nay, hoạt động kinh doanh đã cho thấy sự khởi sắc. Cũng cần lưu ý rằng nền doanh thu - lợi nhuận năm ngoái ở mức cao, thậm chí có doanh nghiệp đạt kỷ lục do hoạt động xuất khẩu cá tra thuận lợi giai đoạn hậu COVID-19. 

 Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

 

 Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Điển hình như CTCP Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu quý II đạt 2.724 giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với quý I, doanh thu tăng 23%.  Lãi sau thuế gần 430 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng gấp đôi so với quý I. 

Nửa đầu năm, Vĩnh Hoàn đạt 4.945 tỷ doanh thu thuần và gần 656 tỷ lãi sau thuế, lần lượt giảm 34% và 51% so với 6 tháng đầu năm 2022. So với kế hoạch cả năm, Vĩnh Hoàn thực hiện được lần lượt 43% chỉ tiêu doanh thu và 63% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng.

Hay với trường hợp của CTCP XNK Thuỷ sản Bến Tre (ABT) ghi nhận lợi nhuận hơn 28 tỷ đồng tăng gấp 3 lần so với quý I và giảm nhẹ 11% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tuy nhiên, cũng có công ty báo cáo kết quả kinh doanh vẫn chưa phục hồi xét trên cả phương diện so sánh với quý I. Cụ thể, doanh thu trong quý II của CTCP Nam Việt (Mã: ANV) đạt 1.074 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ và giảm 7% so với quý I. Sau khi trừ các khoản chi phí công ty lỗ 51 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 206 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận lãi 41,3 tỷ đồng, giảm 90,8% so với cùng kỳ năm trước.

  Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

 

  Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 24/6 của Nam Việt đã thông qua việc giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 còn 300 tỷ đồng, từ mức 500 tỷ đồng trước đó. Kế hoạch tổng doanh thu bán hàng giữ nguyên 5.200 tỷ đồng. So với kết quả năm 2022, chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023 đã điều chỉnh thấp hơn 61%.

Theo kế hoạch năm nay của Nam Việt, mảng Collagen và Gelatin (C&G) sau khi hoàn thành giai đoạn 1 cho nhà máy Amicogen, công ty dự định sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 để nâng công suất từ 780 lên 1.200 và 2.400 tấn/ năm. Do mới bước đầu khai thác mảng C&G nên ANV được kỳ vọng sẽ còn nhiều dư địa để mở rộng biên lợi nhuận cho mảng này. Mảng C&G dự kiến đem về doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 85 tỷ và 4,25 tỷ đồng cho công ty trong năm 2023.

Doanh nghiệp nâng hàng tồn kho chuẩn bị cho mùa cao điểm cuối năm

Tính đến cuối quý II, tồn kho của nhiều công ty (sau khi đã tính dự phòng giảm giá) ghi nhận tốc độ tăng “hai chữ số" so với cuối năm ngoái. 

   Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Vĩnh Hoàn dự kiến dừng tăng giá bán và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh. Song, công ty vẫn kỳ vọng nhu cầu cá tra sẽ phục hồi từ quý IV/2023 khi trữ lượng hàng tồn kho các nước giảm dần, đồng thời nhu cầu nhập khẩu  cá sẽ được cải thiện khi các dịp lễ bên phương Tây đến gần.

Tính đến cuối quý II, hàng tồn kho của Vĩnh Hoàn đã tăng thêm 1.100 tỷ so với đầu năm lên hơn 4.300 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng tài sản, đồng thời dự phòng giảm giá hàng tồn kho 374 tỷ đồng. Còn so với này 30/3, hàng tồn kho tăng thêm 600 tỷ.

Năm nay, Vĩnh Hoàn sẽ mở rộng các phân khúc khác để bù đắp cho mảng cá tra đang bước vào chu kỳ giảm thông qua việc cho ra mắt sản phẩm thương mại của Nhà máy Nông sản thực phẩm Thành Ngọc. Ngoài ra, công ty cũng đang lên kế hoạch mở rộng dây truyền sản xuất nhà máy Collagen & Gelatin với biên lợi nhuận gấp đôi so với mảng cá tra.

CTCP Thuỷ sản Cửu Long An Giang (Mã: ACL) cũng ghi nhận tồn kho tăng 25% so với cuối năm ngoái lên 1.151 tỷ đồng. 

Nam Việt cũng tăng lượng tồn kho của mình thêm 12% lên 2.634 tỷ đồng.  Trong báo cáo Chứng khoán Vietcombank (VCBS) mới công bố, ANV đang duy trì các đơn hàng ổn định, đảm bảo 100% công suất cho đến hết tháng 6/2023.

Sau khi có kết quả của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19, công ty sẽ lên kế hoạch xuất khẩu  sang thị trường Mỹ mạnh mẽ hơn và bán được sản phẩm chủ đạo của mình với giá gấp đôi so với các thị trường cũ, giúp biên lợi nhuận của doanh nghiệp được cải thiện trong tương lai.

Bên cạnh đó, ANV cũng kỳ vọng giá ở thị trường Trung Quốc sẽ được cải thiện khi nguồn hàng tồn kho cạn dần và tiêu dùng được cải thiện khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục trở lại.

VCBS cho biết công ty đã kết nối được một tập khách hàng mới ở Trung Quốc, lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu 35% tại quốc gia này.

Xuất khẩu cá tra có cải thiện vào cuối năm?

Trong báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, lợi nhuận các công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2023 nhờ giá nguyên vật liệu giảm và chi phí vận chuyển giảm.

SSI Research cho rằng chưa có tín hiệu phục hồi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc do tình trạng lạm phát kéo dài và xử lý hàng tồn kho chậm. 

Bên cạnh đó, đơn vị phân tích cũng ước tính giá bán trung bình của tôm và cá tra sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm lần lượt đạt 10,6 USD/kg (giảm 12% so với cùng kỳ) và 3,5 USD/kg (giảm 26% so với cùng kỳ).

Còn Agromonitor cho rằng, sản lượng tiêu thụ cá tra sang Mỹ và Trung Quốc lần lượt giảm 50% và 31% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023.

Mặc dù triển vọng các đơn đặt hàng sang Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn do nền kinh tế phục hồi chậm và mức tồn kho tăng cao nhưng SSI Research vẫn kỳ vọng lợi nhuận các công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2023 nhờ giá nguyên vật liệu giảm (cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản) và chi phí vận chuyển giảm.

VASEP mới đây đưa ra 2 kịch bản về xuất khẩu thuỷ sản. Kịch bản 1, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD,giảm 15-16% so với năm 2022, với những điều kiện thuận lợi như kinh tế ở các thị trường lớn phục hồi, doanh nghiệp có nội lực sản xuất, nguồn cung nguyên liệu ổn định và phẩm xuất khẩu có giá bán cạnh tranh.

Với kịch bản thuận lợi đó, xuất khẩucá tra đạt 1,7-1,8 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Kịch bản 2kém lạc quan, khi thị trường đã có tín hiệu phục hồi, nhu cầu tăng trở lại nhưng hàng thủy sản của Việt Nam vẫn khó cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…Doanh thu cả năm 2023 chỉ có thể chỉ mang về khoảng 8,5 – 8,7 tỷ USD.Trong đó, hai ngành hàng chủ lực là tôm và cá tra vẫn sẽ giảm sâu nhất.

H.Mĩ