Xu hướng startup: Các quỹ đầu tư bắt đầu đi khỏi Trung Quốc, dồn tiền cho thị trường khởi nghiệp Đông Nam Á và Ấn Độ
Các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) đang tăng cường rót vốn cho các startup ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, cũng như dần rút khỏi thị trường Trung Quốc, theo Asia Nikkei.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Preqin, các quỹ VC tập trung vào khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ đã huy động được 3,1 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại của năm 2022, gần bằng cả năm trước (3,5 tỷ USD). Trong khi đó, nguồn vốn mà các quỹ này huy động được cho thị trường Trung Quốc đã giảm mạnh từ 27,2 tỷ USD trong năm 2021 xuống còn 2,1 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại.
Amit Anand, đồng sáng lập quỹ Jungle Ventures có trụ sở tại Singapore, gần đây đã huy động được 600 triệu USD để đầu tư vào các startup ở Đông Nam Á và Ấn Độ cho biết: "Các quỹ đầu tư đã đạt được thành công tương đối ở Trung Quốc nhưng bắt đầu quan tâm hơn những trở ngại tại đây. Do đó, họ bắt đầu dồn tiền cho thị trường Đông Nam Á và Ấn Độ”.
Đầu tháng này, quỹ đầu tư East Ventures có trụ sở tại Singapore cho biết đã huy động được 550 triệu USD để đầu tư vào các startup ở Đông Nam Á, nâng tổng giá trị tài sản đang được quản lý lên hơn 1 tỷ USD. Trước đó, quỹ đầu tư Elevation Capital của Ấn Độ đã huy động được 670 triệu USD, con số lớn nhất từ trước tới nay.
Wavemaker Partners, một VC có trụ sở tại Singapore, gần đây tung ra một quỹ trị giá 136 triệu USD để đầu từ vào startup. Đối tác điều hành của quỹ, ông Paul Santos nhận thấy có sự dịch chuyển trong khẩu vị đầu tư khi các quỹ đầu tư Mỹ bắt đầu rời khỏi thị trường Trung Quốc.
Các VC huy động tiền từ nhiều nguồn, chẳng hạn như các nhà đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ tài trợ cho các trường đại học cho đến những tỷ phú. Đông Nam Á và Ấn Độ nổi lên như những thị trường hấp dẫn do tốc độ phát triển nhanh chóng của các startup ở cả hai khu vực trong những năm gần đây, thậm chí tạo ra những bom tấn IPO như Zomato của Ấn Độ hay Grab của Singapore.
Cùng thời điểm, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu thắt chặt chính sách đối với các ngành nghề. Chỉ tính riêng năm ngoái, khi ngành dạy thêm bị kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới việc các công ty giáo dục trực tuyến lao dốc, trong đó có một số công ty được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Chính điều này đã khiến ông lớn SoftBank, đơn vị đã đầu tư tới 700 triệu USD vào nhà phát triển ứng dụng giúp học sinh làm bài tập Zuoyebang lỗ nặng.
Ngành công nghệ cũng là một trong những đối tượng bị nhắm đến bởi chính quyền Trung Quốc trong năm ngoái. Giá cổ phiếu của các Big Tech hàng đầu thị trường tỷ dân như Alibaba hay Tencent đều lao dốc.
Gần đây, Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu cho thấy các quy định có thể được nới lỏng. Tháng trước, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hứa sẽ "thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế nền tảng". Tuy nhiên, việc Trung Quốc thực hiện các chính sách phòng dịch nghiêm ngặt một lần nữa khiến giới đầu tư lo lắng.
"Các nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy có sự rủi ro với hệ thống nhà nước của Trung Quốc. Kết quả là, khi họ cố gắng tiếp xúc với thị trường châu Á, có sự chuyển dịch vốn từ Trung Quốc sang các khu vực khác. Trước đây, phân bổ nguồn vốn cho thị trường châu Á gần bằng với phân bổ cho Trung Quốc. Hiện tại đã có sự đa dạng hơn”, CEO một công ty Nhật Bản chuyên bơm vốn cho các VC cho biết.
Vốn đầu tư mạo hiểm được rót vào nhiều lĩnh vực
Dòng vốn đa dạng có thể là một luồng gió mới cho các startup trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng riêng công nghệ đường như vẫn chịu ảnh hưởng từ các đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ gần đây. Giá cổ phiếu Grab hay Paytm đều giảm hơn 50% kể từ đầu năm nay.
Forge, một sàn giao dịch của Mỹ cho cổ phiếu của các công ty tư nhân, cho biết trong quý đầu tiên, cổ phiếu được giao dịch ở mức cao hơn 24% so với giá tại vòng gọi vốn cuối cùng của họ. Dù vậy, con số này vẫn giảm mạnh so với mức 58% cùng kỳ năm trước.
Mặc dù sự mở rộng của các VC tập trung vào khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, những con số này vẫn còn tương đối nhỏ so với những công ty lớn đang thu hẹp quy mô. SoftBank, công ty vận hành Quỹ Tầm nhìn trị giá 98,6 tỷ USD và Quỹ Tầm nhìn 2 trị giá 56 tỷ USD, sẽ cắt giảm một nửa hoặc nhiều hơn các khoản đầu tư sau khi báo lỗ kỷ lục trong quý I, theo CEO Masayoshi Son.
“Định giá trong lĩnh vực công nghệ đã thực sự đi quá xa với những giá trị mà các công ty trong ngành này có thể tạo ra. Đã tới thời điểm cần đánh giá chính xác định giá và giá trị mà các công ty có thể tạo ra”, Amit Anand cho biết.
Những quỹ đầu tư vào Trung Quốc hiện tập trung vào một số lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng bởi việc thắt chặt quy định của chính quyền Bắc Kinh. Lyfe Capital, công ty đầu tư vào các startup liên quan đến chăm sóc sức khỏe, đã công bố về việc ra mắt quỹ đầu tư mới trị giá 935 triệu USD. Gần đây, đơn vị này đã dẫn đầu một khoản đầu tư vào Starna Therapeutics, một startup phát triển thuốc dựa trên công nghệ mRNA.
Bên cạnh đó, Nio Capital, công ty xe điện cho tỷ phú William Li điều hành mới đây cũng công bố đã huy động thành công 400 triệu USD từ một quỹ đầu tư cũng rót vốn cho các startup liên quan đến xe tự hành như Momenta và Pony.ai.