|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xét xử Hà Văn Thắm sáng 29/8: 'Tiền nhiều như lá, bị cáo không thể nhớ được?'

06:30 | 29/08/2017
Chia sẻ
Đến nay Nguyễn Xuân Sơn vẫn không thừa nhận việc bàn bạc, thống nhất với Hà Văn Thắm về chủ trương "thu phí". Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, với tài liệu đã thu thập được, đủ căn cứ kết luận Sơn đã bàn bạc, thống nhất với Thắm chủ trương "thu phí" và Sơn là người hưởng lợi từ số tiền này.

Sáng nay (29/8), Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ hai của phiên tòa sơ thẩm đối với vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) cùng đồng phạm.

11h30: Kết thúc phần công bố, dừng phiên tòa sáng.

13h30 chiều nay, tòa tiếp tục làm việc, chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo.

10h15: Nguyễn Xuân Sơn vẫn không thừa nhận chủ trương "thu phí"

Theo cáo trạng của TANDTC, cuối năm 2008 sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận với OceanBank để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của OceanBank (chiếm 20% cổ phần) đã cử Nguyễn Xuân Sơn sang làm thành viên HĐQT kiêm chức vụ TGĐ của OceanBank. Thời điểm này Sơn đang là TGĐ Công ty tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC).

Sau đó đến đầu năm 2009, Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm cùng Nguyễn Xuân Sơn bàn bạc về việc huy động vốn cho OceanBank. Sơn đề nghị với Thắm hai vấn đề.

Thứ nhất, Oceanbank phải chi cho Sơn ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng với mức trên, dưới 1%/năm/tổng số tiền gửi để huy động vốn từ nhóm khách hàng dầu khí. Sơn cho rằng, đây là mức chi phí thấp hơn so với các ngân hàng khác.

Thứ hai, Thắm giao cho Sơn được toàn quyền quyết định việc chi phí mà không cần phải trao đổi chi tiết để Sơn được chủ động giải quyết.

Do OceanBank là Ngân hàng mới được chuyển đổi từ Ngân hàng nông thôn có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong việc huy động vốn và Thắm tính toán mức chi thêm này sẽ khoảng trên dưới 01%/năm nên đã chấp nhận đề nghị của Sơn để giúp OceanBank thu hút được nguồn tiền gửi của nhóm khách hàng thuộc PVN.

Khi bàn bạc về nguồn tiền chi cho Sơn để huy động vốn, Thắm và Sơn thống nhất sẽ “thu phí” của khách hàng vay vốn và khách hàng mua ngoại tệ, thông qua công ty cổ phần BSC Việt Nam - công ty sân sau mà Thắm nhờ người thân quen đứng tên. Từ chủ trương "thu phí" đã thống nhất với Sơn, Hà Văn Thắm giao cho Nguyễn Văn Hoàn - Phó TGĐ Oceanbank thu phí chênh lệch lãi bằng hình thức: Cty BSC ký các hợp đồng dịch vụ với khách hàng thu phí.

Thực tế, các khách hàng không có nhu cầu cung cấp dịch vụ và Cty BSC cũng không cung cấp cho họ dịch vụ gì. Tuy nhiên, họ vẫn phải ký hợp đồng để được vay vốn hoặc mua ngoại tệ và ngân hàng hợp thức được việc thu phí chênh lệch. Kết quả điều tra cho thấy, từ ngày 22/5/2009 đến ngày 31/1/2012, BSC đã thu hơn 70 tỷ đồng. Và sau đó, mỗi khi Sơn có nhu cầu về tiền, Thắm đều chỉ đạo thành viên Ban kiểm soát Oceanbank sử dụng nguồn tiền của BSC "thu phí" được để chi cho Sơn.

Từ tháng 9/2009 đến 11/2010, công ty BSC đã chi cho Sơn hơn 69 tỷ đồng. Về số tiền nhận được từ công ty BSC, Sơn khai không biết nguồn tiền đã nhận, chỉ biết Thắm phải chi theo thỏa thuận đã thống nhất với Sơn. Sơn khai, số tiền đó ông ta dùng để chi đối nội, đối ngoại cho Oceanbank và công ty OGC.

Đến nay Sơn vẫn không thừa nhận việc bàn bạc, thống nhất với Thắm về chủ trương "thu phí". Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, với tài liệu đã thu thập được, đủ căn cứ kết luận Sơn đã bàn bạc, thống nhất với Thắm chủ trương "thu phí" của khách hàng vay vốn và khách mua ngoại tệ, thông qua công ty sân sau của Thắm. Sơn là người hưởng lợi từ số tiền "thu phí" này.

Ở phiên tòa trước, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) đã phủ nhận việc được Thắm bàn bạc cũng như được hưởng lợi hơn 69 tỷ đồng “chăm sóc khách hàng”. Ngay cả chủ tọa phiên tòa cũng cho rằng: “Trong hơn một năm, bị cáo cầm một lúc gần 69 tỷ, tiền nhiều như lá, bị cáo quá choáng ngợp, không thể nhớ được?".

Ở phiên xử sơ thẩm lần 1, cáo trạng xác định trong thời gian được PVN cử sang tham gia quản lý OceanBank với chức danh TGĐ, đồng thời là người đại diện phần góp vốn của PVN tại OceanBank, Sơn đã lợi dụng sự phụ thuộc của OceanBank (do PVN có lượng tiền gửi rất lớn), lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao và vì mục đích và động cơ cá nhân nên đã bàn bạc và thống nhất với Thắm đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức thu phí của khách hàng (phí dịch vụ quản lý tài sản, tư vấn, đầu tư, phí mua lại tài sản…) thông qua Cty Cổ phần BSC Việt Nam (Cty BSC, do Thắm thành lập năm 2008) trái quy định của NHNN.

Số tiền này được dùng để chi “chăm sóc khách hàng” nhưng thực chất là dùng để trả lãi suất ngoài hợp đồng trên số tiền gửi của PVN tại ngân hàng. Việc này đã gây thiệt hại cho oceanbank và khách hàng gần 69 tỷ đồng và Sơn được hưởng lợi hơn 69 tỷ đồng.

9h45 Nguyễn Xuân Sơn được áp giải vào tòa sau ít phút nghỉ

8h10: Hơn 14.000 tỷ đồng nợ xấu khó có khả năng thu hồi

Theo cáo trạng của VKSNDTC về vụ việc Hà Văn Thắm xảy ra tại OceanBank, ngoài sai phạm đối với các khoản cho công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng, Hà Văn Thắm và các đối tượng tại OceanBank còn có các sai phạm trong việc thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra sau cho vay đối với nhiều doanh nghiệp.

Đến nay nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) khoảng 4.935 tỷ đồng và nợ có khó có khả năng thu hồi là hơn 9.048 tỷ đồng, tài sản đảm bảo không đủ điều kiện pháp lý để định giá, công ty hoạt động thua lỗ hoặc không có nguồn thu, OceanBank xác định khó có khả năng thu hồi.

xet xu ha van tham sang 298 tien nhieu nhu la bi cao khong the nho duoc
Các bị cáo đang được dẫn đến phiên tòa sáng nay 29/8 gồm (từ trái sang) Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu. (Ảnh: Phi Hùng).

Tóm tắt phiên tòa ngày 28/8:

xet xu ha van tham sang 298 tien nhieu nhu la bi cao khong the nho duoc [Live] Xét xử Hà Văn Thắm sáng 8/3: Nếu không chi lãi ngoài, OceanBank sẽ đổ vỡ
xet xu ha van tham sang 298 tien nhieu nhu la bi cao khong the nho duoc [Live] Xét xử Hà Văn Thắm chiều 7/3: Khối khách hàng cá nhân OceanBank chi lãi ngoài hơn 165 tỷ đồng

Theo cáo trạng, khi biết NHNN có chủ trương tái cơ cấu và sát nhập các ngân hàng yếu kém, Thắm gặp Hứa Thị Phấn - đại diện nhóm cổ đông của TrustBank, đặt vấn đề chuyển giao lại cho Thắm.

xet xu ha van tham sang 298 tien nhieu nhu la bi cao khong the nho duoc
Phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm ngày 28/8. (Ảnh: Phi Hùng).

Phấn đồng ý và ký Hợp đồng để bán cho Thắm hơn 254 triệu cổ phần (84,92% vốn điều lệ TrustBank) với giá trị hơn 4 tỷ đồng, kèm theo việc thừa kế toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và quyền được sở hữu tài sản bảo đảm từ các khoản vay 3.553 tỷ đồng, khoản đầu tư 920 tỷ đồng và một số nghĩa vụ khác của Phấn tại TrustBank.

Tuy nhiên sau đó Thắm đã chuyển nhượng lại cho Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Tập đoàn Thiên Thanh). Phấn ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần TrustBank cho Danh với giá trị gần 4,62 tỷ đồng. Sau đó, Danh đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB.

Giữa tháng 11/2012, Thắm - Danh - Phấn thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng (thông qua Cty Trung Dung) từ OceanBank và thế chấp bằng tài sản của Phấn để Danh tất toán 5 hợp đồng vay của nhóm Phấn tại TrustBank. Đồng thời được ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần TrustBank.

Cáo trạng cho hay, trừ giá trị TSBĐ đã được định giá hiện nay là 156 tỷ đồng, thì khoản vay của công ty Trung Dung còn thiệt hại hơn 343 tỷ đồng tiền gốc, hơn 201 tỷ đồng tiền lãi tại 21/10/2014. VKSNDTC xác định, trong vụ việc này Thắm là người chỉ đạo trực tiếp quyết định việc cho vay trái quy định.

Mặt khác, phiên tòa cũng công bố hậu quả đối với các khoản vay của 8 khách hàng gồm công ty TNHH Bất động sản TNN; CTCP BSC Việt Nam; CTCP Đầu tư và Tư vấn Tài chính Liên Việt; CTCP Tập đoàn Vina Megastar; CTCP Nam Định; CTCP Sân Golf Ngôi sao Chí Linh; CTCP Đầu tư Toàn Việt; CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Nhà với tổng dư nợ nhóm 5 tính đến 31/3/2016 là hơn 2.652 tỷ đồng, gồm nợ gốc hơn 1.785 tỷ và nợ lãi, tiền phạt hơn 866 tỷ.

Liên quan đến hành vi vi phạm khoản cho 9 cá nhân do Hà Văn Thắm chỉ định vay mua căn hộ StarCity Westlake, do thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có quyết định tách ra để điều tra, xử lý hành vi vi phạm này trong giai đoạn II.

Đối với viêc chi lãi ngoài, CQĐT xác định, Thắm đã bàn bạc với nguyên TGĐ OceanBank Nguyễn Xuân Sơn để ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức “thu phí” của khách hàng thông qua Công ty BSC, nhằm trả lãi suất ngoài hợp đồng trên số tiền gửi của Tập đoàn Dầu khí tại OceanBank.

Việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống của OceanBank, gây thiệt hại cho Ngân hàng tổng số tiền hơn 1.576 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của NHNN và Chính Phủ.

Nhóm PV