|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Xuất hiện tâm lý bỏ cuộc trên thị trường bất động sản

14:05 | 21/08/2021
Chia sẻ
"Bóng đen" của dịch COVID-19 đang kéo theo tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc của hàng trăm, hàng nghìn cá nhân và sàn môi giới trong lĩnh vực bất động sản.
Nhiều cá nhân, đơn vị môi giới bất động sản có tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc - Ảnh 1.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp là yếu tố bất khả kháng tác động buộc các doanh nghiệp bất động sản gần như dừng hoạt động. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

"Khó khăn" là cụm từ phổ biến nhất để mô tả thị trường bất động sản lúc này. Hàng nghìn doanh nghiệp và sàn môi giới bất động sản phải tạm ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến "Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó do ảnh hưởng COVID-19 - Giải pháp và kiến nghị" do Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam Phạm Lâm cũng đưa ra nhận định tương tự. Ông cho biết, hiện có rất nhiều sàn giao dịch gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản.

Ông Lâm dẫn dẫn chứng, trong một khảo sát của DKRA đối với các doanh nghiệp môi giới tại TP HCM và các tỉnh lân cận, có khoảng 70% doanh nghiệp gặp khó khăn; 30% còn lại vẫn đang duy trì hoạt động, tuy nhiên vẫn chưa hoạt động hiệu quả.

Hiện nay 50% các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc có doanh thu dưới 10%, có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam: "Dịch COVID-19 đã kéo theo tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc của nhiều cá nhân, đơn vị môi giới. Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra, đây là đợt dịch ảnh hưởng nặng nề nhất đến thị trường bất động sản và các sàn giao dịch".

"Nhiều sàn môi giới bất động sản đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do không có kinh phí để trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, tiền thuê văn phòng và khoản chi phí khác", ông Hà cho biết.

Tại tọa đàm, bà Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land cũng nhận định, sau gần hai năm dịch bệnh, nguồn lực dự phòng của các doanh nghiệp cũng đang cạn dần, khi dịch bệnh qua đi, việc khôi phục các hoạt động đầu tư, bán hàng là thách thức lớn.

Nguồn hàng giảm khiến hoạt động sàn giao dịch, môi giới bất động sản gặp nhiều khó khăn. Việc cắt giảm nhân sự, giải thể là điều không thể tránh khỏi. Sẽ có ít nhất có khoảng 30% các sàn giao dịch, môi giới bất động sản không trụ nổi trong đợt dịch này.

Trước đó, tại tọa đàm "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021", bà Hương cũng đưa ra nhận định, các doanh nghiệp môi giới hiện nay có khoảng 60 - 70% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động dựa trên sản phẩm của chủ đầu tư, họ có thể gồng được một thời gian ngắn nhưng dài hạn là khó khăn.

Những doanh nghiệp này đang không có nguồn thu và họ đang phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ được nhân sự. Khi thị trường khó khăn, đối tượng này sẽ rút lui và rời khỏi thị trường tương đối nhiều.

Theo bà Hương, quý cuối năm, nếu lực lượng này không hoạt động được mọi chuyện sẽ càng tệ hơn nữa.

Thống kê mới đây của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, ở thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như Đất Xanh Miền Bắc, Hải Phát Land, CEN Group,… mới tiếp tục duy trì được hoạt động.

Tuy nhiên, hầu hết các sàn giao dịch đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại khoảng 80 % các sàn giao dịch bất động sản làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.

Minh Tuấn