|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường lớn bắt đầu khả quan

15:11 | 24/09/2020
Chia sẻ
Sau phục hồi trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tháng 8 lại không tăng trưởng như mong đợi, giá trị xuất khẩu giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu cá ngừ sang một số thị trường chính đã sáng sủa hơn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), hiện tại do tác động của dịch COVID-19 nên xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam đều giảm, trừ cá ngừ đóng hộp. Giá trị xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng 8, giá trị xuất khẩu không chỉ tăng sang Canada và Ai Cập, Việt Nam còn tăng xuất khẩu sang Mỹ và Israel.

Đặc biệt, sau một thời gian sụt giảm, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đã đảo chiều và có mức tăng trưởng ngày càng cao. Tính riêng trong tháng 8, xuất khẩu cá ngừ của sang thị trường này tăng tới 238% so với cùng kỳ.

Còn tại Mỹ, sau thời gian giảm liên tiếp, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang đây đã tăng 5,2% so với cùng kỳ.

Lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 đã làm giảm đáng kể nhu cầu về cá ngừ tại Mỹ, đặc biệt là cá ngừ tươi sống và đông lạnh. Do tác động của đại dịch nhu cầu bán lẻ tăng cao, nên Mỹ có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp từ Việt Nam.

Tính riêng trong tháng 8, giá trị xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam sang Mỹ tăng tới gần 97% so với cùng kỳ năm 2019.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này trong tháng này là loin cá ngừ vây vàng hấp đông lạnh mã HS16041490) và thịt cá ngừ đông lạnh (mã HS03048700).

Giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm này của Việt Nam sang Mỹ đang ở mức lần lượt là 6,6 USD/kg và 9,3 USD/kg.

Trái với Mỹ, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU giảm. Sau khi phục hồi trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các nước EU trong tháng 8 không có sự tăng trưởng như mong đợi, giảm 17%.

Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính trong khối như Đức và Hà Lan vẫn có sự tăng trưởng tốt.

Năm nay, do Bexit, nên giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh không được tính vào trong EU, điều này đã tạo ra một khoảng trống lớn so với những năm trước.

Bởi vốn dĩ, Anh là thị trường nhập khẩu nhất nhiều cá ngừ đóng hộp trong khối EU, nhất là trong bối cảnh COVID-19. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho giá trị xuất khẩu sang EU khó đạt được như những năm trước.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU trong tháng 8 gồm thịt cá ngừ đông lạnh (mã HS03048700), cá ngừ ngâm dầu/sốt đóng hộp (mã HS16041419) và thịt cá ngừ hấp đông lạnh (mã HS16041490), đây là các sản phẩm mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan khi hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Giá trung bình xuất khẩu thịt cá ngừ đông lạnh và thịt cá ngừ hấp đông lạnh của Việt Nam sang EU trong tháng 8 ở mức lần lượt là 6,41 USD/kg và 4,98 USD/kg.

Tương tự như EU, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản đã đảo chiều tăng trong tháng 8. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 8 giảm gần 35% sao với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này chủ yếu là do tác động của dịch COVID-19 khiến cho nhu cầu cá ngừ tại thị trường Nhật Bản không ổn định.

Dự kiến, do tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các thị trường vẫn chưa được kiểm soát nên xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường sẽ chưa thể phục hồi. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường chính sẽ khả quan hơn so với những tháng đầu năm.