Xét xử Hà Văn Thắm sáng 14/9: Đề nghị án chung thân đối với Hà Văn Thắm, tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn
11h40: HĐXX tạm nghỉ, cjiều này 13h30 tiếp tục làm việc
11h25: Có bồi thường cho OceanBank mới hay không?
Về nguyên đơn dân sự (Ngân hàng TNHH MTV Đại dương – OceanBank mới) trong vụ án không đưa ra được ý kiến nào để xác định mình là người thiệt hại.
Vậy điều này thể hiện cái gì? Theo Điều 52 để xác định tư cách nguyên đơn thì không phù hợp. Đồng thời trong vụ án này OceanBank mới lại không có đơn yêu cầu bồi thường. Đây là một nghịch lý.
"Việc chi lãi ngoài quyết định thanh khoản cho ngân hàng. Đứng trước hoạt động kinh doanh trong trường hợp này thì OceanBank chỉ có hai sự lựa chọn, nếu không chi lãi ngoài thì OJB sẽ bị sụp đổ; nếu chi lãi ngoài thì sẽ cân bằng được việc thanh khoản. Vậy thì sao có thể quy kết các bị cáo vào tội Cố ý" - Luật sư Thiệp đưa ra quan điểm.
11h20: Với hậu quả xác định thiệt hại 1.576 tỷ của OceanBank
Thời điểm này theo kết quả hoạt động kinh doanh giai đoạn 2011-2013 thì thu nhập của OceanBank từ lãi năm đạt 18.000 tỷ.
Huy động vốn 4.638 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 1.185 tỷ đồng. Thuế nộp Ngân sách: là 265 tỷ đồng.
Với hiệu quả như thế này thì số tiền 1.576 tỷ đồng có phải là thiệt hại không? Như vậy thì hoạt động tín dụng đã mang lại hiệu quả chứ không thể tính là hậu quả.
11h10: Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bổ sung về tội Vi phạm về quy định cho vay
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp. (Ảnh: Nhật Anh) |
Việc cam kết thỏa thuận 3 bên của ngân hàng với người được thụ hưởng, trong vụ án này không có văn bản giải ngân của OceanBank mà Trung Dung cố tình giải ngân là vi phạm cam kết này.
Trong vụ việc này có sự gian dối, OceanBank đã bị đưa thông tin ảo. Thực tế số tiền 500 tỷ đồng gốc và lãi chỉ được lưu giữ trong vòng một ngày. Số tiền 500 tỷ bị sử dụng sai mục đích nên dẫn đến việc không có khả năng thu hồi. Việc vay 500 tỷ đồng không có quan hệ nhân quả thì làm sao mà các bị cáo lại phải chịu trách nhiệm về hậu quả trong mối quan hệ này.
Về tội Cố ý làm trái, theo Luật sư Thiệp cho rằng hành vi này là do đơn phương của CQĐT mà không có cơ quan giám định thiệt hại. Việc này là phi lý trí và có biểu hiện hình sự hóa quan hệ kinh doanh thương mại. Chỉ thỉ 02 của NHNN thì mục đích chỉ là kiềm chế lạm phát trong khi việc khống chế trần lãi suất mang tính hành chính, không có bất kỳ dẫn chứng nào nói nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hay chịu trách nhiệm hình sự.
11h: Về việc trưng cầu giám định thiệt hại của OceanBank
CQĐT chưa xác định được thiệt hại này nên mới đề nghị NHNN thành lập đoàn Giám định của NHNN xác định thiệt hại.
Tuy nhiên, tại tòa, đại diện Giám định NHNN lại trốn tránh không trả lời mà đùn đẩy lại việc xác định thiệt hại của OceanBank là từ phía CQĐT. Đề nghị VKS đưa ra những căn cứ để xác định OceanBank bị thiệt hại số tiền 1.576 tỷ đồng.
Về đề nghị của VKS đối với Hà Văn Thắm chịu trách nhiệm dân sự và các đồng phạm phải đền bù số tiền chi lãi ngoài là không có cơ sở. Việc chi lãi ngoài không bị gây thiệt hại nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Việc NHNN mua lại 0 đồng giờ lại được đề nghị bồi thường hơn 1.300 tỷ đồng hay nói cách khác OceanBank bán đi nhưng lại bị âm 1.300 tỷ đồng là không thỏa đáng.
10h50: Vì đâu Cơ quan thanh tra không có biện pháp ngăn chặn chi lãi ngoài?
Hành vi đơn lẻ của bị cáo Thắm (tạm dừng việc chi lãi ngoài) đã khiến cho người dân chạy lại OceanBank rút hết tiền rồi đem gửi sang ngân hàng khác. Từ đó mà Thắm bắt buộc phải chỉ đạo tiếp tục chi lãi ngoài.
“Việc người dân, khách hàng rút tiền như rút ruột khiến nhiều bị cáo đau đáu trong lòng” – luật sư Đăng lý giải
“Trong suốt thời gian chi lãi ngoài, cơ quan thanh tra, kiểm tra đã không có bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn hoặc cảnh báo. Việc này liệu có phải là sự đồng thuận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra? – Luật sư Đăng đặt ra nghi vấn.
“Tôi chỉ mong HĐXX xem xét lại, Hà Văn Thắm và các bị cáo ngồi đây cũng cần có sự công bằng như những NH khác (xử lý hành chính)”, Luật sư bào chữa cho Thắm đề nghị.
10h45: Xử lý mỗi OceanBank về chi lãi ngoài có thỏa dáng?
Về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo luật sư Đào Hữu Đăng, thời điểm đó không chỉ riêng OceanBank chi lãi ngoài 1.576 tỷ đồng mà còn có rất nhiều Ngân hàng khác cũng sử dụng biện pháp tương tự. Cáo trạng chỉ xử lý OceanBank là không thỏa đáng.
Luật sư dẫn chứng việc chi lãi ngoài của VNCB (nay là CB) từ 3.000 đến 4.000 tỷ đồng.
10h25: "Hà Văn Thắm không phải chịu trách nhiệm số tiền 500 tỷ đồng chuyển vào tài khoản CB"
Luật sư bào chữa Hà Văn Thắm tại phiên tòa sáng nay (14/9). (Ảnh: Nhật Anh). |
Luật sư bào chữa cho bị cáo Thắm đưa ra quan điểm, VKS cho rằng bị cáo Thắm không thừa nhận hành vi phạm tội là không chính xác bởi lẽ trong suốt quá trình phiên tòa diễn ra Thắm đều khai báo một cách thành khẩn và ăn năn hối cải.
Đối với tội danh VKS quy kết Thắm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cáo trạng cho rằng OceanBank cho Trung Dung vay 500 tỷ nhưng không có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên việc dùng TSĐB không phải là biện pháp duy nhất để đảm bảo cho khoản vay.
Ngay từ đầu bị cáo Thắm đã nhận thức TSĐB của Trung Dung không đảm bảo nên Thắm chỉ đạo Hoàn áp dụng phong tỏa tài khoản và xác nhận tài sản. Cơ quan thanh tra đã không xem xét đến việc phong tỏa tài khoản này.
Cáo trạng cho rằng sau khi giải ngân, Thắm chỉ đạo phong tỏa nhưng lại bỏ qua, thực tế không phải như vậy. Vì sao lại bỏ qua biện pháp phong tỏa tài khoản này, đề nghị VKS đưa ra căn cứ chứng minh việc Thắm giải ngân rồi mới đề nghị CB phong tỏa.
Việc chuyển 500 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Tín tạo điều kiện thanh khoản cho Đại Tín. Chính Phạm Công Danh cũng khai nếu không bỏ vào 500 tỷ đồng thì Đại Tín thời điểm đó sẽ mất thanh khoản, đây là thời điểm rất khó khăn. Như vậy, vẫn đảm bảo đủ điều kiện cho vay, đây là việc làm đúng quy định chứ không phải sai (theo biên bản 3 bên).
Đại diện Ngân hàng Xây dựng (CB) cho hay, bà Hứa Thị Phấn Phấn nói không biết biên bản 3 bên là sai, chỉ vì không muốn trả số tiền 500 tỷ đồng mà đã đẩy các bị cáo vào vòng lao lý. Trong biên bản cam kết 3 bên có chứ ký của những người có chức vụ và quyền hạn của các ngân hàng nên không thể nói là không có giá trị, đề nghị HĐXX xem xét vấn đề này.
Về số tiền 500 tỷ đồng nằm trong tài khoản của CB thì bị cáo Thắm không phải chịu trách nhiệm về số tiền này.
10h: VKS kiến nghị Xem xét xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thanh tra giám sát OceanBank
Ông Bùi Văn Hải – Trưởng ban kiểm soát biết Oceanbank chi lãi ngoài trái pháp luật nhưng không có biện pháp ngăn chặn, nên đề nghị xử lý hình sự đối với Bùi Văn Hải.
Đối với ông Ninh Văn Quỳnh, sau khi khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố bổ sung tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Đối với các cá nhân tại Vietsovpetro, BSR, PVEP, Cục CSHS Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản nên không đề nghị xử lý tại phiên tòa.
9h40: Xác định hành vi phạm tội, VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án đối với các bị cáo
Tổng mức hình phạt mà bị cáo Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank phải chấp hành là Chung thân. Trong đó bị truy tố về tội:
- Tham ô tài sản: Chung thân;
- Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: 19 – 20 năm;
- Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản: 20 năm tù;
- Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng: 18 – 20 năm.
Tổng mức hình phạt mà bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN phải chấp hành là Tử hình.Trong đó bị truy tố về tội:
- Tham ô tài sản: Tử hình;
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Chung thân;
- Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: 16 – 18 năm.
Tổng mức hình phạt mà bị cáo Nguyễn Minh Thu – nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank phải chấp hành là 24 – 27 năm. Trong đó, bị truy tố về tội:
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: 10 – 12 năm;
- Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: 14 – 15 năm.
Tổng mức hình phạt mà bị cáo Nguyễn Văn Hoàn – nguyên Phó TGĐ OceanBank phải chấp hành là 20 – 24 năm.Trong đó, bị truy tố về tội:
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: 10 – 12 năm
- Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng: 10 – 12 năm.
Đối với Nhóm bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gồm có:
Bị cáo Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh là 16 – 17 năm, trước đó Danh bị TAND TP HCM tuyên phạt 30 năm tù nên tổng hợp hình phạt mà bị cáo Danh phải chấp hành là 30 năm tù.
Bị cáo Trần Văn Bình – nguyên TGĐ Cty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung 5 – 6 năm, trước đó, Bình cũng đã bị TAND TP HCM xử phạt mức án 4 năm tù nên tổng hợp hình phạt mà bị cáo Bình phải chấp hành là 9 – 10 năm tù.
Bị cáo Hứa Thị Phấn – nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu Tư và Phát triển Phú Mỹ: 17 – 18 năm.
8h30: Đại diện VKSND TP Hà Nội đưa ra quan điểm luận tội các bị cáo
Ba bị cáo Phạm Công Danh, Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Thị Minh Phương do sức khoẻ yếu được HĐXX cho phép được ngồi.
Đại diện VKSND TP Hà Nội đưa ra quan điểm luận tội các bị cáo phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm sáng 14/9. (Ảnh: Nhật Anh). |
Theo bản cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC), trong quá trình hoạt động, tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần lãi suất, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đội với OceanBank và các cổ đông ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân là do hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm – đại diện theo pháp luật của OceanBank, Ban Tổng giám đốc OceanBank trong các thời kỳ, lãnh đạo các Khối nghiệp vụ ở Hội sở xuống đến lãnh đạo Chi nhánh, Phòng giao dịch và các đối tượng có liên quan khác.
Vào tháng 11/2012 với trách nhiệm là chủ tịch HĐQT OceanBank, ông Thắm đã chỉ đạo và cùng Nguyễn Văn Hoàn – nguyên Phó TGĐ OceanBank) giải quyết cho Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) vay thông qua Công ty Trung Dung không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản bảo đảm, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay về quy trình, thủ tục gây thiệt hại cho OceanBank hơn 343 tỷ đồng tiền gốc, chưa tính hơn 201 tỷ đồng tiền lãi đến thời điểm ngày 21/10/2014. Trong đó có hơn 81 tỷ đồng tiền lãi quá hạn, gần 17 tỷ đồng tiền phạt quá hạn và hơn 103 tỷ đồng phạt gốc quá hạn.
VKSNDTC xác định, trong vụ việc này Thắm là người chỉ đạo trực tiếp quyết định việc cho vay trái quy định còn Hoàn là đồng phạm giúp sức. Việc cho vay của Thắm và Hoàn đã trái với khoản 3, 4, 5 Điều 7 Quyết định 1627 ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng; trái với khoản 15 Điều 1 Quyết định 127/2005/QĐ – NHNN về kiểm tra trong và sau khi cho vay; trái với điểm 4.1 Quy trình số 2268/2012/QT – TGĐ ngày 6/9/2012 về cấp tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp và hộ kinh doanh tại OceanBank.
Từ đó, cả Thắm và Sơn đã đã chỉ đạo Hoàn, Nguyễn Minh Thu – nguyên TGĐ OceanBank và Phạm Hoàng Giang – nguyên TGĐ Công ty BSC Việt Nam triển khai thực hiện, gây thiệt hại cho OceanBank và khách hàng tổng số hơn 68 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2010, Sơn được điều chuyển, bổ nhiệm làm Phó TGĐ PVN. Theo Thắm thì thời điểm này Sơn đã giới thiệu với Thắm về Thu, đồng thời đề nghị thắm giao cho Thu tiếp tục phụ trách công tác huy động vốn như Sơn đã bàn với Thắm trước đó. Do nguồn vốn huy động của OceanBank phụ thuộc vào phần lớn tiền gửi của PVN nên Thắm đồng ý với đề nghị này của Sơn. Sau đó Thắm ra chủ trương về việc chi lãi suất huy động vốn ngoài hợp đồng cho khách hàng trên toàn hệ thống OceanBank như đã chi cho PVN cũng như các công ty và công ty con thuộc PVN trong thời điểm Sơn làm TGĐ OceanBank.
Theo chủ trương của Thắm về việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống của OceanBank, Nguyễn Minh Thu - TGĐ cùng Lê Thị Thủy, Nguyễn Thị Minh Phương đều là Phó TGĐ OceanBank đã chỉ đạo lãnh đạo các Khối/Ban nghiệp vụ thuộc Hội sở OceanBank và Giám đốc các Chi nhánh/Phòng giao dịch thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng huy động vốn gây thiệt hại cho OceanBank tổng số tiền hơn 1.576 tỷ đồng và làm ảnh hưởng đến việc ra các chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của NHNN, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính Phủ.
Tóm tắt phiên tòa ngày 11/9:
Xét xử Hà Văn Thắm sáng 11/9: Lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn khẳng định không nhận tiền từ OceanBank |
Ngày 13/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) và khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Văn Quỳnh. |
Trong phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm ngày 11/9, đồng loạt các lãnh đạo BSR đều khẳng định không nhận tiền chi lãi ngoài từ OceanBank.
Liên quan đến thẩm quyền của đoàn giám định NHNN, luật sư đối chất với đại diện Giám định NHNN Đỗ Anh Quân về trách nhiệm nếu có những nhầm lẫn sai sót hoặc có những kết luận vượt thẩm quyền.
Ông Quân cho biết Thống đốc căn cứ vào yêu cầu giám định của CQĐT để thành lập đoàn giám định gồm 9 người với tên gọi là đoàn giám định tư pháp. Tất cả nội dung trong quá trình thực hiện giám định đều được báo cáo với người ban hành thành lập là Thống đốc.
Sau đó, khi Luật sư yêu cầu ông Quân cung cấp nhật ký làm việc của đoàn thì ông cho rằng đây là văn bản nội bộ không thể cung cấp. Luật sư yêu cầu ông Quân xác định rõ về thẩm quyền đại diện của ông đối với 8 giám định viên còn lại hay không để có thể tham dự đối chất trong phiên toà.
Về kết luận giám định số tiền OceanBank chi trả lãi ngoài huy động vốn có trái với quy định của pháp luật NHNN, ông Quân cho hay đoàn giám định trên cơ sở số liệu CQĐT đã xác định và đánh giá nó là thiệt hại rồi, theo đó, đoàn giám định chỉ xem là vi phạm quy định nào của NHNN hay không. Nội dung yêu cầu của CQĐT về tất cả các việc xác định sai phạm quy định của NHNN hay quy định nội bộ của OceanBank đối với 1.576 tỷ đồng đã thể hiện trong kết luận giám định.
Đại diện OceanBank tại tòa cho biết bằng các biện pháp nghiệp vụ đã chứng minh được đó là 1.576 tỷ đồng là thiệt hại. Đến thời điểm có kết quả giám định cũng xác định không có khả năng thu hồi.
Vị đại diện này lập luận, theo nguyên tắc của NHNN, hơn 1.500 tỷ đồng từ TK 801 - tài khoản trả lãi tiền gửi nhưng lại không được hạch toán đúng theo quy định. Nếu xác định khoản chi là lãi ngoài thì phải là TK 866 hoặc 8694 - chi phí giao dịch đối ngoại. Ngoài ra còn phải theo quy định về xúc tiến thương mại, quảng cáo khuyến mãi.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga - nguyên Trưởng Ban Tài chính kế hoạch OceanBank cho rằng, nếu chỉ xét chi phí để xác định thiệt hại thì không thể chấp nhận được, mà cần xem xét đầy đủ doanh thu và chi phí.
Bà Nga còn cho biết thêm, sau khi OceanBank bị mua lại 0 đồng, bà còn làm Giám đốc khối nguồn vốn kế hoạch 1 năm sau đó. Cuối năm, OceanBank đã thu lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng, theo bà thì con số hơn 5.000 tỷ đồng thu nợ có thể đã còn nhiều hơn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/