|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 2 tăng nhẹ, tuy nhiên có thể bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19

08:22 | 06/04/2020
Chia sẻ
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 2 đạt hơn 11,1 triệu bao so với 10,83 triệu bao trong cùng kì năm 2019. Tuy nhiên trước tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu có thể giảm do thiếu phương tiện vận chuyển và nhân công, trong khi nhu cầu suy yếu có thể gây áp lực lên giá.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 2 tăng nhẹ, tuy nhiên có thể bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nguồn: ICO

Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 5 tháng đầu năm 2019 - 2020 giảm 3,4% xuống 50,97 triệu bao so với 52,78 triệu bao trong cùng kì năm 2018 - 2019. Xuất khẩu cà phê arabica giảm 7,8% xuống còn 31,86 triệu bao trong khi xuất khẩu robusta tăng 4,8% lên 19,1 triệu bao.

Brazil

Trong tháng 2, xuất khẩu từ Brazil giảm 24,3% xuống còn 2,7 triệu bao và trong 5 tháng đầu năm giảm 13,2% xuống còn 16,19 triệu bao so với cùng kì. 

Sản lượng cà phê trong năm 2019 - 2020 của Brazil ước tính đạt 57 triệu bao, thấp hơn 12,2%. Sản lượng cà phê arabica, thường chiếm khoảng 65 - 70% tổng sản lượng, rơi vào cuối vụ của chu kì hai năm một lần, dẫn đến tổng sản lượng suy giảm trong năm này. 

Việc thu hoạch vụ mùa cà phê robusta mới bắt đầu vào tháng 4 và arabica bắt đầu vào tháng 6 có thể chậm trễ do sự lây lan của virus corona khiến việc thuê, quản lí lao động và phương tiện vận tải trở nên khó khăn hơn. 

Điều này có thể dẫn đến các lô hàng xuất khẩu thấp hơn trong ngắn hạn, đặc biệt là vì dự trữ trong kho tương đối thấp vào cuối mùa vụ.

Việt Nam

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 2 tăng 51,4% lên 2,8 triệu bao, cao hơn đáng kể so với khối lượng thấp kỉ lục vào cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm giảm 4,1% xuống 11,15 triệu bao. 

Kể từ đầu mùa vụ, rơi vào tháng 10/2019, giá cà phê robusta giảm liên tiếp ngoại trừ tháng 11, có khả năng nông dân đang găm hàng đợi giá tăng. 

Từ ngày 1/4, Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách cách li toàn xã hội để hạn chế lây lan virus corona. Điều này dường như không có tác động lớn đến sản xuất, ước tính sản lượng tăng 4,4% lên 31,2 triệu bao vì việc thu hoạch gần như đã hoàn tất, nhưng có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu trong thời gian tới.

Colombia

Các lô hàng từ Colombia trong tháng 2 giảm 13,4% xuống còn 1,08 triệu bao và trong 5 tháng đầu năm giảm 1,6% xuống 5,9 triệu bao. 

Sản xuất của Colombia ước tính tăng 1,7% lên 14,1 triệu bao trong năm 2019 - 2020. Theo Liên đoàn những người trồng cà phê Colombia, 6,6 triệu bao đã được thu hoạch tính đến tháng 2, cao hơn 8,8% so với cùng kì năm ngoái do sự tăng trưởng mạnh mẽ vào đầu mùa. 

Một vài báo cáo cho thấy sự thiếu hụt container vận chuyển từ Trung Quốc đến Colombia đã ảnh hưởng đến xuất khẩu trong tháng 2. Ngoài ra, sản lượng trong tháng 2 giảm 9,5% xuống chỉ còn hơn 1 triệu bao. 

Việc phong tỏa 19 ngày trên toàn quốc được Tổng thống Colombia công bố áp dụng từ ngày 25/3. Vụ mùa cà phê phụ (vụ Mitaca, bắt đầu thu hoạch vào tháng 4), có khả năng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế cũng như thiếu lao động nhập cư từ các nước láng giềng.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 2 tăng nhẹ, tuy nhiên có thể bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Nguồn: ICO

Xuất khẩu của Indonesia trong tháng 2 cao hơn 80,2% so với năm trước, đạt 876.000 bao và trong 5 tháng đầu năm tăng 84,7% lên 2,87 triệu bao. Tuy nhiên, mức tăng đáng kể này là do khối lượng thấp kỉ lục trong năm ngoái khi sản xuất giảm 13,2% xuống 9,42 triệu bao, mức thấp nhất kể từ năm 2011 - 2012. 

Sản lượng của Indonesia trong vụ mùa năm nay dự kiến tăng 16,8% lên 11 triệu bao. Hiện tại, rất khó để dự đoán mức độ ảnh hưởng của các chính sách liên quan đến đại dịch COVID-19 đối với thu hoạch vụ  cà phê robusta cũng như xuất khẩu.

Xuất khẩu từ Honduras trong tháng 2 giảm 2,8% xuống còn khoảng 800.000 bao và trong 5 tháng đầu năm tăng 1,6% lên 2,04 triệu bao. Sản lượng năm 2019 - 2020 ước tính đạt 7,3 triệu bao, tương đương với sản lượng năm 2018/19, nhưng thấp hơn 3,4% so với sản lượng kỉ lục 7,56 triệu bao trong năm 2017 - 2018. 

Giá thấp và lệnh phong tỏa toàn quốc áp dụng kể từ ngày 20/3 có tác động tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu ở Honduras. 

Việc thu hoạch vụ mùa năm nay sẽ kết thúc vào thời điểm này và không bắt đầu lại cho đến cuối năm. Trong thời gian tới, xuất khẩu cà phê, đặc biệt khi lượng container vận chuyển và công nhân tại các cảng không đủ, có thể giảm.

Dịch COVID-19 gây áp lực lên giá

Năm 2019 - 2020, tiêu thụ cà phê thế giới ước tính khoảng 169,34 triệu bao, cao hơn 0,7% so với năm 2018 - 2019. Hiện tại nhu cầu ước tính vượt quá sản xuất 0,47 triệu bao, đạt 168,86 triệu bao. 

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tác động đến cả cung và cầu. Một mặt, tiêu thụ cà phê có thể bị ảnh hưởng do các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus corona, đặc biệt là tiêu thụ ngoài hộ gia đình. 

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu, kèm theo tỉ lệ thất nghiệp tăng, nhu cầu tiếp tục suy yếu và gây áp lực giảm giá. 

Mặt khác, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cả trong vận chuyển và thu hoạch có thể dẫn đến sự thiếu hụt tạm thời trong nguồn cung và giá có thể giảm trong ngắn hạn.

Linh Giang