Mảng cá tra suy yếu, Vĩnh Hoàn góp thêm 180 tỷ đồng vào công ty sản xuất nước ép và chế biến rau quả
HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa quyết định góp thêm gần 180 tỷ đồng vào Công ty TNHH Nông Sản Thực Phẩm Thành Ngọc (TNG Foods).
Tổng vốn góp của Vĩnh Hoàn tại TNG Foods sau khi tăng vốn góp là 408 tỷ đồng, chiếm 81,6% vốn điều lệ. Chủ tịch Vĩnh Hoàn - Trương Thị Lệ Khanh là người đại diện phần vốn góp của công ty tại TNG Foods.
Đồng thời, HĐQT Vĩnh Hoàn cũng chấp thuận cho công ty con - Công ty TNHH MTV Thực phẩm Vĩnh Phước góp thêm 134 triệu đồng vào TNG Foods.
Tổng vốn góp của Thực phẩm Vĩnh Phước tại TNG Foods sau khi tăng vốn góp là 42 tỷ đồng, chiếm 8,4% vốn điều lệ. Bà Lê Thị Sáu là người đại diện phần vốn góp của công ty tại TNG Foods.
Theo tìm hiểu, TNG Foods được thành lập vào tháng 2/2021 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất nước ép từ rau quả và chế biến, bảo quản rau quả.Thời điểm đó, Vĩnh Hoàn góp 70 tỷ đồng, tương đương với 70% vốn điều lệ ở công ty này.
Nhà máy chế biến Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc thuộc TNG Foods, được khởi công xây dựng vào tháng 1/2022 tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng.
Nhà máy sẽ tận dụng các nguyên liệu nông sản tại địa phương như thanh long, mãng cầu, xoài để chế biến thành các sản phẩm trái cây sấy, nước ép trái cây, dầu bơ thực vật. Công suất hoạt động của nhà máy khoảng 150 tấn nguyên liệu/ngày và cung cấp cho thị trường 23.000 tấn sản phẩm mỗi năm.
Về kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 4.075 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ do việc xuất khẩu cá tra sang các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc "đi xuống".
Năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 11.500 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 tháng, công ty đã hoàn thành 35% chỉ tiêu năm đề ra.
Trong báo cáo phân tích về Vĩnh Hoàn hồi tháng 6, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo doanh thu và lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn trong năm 2023 sẽ đạt lần lượt là 11.498 và 1.255 tỷ đồng, giảm lần lượt là 13% và 38% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành nhà máy Surimi, sản xuất các loại thanh cua ăn liền, với công suất 5.000 tấn/ năm. Dòng sản phẩm này dự kiến sẽ đóng góp cho doanh thu sản phẩm GTGT của công ty đạt khoảng 95 tỷ đồng trong năm 2023.
Bên cạnh đó, đơn vị phân tích cho rằng trong năm nay, Vĩnh Hoàn sẽ mở rộng các phân khúc khác để bù đắp cho mảng cá tra đang bước vào chu kỳ giảm. Cụ thể, nhà máy Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc dự kiến sẽ cho ra sản phẩm thương mại trong nửa cuối năm 2023 với doanh thu dự kiến là 350 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp khoảng 15%.
Ngoài ra, công ty cũng đang lên kế hoạch mở rộng dây truyền sản xuất nhà máy C&G, qua đó dự kiến đem lại mức doanh thu và lợi nhuận cho năm 2024 đạt lần lượt là 835 và 342 tỷ đồng, biên lợi nhuận gấp đôi so với mảng cá tra.
Với mảng gạo, sau khi dự án xí nghiệp Sa Giang 3 hoàn thành, Sa Giang đã tận dụng thương hiệu của mình để nâng cao sản lượng tiêu thụ ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Ban lãnh đạo VHC đưa ra kế hoạch cho năm 2023 với mức doanh thu tăng 2,5 lần lên 680 tỷ đồng, tăng 153% so với cùng kỳ.