Xét xử vụ ‘siêu lừa’ Huyền Như: Cựu lãnh đạo VietinBank vắng mặt
Ba cựu lãnh đạo Vietinbank bị triệu tập trong phiên xử Huyền Như |
Sáng ngày 8/2, TAND TP HCM đưa ra xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank - Chi nhánh TP HCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè, cán bộ văn phòng VietinBank Chi nhánh TP HCM) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Siêu lừa" Huyền Như trong phiên tòa xét xử sang nay (8/2). (Ảnh: Minh Anh). |
Tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc VietinBank Chi nhánh TP HCM), bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh TP HCM) vắng mặt mặc dù đã được tòa triệu tập với tư cách là người có liên quan.
Trong phần nêu ý kiến, luật sư Hồ Quốc Tuấn, bảo vệ quyền lợi cho CTCK Phương Đông và Công ty An Lộc đề nghị triệu tập bằng được ông Nguyễn Văn Sẽ, người làm 3 tờ trình gửi Tổng giám đốc VietinBank xin nhận tiền gửi của CTCK Phương Đông, tổng cộng 560 tỷ đồng.
Triệu tập bà Trần Thị Hoài Thanh, người ký 1 tờ trình gửi Tổng giám đốc xin nhận tiền gửi của CTCK Phương Đông số tiền 500 tỷ đồng.
Triệu tập bà Nguyễn Thị Minh Hương, ký mở tài khoản với CTCK Phương Đông, ký 20 hợp đồng tiền gửi với CTCK Phương Đông, giá trị 910 tỷ đồng.
Luật sư Tuấn cũng đề nghị triệu tập các lãnh đạo VietinBank vào thời điểm đó, những người đã ký chấp thuận 3 văn bản ủy quyền cho VietinBank CN TP HCM nhận tiền gửi của CTCK Phương Đông, tổng giá trị 780 tỷ đồng và 1 văn bản chấp thuận cho CTCK Phương Đông nhận tiền gửi số tiền 300 tỷ đồng. Đồng thời, lãnh đạo này cũng đã ký văn bản này cho phép VietinBank CN TP HCM chi môi giới cho CTCK Phương Đông.
Luật sư đề nghị triệu tập những người này để khai báo tại tòa, xử lý đúng người đúng tội.
Bên cạnh đó, luật sư Trần Nghĩa bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn kiến nghị HĐXX mời điều tra viên cơ quan điều tra Bộ Công An, đại diện điều tra của VKS tối cao tham dự phiên tòa để làm rõ những vấn đề tố tụng, hành vi của các bị cáo sau khi bản án phúc thẩm đã hủy.
Luật sư Trương Xuân Tám, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho VietinBank cho rằng cần xác định một số người có liên quan để triệu tập như bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Lê Thị Huyền Trần, ông Lê Tuấn Anh... với tư cách nhân chứng, nếu triệu tập không được thì có thể áp dụng biện pháp áp tải. Triệu tập ông Nguyễn Hữu Chương, Chủ tịch HĐQT Công ty An Lộc, được xác định công ty trung gian.
Đồng thời, đại diện TPBank, MaritimeBank cũng cần có mặt tại phiên tòa để xác định rõ hành vi của bị cáo.
Luật sư đề nghị HĐXX xem lại tư cách của luật sư Tuấn vì vừa bảo vệ lợi ích chứng khoán Phương đông và Công ty An Lộc. Bác bỏ triệu tập nguyên giám đốc Vietinbank CN TP HCM là ông Nguyễn Văn Sẻ (đang nằm viện) và bà Nguyễn Thị Minh Hương (đang nghỉ hưu), những người này được xác định là không liên quan đến vụ án.
Còn luật sư Hoài đại diện lợi ích hợp pháp cho VietinBank cho biết, việc triệu tập những người không có liên quan là không phù hợp và không chấp nhận đề nghị chuyển tư cách tố tụng từ có liên quan sang bị đơn đối với VietinBank.
Trước những đề nghị của các luật sư, HĐXX và VKS cho rằng, tư cách của Luật sư Trần Tuấn Anh là không mâu thuẩn, hai công ty này hoàn toàn không đối lập nên không chấp nhận ý kiến của luật sư Tám.
Về ý kiến của các luật sư liên quan đến việc vắng mặt của ông Sẻ, bà Hương và các lãnh đạo của Vietinbank không ảnh hưởng tới phiên tòa, đối với những người mà luật sư Tuấn đề nghị triệu tập là không cần thiết. Nếu có những chứng cứ mới, thay đổi vụ án thì tòa có tư cách triệu tập.
Đề nghị cơ quan điều tra tham dư,VKS cho biết tiếp tục giữ quyền công tố, trả lời toàn bộ những luật sư đưa ra. Đồng thời không thay đổi tư cách tố tụng đối với VietinBank sang bị đơn.
‘Siêu lừa’ Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, năm 2009-2010 bị cáo Như thua lỗ trong việc đầu tư chứng khoán và bất động sản. Để có tiền trả nợ với lãi suất cao, Như lấy danh nghĩa quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ gặp gỡ nhiều tổ chức cá nhân huy động tiền gửi cho Vietinbank rồi chiếm đoạt.
Như bỏ tiền cá nhân để trả tiền lãi ngoài hợp đồng, phí môi giới để dẫn dụ nhiều cá nhân, đơn vị gửi tiền. Khi họ chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank, Như lập các chứng từ, giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống trực tiếp chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân.
Tổng cộng, Như chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó, 5 công ty có tài khoản mở hợp lệ được lãnh đạo của Vietinbank ký duyệt bị chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định, khoảng tháng 5/2011, qua giới thiệu của Nguyễn Thị Nga (nhân viên một ngân hàng khác, cộng tác viên của Công ty Hưng Yên), Như biết một số công ty ở Hà Nội muốn gửi tiền, cần gặp trực tiếp để đàm phán. Như trao đổi với Võ Anh Tuấn và rủ anh ta ra Hà Nội gặp họ.
Đối với Công ty Hưng Yên, Huyền Như giới thiệu tên là Quyên, nhân viên của Võ Anh Tuấn, đang có nhu cầu huy động vốn cho Vietinbank Nhà Bè. Như chủ động liên hệ với Nga thỏa thuận về số tiền gửi, lãi suất 18- 22% mỗi năm, tùy số tiền và thời gian gửi.
Từ tháng 5/2011 đến 9/2011, Như đã làm giả 8 hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng với Công ty Hưng Yên. Chị ta ký giả chữ ký Hà Tuấn Anh (Giám đốc) và Võ Anh Tuấn để huy động của công ty này 537 tỷ đồng.
Sau khi Công ty Hưng Yên chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank, Huyền Như làm giả 14 lệnh chi, chữ ký ông Tạ Duy Hùng (Giám đốc Công ty Hưng Yên) trên các lệnh chi đó để chuyển 537 tỷ đồng đến tài khoản Như lập ra, hoặc mượn. Hiện, Như đã trả cho công ty này được hơn 336 tỷ.
Trong phiên tòa, bị cáo Như khai đã đưa cho bị cáo Tuấn 10 tỷ đồng nhưng không nói rõ đây là số tiền chiếm đạt được từ công ty Hưng Yên. Trong khi đó bị cáo Tuấn cho rằng số tiền 10 tỷ đồng, bị cáo Tuấn không sử dụng cá nhân, mà đầu tư xây dựng Nhà máy lau bóng gạo tại An Giang.
Tương tự, bị cáo Như khai đã chiếm đoạt hơn 170 tỷ của Công ty An Lộc; 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông; gần 125 tỷ của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và gần 210 tỷ của Công ty Cổ phần chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS).