|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xét xử Hà Văn Thắm chiều 22/9: Nhiều Giám đốc Chi nhánh OceanBank được VKS đề nghị miễn, giảm mức hình phạt

13:00 | 22/09/2017
Chia sẻ
Trong phiên toà ngày 22/9, sau phần đối đáp đại diện Viện Kiểm Sát đã đưa ra quan điểm đối với phần luận tội và đề nghị án trước đó. Cụ thể, VKS đã đề xuất HĐXX xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho nhiều bị cáo, một số bị cáo Giám đốc OceanBank được miễn hình phạt.

16h45: HĐXX nghỉ phiên làm việc, sáng mai 8h tiếp tục phiên toà.

16h20: Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đưa ra các quan điểm phản bác lại ý kiến của VKS

xet xu ha van tham chieu 229 nhieu giam doc chi nhanh oceanbank duoc vks de nghi mien giam muc hinh phat
Luật sư Nguyễn Huy Thiệptại phiên toà (Ảnh: DB)

Luật sư cho rằng trong vụ án này quan trọng là phải xác định có thiệt hại hay không và thiệt hại cho ai, nếu có thì thu hồi của ai và trả cho ai. Đại diện VKS cho rằng chi lãi ngoài làm tăng các khoản nợ khó đòi tăng âm vốn dẫn đến NHNN phải mua lại 0 đồng. Nhưng việc các khoản nợ khó đòi là phát sinh từ hoạt động cho vay chứ không phải từ huy động. Mối quan hệ nhân quả giữa chi lãi ngoài và âm vốn có hay không là điều cần phải xem xét và chứng minh.

Ngoài ra, VKS cho rằng các báo cáo 2014 – 2016 là thể hiện lãi ảo từ đó phủ nhận hiệu quả của OceanBank mới sau khi tiếp nhận thì theo lời bị cáo Nga trình bày là không hợp lý. Các BCTC ở các năm đã được kiểm toán và được thông qua ĐHCĐ để chia cổ tức. Nếu là lãi ảo thì phải thực hiện truy thu các khoản thuế, cổ tức qua các năm.

Về phần thiệt hại, luật sư nhấn mạnh tại sao không tính thiệt hại theo nguyên tắc sở hữu đối với các cổ đông khác mà cứ chăm chú vào phần sở hữu của nhà nước. Và ở đây trong vụ án này phải chăng đã hình sự hoá hoạt động kinh doanh thương mại, hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Theo luật sư điều này sẽ kìm hãm quá trình phát triển kinh tế. Thông tư 02 không phù hợp và đã huỷ bỏ, BLHS mới cũng đã bỏ tội danh này ra khỏi danh sách phạm tội

Bổ sung về khoản vay Trung Dung, Luật sư cho rằng NH Đại Tín là người thu lợi vì tại thời điểm đó 5 khoản nợ của bà Phấn là các khoản nợ khó đòi mà sau đó lại có thể thu hồi cả gốc và lãi. Luật sư đặt ra câu hỏi tại sao không xem xét đánh giá đến thoả thuận 3 bên khi đó là nguyên nhân để Công ty Trung Dung rút tiền để sử dụng trái mục đích. Theo Luật sư, quan hệ giữa 3 cá nhân danh- Phấn – Thắm là mối quan hệ cá nhân không liên quan.

Luật sư đề nghị thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Hà Văn Thắm là thành thật khai báo, ăn năn hối cải và có nhiều bằng khen, thành tích trong công tác. Theo luật sư, việc diễn giải về chuyên ngành của Thắm được VKS đánh giá là “cãi”, “quanh co” là không hợp lý vì CQĐT cũng nhận xét là thành khẩn trong quá trình điều tra.

16h15:

Luật sư Đăng đồng ý với lời nhận tội của Hà Văn Thắm về hai tội danh Vi phạm quy định cho vay và cố ý làm trái nhưng không đủ căn cứ kết tội với hai tội tham ô và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

16h10: BSC không phải công ty con của OceanBank

Luật sư đặt ra câu hỏi “Vì sao KH không muốn chi thêm tiền mà vẫn ký hợp đồng với BSC?”.

Theo luật sư, Công ty BSC là thành lập đúng với luật pháp, hoạt động đúng với ngành nghề đăng ký kinh doanh. Luật sư khẳng định BSC mặc dù là công ty của Hà Văn Thắm thành lập nhưng không phải là công ty con của OceanBank. Do đó không thể cho rằng tiền của BSC là tiền của OceanBank để xem là thiệt hại hay không.

BSC là công ty độc lập vay của OceanBank nhưng đã thanh toán đủ gốc là lãi. Hơn nữa, số tiền 68 tỷ không phải là lợi nhuận của BSC càng không phải của OceanBank.

16h05: Biên bản 3 bên của OceanBank - Trung Dung - Đại Tín không phải là hình thức

Về khoản vay 500 tỷ của Công ty Trung Dung, Luật sư không nhất trí với quan điểm của VNCB, việc không lưu trữ là thiếu sót của NH Đại Tín. Khi dùng cái nhìn khách quan để đánh giá, ông Danh mất nhiều nghìn tỷ nhưng không được sở hữu NH Đại Tín lại bị án 30 năm tù, OceanBank bị mất 500 tỷ cho vay vốn ở Đại Tín,

Theo luật sư thì biên bản 3 bên không phải là hình thức vì đây là một phần của hồ sơ tín dụng. Kết luận của VKS "biên bản này chỉ là hình thức chỉ là hình thức trốn tránh trách nhiệm" là ý kiến chủ quan.

15h55: Xin miễn tội danh Cố ý làm trái cho các nhân viên OceanBank

Về lời nhận tội của Hà Văn Thắm nhưng ở một trường hợp khác với luận tội của VKS. Bị cáo thừa nhận do hành vi chi lãi ngoài mà đã làm cho hơn 30 nhân viên phải đứng trước vành móng ngựa trong ngày hôm nay. Chi lãi ngoài là mang lại lợi nhuận cho ngân hàng và có lợi cho chính bị cáo Thắm.

Mặc dù hành vi này không gây thiệt hại về vật chất và OceanBank là ngân hàng nhỏ nhưng dù sao cũng góp phần gây hại cho chính sách tiền tệ của NHNN, nên luật sư đồng ý với lời nhận tội trên.

Theo luật sư, BLHS cũng đã thay đổi và không còn tội danh “Cố ý làm trái…”. Do vậy đối với các bị cáo là nhân viên chỉ thực hiện hành vi trong hoàn cảnh bắt buộc, không được hưởng lợi, xin HĐXX xem xét miễn tội danh này.

15h45: Luật sư Đào Hữu Đăng đại diện cho Hà Văn Thắm bào chữa về tội danh "cố ý làm trái..."

xet xu ha van tham chieu 229 nhieu giam doc chi nhanh oceanbank duoc vks de nghi mien giam muc hinh phat
Luật sư Đào Hữu Đăng đại diện cho Hà Văn Thắm (Ảnh:DB)

Luật sư nói sẽ không bàn về tư cách nguyên đơn của OceanBank, các bị cáo đã thừa nhận hành vi Cố ý làm trái nên sẽ không tranh luận thêm. Tuy nhiên qua lời bào chữa của LS bên nguyên đơn đã chứng minh chi tiết hành vi làm trái và cũng chứng minh rằng là lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Nga là đúng sự thật khách quan.

Theo bị cáo Nga, công tác kế toán là minh bạch, trung thực và phản ánh đúng theo quy định của Nhà nước. Vậy tại sao những người kiểm toán, thanh tra không chỉ ra cho OceanBank những sai sót này để ngân hàng có thể khắc phục. Phải chăng việc chi lãi ngoài là 1 thực trạng thực tế nên kiểm toán, thanh tra biết nhưng bỏ qua.

VKS cho rằng không phải duy nhất OceanBank là ngân hàng duy nhất xử lý hình sự về hành vi chi lãi ngoài, LS cho rằng đây có sự nhầm lẫn vì hai vụ án ông Kiên và ông Danh không bị xử lý vì hành vi này. Thực tế cho thấy có 29/34 ngân hàng chi lãi ngoài, điều này cho thấy đấy là thực trạng.

LS cho rằng VKS chưa đưa ra căn cứ chứng mình số tiền 1.576 tỷ đồng là thiệt hại. . LS của nguyên đơn dùng từ “thất thoát”để thay cho thiệt hại là không hợp lý. Theo luật sư cần phải xác định rõ hậu quả của hành vi làm trái. CQĐT đã chứng minh là có hành vi làm trái nhưng chưa chứng minh được có hậu quả.

Trong kinh doanh, có những chi phí tuy là trái pháp luật, không đủ chứng từ hoá đơn nhưng là thực chi thì không thể coi đó là thiệt hại. Việc chi lãi ngoài là có thật và theo luật sư là hợp lý do đó là hoàn cảnh thực tế, nếu không chi thì sẽ không có khách hàng gửi tiền và hậu quả xảy ra là mất thanh khoản, phá sản.

“Nếu chi lãi ngoài là hợp lý và có chi thực thì có coi là thiệt hại hay không?”

Về thiệt hại của OceanBank mới, NHNN mua OceanBank với giá 0 đồng chứ không phải với giá âm 1.500 tỷ đồng. Về kết luận thanh tra đúng hay sai chưa bàn đến, nhưng trên thực tế trong thời gian qua thanh tra chính phủ đã kiểm tra hoạt động này của NHNN và phát hiện có nhiều vấn đề.

Trong vụ án này chỉ xét về hành vi chi lãi ngoài thì đã giúp giữ chân khách hàng, tránh cho ngân hàng phá sản, mang lại lợi nhuận, do đó không thể nói là gây thiệt hại.

15h15: HĐXX tạm nghỉ

15h10: VKS đề nghị giảm và miễn hình phạt cho một số bị cáo

Sau khi cân nhắc từ lời bào chữa của các luật sư và bị cáo, VKS bổ sung quan điểm về các đề xuất mức án đối với các bị cáo.

Cụ thể, áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo Phạm Hoàng Giang (Tổng giám đốc BSC), Lê Thị Thu Thủy (Phó Tổng giám đốc Oceanbank),Vũ Thị Thùy Dương – nguyên GĐ Khối Kế toán và giao dịch trong nước OceanBank, Hứa Thị Phấn.

Về hình phạt đề nghị với bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ, VKS đề nghị thay đổi cho bị cáo hưởng án treo 30-36 tháng, hưởng án treo thời gian thử thách 4 - 5 năm. VKS đề nghị giảm một phần hình phạt cho nhóm bị cáo giám đốc chi nhánh Oceanbank có mức án đề nghị 36-42 tháng tù gồm: Lê Tuấn Anh (Giám đốc chi nhánh Thăng Long), Nguyễn Thị Kiều Liên (Giám đốc chi nhánh Vũng Tàu), Nguyễn Minh Đạo (Giám đốc chi nhánh Hà Nội), Hoàng Bích Vân (chi nhánh TP HCM), Nguyễn Quốc Chiến (Sài Gòn), Trần Thị Thu Hương (Hải Dương),

Với hai bị cáo phạm tội đồng phạm Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank), Phạm Hoàng Giang (Tổng giám đốc công ty BSC), cũng được VKS đề nghị giảm một phần hình phạt.

Đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt đối với các bị cáo: Vũ Thị Thuỳ Dương, Đỗ Đại Khôi Trang, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Thị Thu Ba.

Miễn hình phạt với các bị cáo: Nguyễn Việt Hà (GĐCN Thái Bình), NguyễnPhan Trung Kiên (GĐPGD Đông Đô), Trần Anh Thiết (GDCN Hà Nội), Nguyễn Thị Loan (GĐPGD Trung Yên).

Ngoài ra, VKS đề nghị trả lại những khoản tiền cho các cá nhân: Phan Thị Loan: 300 triệu đồng; Nguyễn Trà my 500 triệu đồng; Trần Thị Thu Hương: 1.299 triệu đồng; Đồng thời trả lại số tiền đã tự nguyện nộp các cá nhân là lãnh đạo nhân viên chi nhánh, phòng giao dịch.

Bên cạnh đó đề nghị HĐXX cân nhắc ý kiến của luật sư và bị cáo liên quan đến hành vi thu phí qua BSC, về mặt xem xét về hành vi cấu thành tội phạm.

15h: Bà Phấn phải chịu trách nhiệm dân sự với khoản vay Trung Dung

Về thoả thuận 3 bên, qua phần xác minh của đại diện NH Đại Tín cho thấy biên bản này chỉ là hình thức chỉ là hình thức trốn tránh trách nhiệm.

Đối với bị cáo Phạm Công Danh bị cáo đã khai nhận hành vi nhưng lại không thừa nhận chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ vay cho Công ty Trung Dung. Qua quá trình điều tra, có thể thấy các công ty do Thiên Thanh lập ra chỉ để giao dịch và làm nguồn thu chi cho Thiên Thanh.

Theo lời khai của bà Nguyệt nhân viên phụ trách tài chính kế toán của Thiên Thanh thì theo chỉ đạo của ông Danh đã lập hồ sơ vay vốn khống để vay vốn tại OceanBank. Do đó, việc hồ sơ vay vốn khống này phải có một phần trách nhiệm của ông Danh.

VKS xác định nhân viên OceanBank chỉ đơn thuần là hướng dẫn để cho Công ty Trung Dung hoàn thiện hồ sơ vay vốn.

VKS khẳng định bà Phấn biết rõ về mục đích thực sự của khoản vay, vì bà Phấn đã bàn bạc với Danh và Thắm để sử dụng tài sản đi mượn để công ty Trung Dung vay. Là người thúc giục khoản vay và thụ hưởng cuối cùng. Do đó bà Phấn phải chịu toàn bộ trách nhiệm dân sự đối với khoản vay trên.

Bản thân ông Danh và ông Thắm là người biết rõ, các bị cáo khác là đồng phạm, riêng bị cáo Hoàn không biết rõ mục đích cho vay mà chỉ biết là vi phạm quy định cho vay. Bị cáo Trần Văn Bình, đứng tên giám đốc Trung Dung chỉ là danh nghĩa. Tuy nhiên là cấp dưới nên Bình phải làm theo chỉ đạo của ông Danh. Do đó là tội đồng phạm.

14h55: Không có việc thất lạc hay làm sai lệch hồ sơ

Về việc 81 bút lục bị rút khỏi hồ sơ được Luật sư của bị cáo Hứa Thị Phấn nêu trong phiên toà. Qua kiểm tra hồ sơ, VKS khẳng định hồ sơ vụ án còn nguyên vẹn không bị mất bút lục nào. Tài liệu mà luật sư gửi các lời khai được thực hiện trước thời gian khởi tố, do điều tra viên khác không phải điều tra viên được giao phụ trách vụ án.

14h50: Không hợp đồng lao động nào nói phải tuân theo chỉ đạo của cấp trên kể cả việc trái luật

Việc các bị cáo cho rằng chỉ thực hiện theo đúng hợp đồng lao động. Theo VKS, việc chi lãi ngoài tất cả các bị cáo trong phiên toà đều biết, đều tham gia vào việc này ở những giai đoạn khác nhau, vì một mục đích chung là trái với Thông tư 02.

Các bị cáo là thực hiện hành vi kết nối các sai phạm nên được xác định là đồng phạm.

VKS cho rằng trong điều luật của bộ lao động không thể có điều nào nói rằng phải tuân theo chỉ đạo của cấp trên kể cả việc trái luật. Việc chi hàng nghìn tỷ đồng không có chứng từ, không có quy định nào cho phép các bị cáo chi tuỳ tiện như vậy.

Các bị cáo không được lợi từ các hành vi này trừ Hà Văn Thắm. Tuy nhiên có một phần nào đó các bị cáo cũng có lợi do tuân thủ thì sẽ có công ăn việc làm, nếu không sẽ bị cho thôi việc.

Về việc truy tố, ngoài các bị cáo ở hội sở và các bị cáo Giám đốc CN, PGD bị truy tố, CQĐT xác định tính chất mức độ vi phạm đối với các nguyên đơn khác đôi với các đơn vị cao hơn các chi nhánh. VKS cho rằng hoạt động ở các chi nhánh là độc lập, khi có sai phạm thì GĐ CN phải là người chịu trách nhiệm ở mức cao nhất.

Một số bị cáo cho rằng khi nhận là GĐCN thì việc chi lãi suất ngoài đã xảy ra nên không thực hiện chỉ đạo nhưng dưới vai trò là người quản lý, các vị không ngăn cản việc thực hiện là việc cố ý gián tiếp vi phạm.

Đối với việc đề xuất đường lối xử lý đối với các bị cáo, VKS căn cứ vào vai trò, tính chất, mức độ vi phạm và nhân thân của họ. Theo đó, vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn thì phải chịu mức án cao hơn. Trong 34 bị cáo GĐCN thì vai trò tính chất là như nhau nhưng việc phân hoá căn cứ vào mức độ vi phạm (số tiền vi phạm), không phải theo cảm tính. Trên việc cân nhắc trách nhiệm, VKS đã đã đề nghị VKS không truy cứu trách nhiệm dân sự đối với 34 bị cáo.

14h45: Lợi nhuận của OceanBank từ các năm trước chủ yếu đến từ lãi dự thu

Việc các luật sư cho rằng việc chi lãi ngoài là mang lại hiệu quả cho OceanBank. VKS đưa ra căn cứ là kết quả thanh tra của NHNN cho thấy, kết luận nợ xấu chiếm 12%, vốn chủ sở hữu giảm 1.500 tỷ đồng do phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Sau đó kết luận thanh tra sau thể hiện mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn nợ xấu tiếp tục tăng cao chiếm 49,8%, vốn huy động cho vay chủ yếu ở nhóm đối tượng liên quan đến Hà Văn Thắm chiếm 41% tổng dư nợ, trong 49,8% nợ xấu thì dư nợ nhóm này chiếm 79,8%.

Nguyên nhân chính là do việc quản trị điều hành không khách quan, minh bạch, báo cáo tài chính không trung thực, không phản ánh đúng thực trạng kinh doanh. Qua đó cho thấy hoạt động của OceanBank không có lãi, thu nhập thực tế chủ yếu từ lãi dự thu.

Theo VKS, nguồn vốn thực tế chỉ sử dụng cho mục đích của cá nhân Hà Văn Thắm chứ không như các luật sư trình bày. Năm 2015, NHNN đã cho OceanBank mới vay đặc biệt, nhận được hỗ trợ chia sẻ cơ hội kinh doanh từ nhiều dự án mang lại kết quả khả quan. Do vậy việc hồi phục không phải là do hiệu quả của hoạt động của OceanBank trước đây.

14h30: Thông tư 02 không hề trái pháp luật

Về việc cho rằng ban hành Thông tư 02 trái với luật pháp, VKS cho rằng căn cứ vào Luật các TCTD, trong điều kiện hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường thì NHNN có quyền xác định mức lãi suất ở mức hợp lý và trong trường hợp trong các trường hợp quy định khác nhau giữa các luật thì thực hiện theo quy định tại luật này. Thông tư 02 giúp góp phần vào chính sách tiền tệ. Như vậy, việc ban hành Thông tư 02 là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Theo ý kiến của nhiều luật sư và bị cáo có nhiều ngân hàng chi lãi suất vượt trần nhưng không có ngân hàng nào bị xử lý hình sự. VKS cho rằng đã có những ngân hàng bị xử lý hình sự trong hoạt động ngân hàng như vụ án bầu Kiên về việc cho vay liên ngân hàng, vụ án Phạm Công Danh (về hành virút vốn kinh doanh).

Xét về quy mô, tính chất của vi phạm, VKS cho rằng việc chi lãi ngoài đã tiếp sức cho hành vi tham nhũng.

Trách nhiệm của việc thanh tra giám sát ngân hàng, trong phần kiến nghị VKS cũng đã nêu đề nghị Thống đốc xem xét xử lý trách nhiệm đối với nhóm đối tương này.

Như vậy việc xử lý OceanBank không phải là duy nhất, cá biệt.

14h15: Hành vi qua BSC làm các dịch vụ khống thu trên 69 tỷ đồng để chi cho bị cáo Sơn và là đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt.

Tại phiên toà Hà Văn Thắm trước đó không thừa nhận việc thành lập công ty BSC là “sân sau” và bổ nhiệm các chức vụ khống tại BSC, nhưng sau đó, ông Thắm đã khai nhận vấn đề trên.

Đối với Hoàng Thị Hồng Tứ là người ký với cương vị Chủ tịch HĐQT của BSC, bị cáo buộc phải biết trách nhiệm của mình trong việc ký khống các hợp đồng dịch vụ. Nên xác định Tứ là đồng phạm giúp sức.

Bị cáo Giang không khai nhận hành vi của minh nhưng với cương vị là TGĐ ký 721 ký hợp đồng của BSC, không gặp gỡ khách hàng, không biết nguồn tiền dùng vào mục đích gì buộc bị cáo phải thấy đây là hành vi trái pháp luật. Hậu quả là tạo nguồn tiền cho Thắm đưa cho Sơn nên cũng xác định là đồng phạm giúp sức.

14h05: Hành vi tham ô chiếm đoạt 49 tỷ của bị cáo Sơn

Theo các luật sư, bị cáo Sơn không phạm tội tham ô, bị cáo Sơn không phải là người có chức vụ quyền hạn và từ 15/11/2010, ông Sơn đã rời khỏi OceanBank, không là người đại diện phần vốn tại OceanBank. Về mặt khách thể, số tiền 49 tỷ không phải là tiền của PVN.

Kết quả điều tra xác định, tổng số tiền OceanBank đã chi lãi ngoài từ các nguồn của OceanBank là khoản tiền mà ngân hàng có được từ nhiều nguồn mà chủ yếu là từ nguồn từ tiền gửi của khách hàng. Theo VKS trong lĩnh vực ngân hàng không cho phép hạch toán bừa, hạch toán nhầm và sai mục đích. OceanBank phải có nhiệm vụ sử dụng đúng số tiền trên để mang lại hiệu quả. Đặc biệt đối với các cổ đông chiến lược như PVN, được phép tham gia quản trị

Việc các bị cáo vi phạm đã làm thiệt hại cho các cổ đông đặc biệt là cổ đông lớn cho PVN. Trong 246 tỷ đồng chi cho Nguyễn Xuân sơn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt, thiệt hại của PVN được xác định là 20% tương ứng là 49 tỷ đồng. Theo VKS, PVN là đơn vị thuộc sở hữu của nhà nước do nhà nước quản lý nên số tiền thất thoát này là của Nhà nước. Mặc dù khi đó không còn là TGĐ nhưng chủ trương chi lãi ngoài là có từ thời ông Sơn làm TGĐ OceanBank.

Theo quy định về luật chống tham nhũng năm 2005, với việc nắm giữ các chức vụ Phó TGĐ PVN, người đại diện phần vốn vào OceanBank, ông Sơn đã lợi dụng chức vụ của mình tại PVN đơn vị có khả năng chi phối hoạt động của OceanBank đã chiếm đoạt tài sản từ ngân hàng. Do vậy, bị cáo Sơn đã vi phạm tội tham ô chiếm đoạt 49 tỷ đồng.

VKS cũng giữ nguyên quan điểm Hà Văn Thắm là đồng phạm của Nguyễn Xuân Sơn trong việc tham ô.

VKS khẳng định lại trong khoảng thời gian từ 2011 – 2014, bị cáo Nguyễn Xuân sơn đã chiếm đoạt 246 tỷ đồng từ OceanBank trong đó 49 tỷ đồng là do tham ô từ PVN. Bị can Hà Văn Thắm là đồng phạm tiếp sức cho ông Sơn trong quá trình này.

Bị cáo Sơn khai đưa tiền cho ông Ninh Văn Quỳnh nhưng không đưa ra chứng cứ, bản thân ông Quỳnh đã khai nhận tổng 20 tỷ từ ông Sơn. Nên về trách nhiệm hình sự ông Sơn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nhưng về trách nhiệm dân sự thì giảm trừ số tiền đã đưa cho Quỳnh và bị Quỳnh chiếm đoạt.

13h55: Đại diện VKS đưa ra những quan điểm về những lời bào chữa của Luật sư và các bị cáo.

xet xu ha van tham chieu 229 nhieu giam doc chi nhanh oceanbank duoc vks de nghi mien giam muc hinh phat
Đại diện Viện Kiểm Sát tại phiên toà (Ảnh:DB)

Theo VKS, tại phiên toà các luật sư và các bị cáo cho rằng hành vi chi lãi ngoài không gây hậu quả mà là “hiệu quả” nhằm duy trì hoạt động của OceanBank, số tiền 1.576 tỷ đồng không phải là thiệt hại.

Qua lời khai và nguyên tắc đánh giá chứng cứ VKS thấy rằng số tiền 1576 tỷ đồng là trái quy định của NHNN, nguyên tắc về quản lý kinh tế của BTC không có khả năng thu hồi. Cụ thể là chi ra từ 3 nguồn: tạm ứng từ TK 3612 (925 tỷ đồng), chi hạch toán thẳng từ TK 801, từ TK của Vũ Thị Thuỳ Dương.

Với việc chi các khoản từ TK của ngân hàng thì theo quy định của NHNN thì mức lãi suất trần đối với VNĐ là 14% và hạch toán kế toán trái với quy định về chế độ tài chính. Đối với các TK tạm ứng để chi lãi ngoài vi phạm nguyên tắc kế toán của TCTD.

Tại CQĐT, các bị cáo Lê Thị Thu Thuỷ và Vũ Thị Thuỳ Dương đều thừa nhận là số tiền tạm ứng đều được lấy từ nguồn của OceanBank, nội dung được tạm ứng phải được ghi rõ mà chỉ được ghi chung chung không căn cứ để chi tạm ứng, được trình Phó TGĐ và Chủ tịch phê duyệt. Việc chi trả lãi không đúng quy định với NĐ số 146 (2005) và Thông tư số 12.

Hậu quả làm thiệt hại 1.576 tỷ đồng đối với Ngân hàng OceanBank và hơn nữa là mất niềm tin đối với quần chúng đối với các TCTD đặc biệt khi số tiền lại rơi vào tay của một số cán bộ tổ chức đơn vị. Điều này dẫn đến việc phát sinh nợ xấu hơn 14.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế lỗ 10.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 2,5 lần.

Tổng số tiền chi lãi ngoài là 1.576 tỷ đồng, trong đó có 246 tỷ được chi cho Nguyễn Xuân Sơn – Phó TGĐ PVN đã chiếm đoạt, do đó còn lại 1.330 tỷ đồng do Hà Văn Thắm và các đồng phạm gây ra.

13h40: HĐXX bắt đầu làm việc

Thư ký toà điểm danh những bị cáo có mặt tại phiên toà

xet xu ha van tham chieu 229 nhieu giam doc chi nhanh oceanbank duoc vks de nghi mien giam muc hinh phat
Phiên toà xét xử Hà Văn Thắm ngày 21/9 (Ảnh:DB)

Tóm tắt phiên toà ngày 21/9

xet xu ha van tham chieu 229 nhieu giam doc chi nhanh oceanbank duoc vks de nghi mien giam muc hinh phat Xét xử Hà Văn Thắm chiều 21/9: Ninh Văn Quỳnh đề nghị dùng tài sản khắc phục để được hưởng khoan hồng
xet xu ha van tham chieu 229 nhieu giam doc chi nhanh oceanbank duoc vks de nghi mien giam muc hinh phat Xét xử Hà Văn Thắm sáng 21/9: OceanBank khẳng định bà Phấn phải là người chịu trách nhiệm về khoản vay 500 tỷ

Phiên toà ngày 21/9 là phiên cuối cùng của phần đưa ra các luận chứng bào chữa của các luật sư và các bị cáo, đồng thời các bên liên quan cũng đưa ra ý kiến và đề xuất về quyền lợi của mình.

Trong phần bào chữa, các luật sư và bị cáo là các giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch OceanBank cũ đều đưa ra căn cứ về không có thiệt hại và đề xuất được xử lý vi phạm theo chỉ thị 02 của NHNN ban hành trước đó.

Bị cáo Hà Văn Thắm đã nhận hai tội danh về Vi phạm quy định cho vay của TCTD và Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng nhưng xin HĐXX xem xét lại hai tội danh đồng phạm còn lại. Bị cáo Thắm cũng xin được nhận tội thay cho các nhân viên cấp dưới và nếu có thể được xin được nhận án cao nhất đối với tội danh Cố ý làm trái.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cũng mong HĐXX xem xét lại về tội danh tham ô, ông Sơn cho rằng mình chỉ nhận tiền từ Thắm đi chăm sóc khách hàng, không hề chiếm đoạt hay tham ô. Bị cáo Sơn xin dùng tài sản cá nhân để đền bù thiệt hại , mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Về phía các nguyên đơn dân sự, đại diện OceanBank đưa ra lý lẽ xác định việc sử dụng các khoản chi tiền sai mục đích và không có chứng từ kế toàn hợp lý. Từ việc vi phạm này dẫn đền thiệt hại cho OceanBank.

Luật sư của OceanBank xác định trong 1.576 tỷ đồng đã có 146 tỷ đã được hoàn lại cho OceanBank trước khi khởi tố vụ án, sau khi trừ đi 49 tỷ do Nguyễn Xuân Sơn và 105 tỷ do Trần Đức Chính (trong một vụ án khác) chiếm đoạt còn 1.275 tỷ. Ngoài ra còn có 2,2 tỷ đồng thiệt hại từ hoạt động của Công ty BSC và 1/2 thiệt hại nếu xác minh được của khoản 18 tỷ của công ty này. Mặt khác, OceanBank cũng đề nghị bà Hứa Thị Phấn phải chịu trách nhiệm toàn bộ về nghĩa vụ dân sự đối với khoản vay 500 tỷ của Công ty Trung Dung.

Luật sư Nguyễn Văn Thái với vai trò nguyên đơn dân sự của PVN đề nghị HĐXX xác định rõ nếu có xác minh thiệt hại thì tuyên buộc những cá nhân gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường cho PVN.

Cả hai nguyên đơn dân sự này đều mong HĐXX có một bản án công minh và xem xét đối với các nhân viên của OceanBank. Các luật sư cũng chỉ ra, theo bộ luận dân sự 2015 sẽ áp dụng vào 1/1/2018 thì tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” đã bị loại bỏ ra khỏi những hành vi phạm tội. Điều đó đồng nghĩa với việc tính chất, hậu quả hành vi không còn nguy hiểm, chỉ là hành vi phi hình sự.

Cùng với đó, nhiều cổ đông cũ của OceanBank cũng đứng lên đòi quyền lợi. Các cổ đông này cho rằng nếu OceanBank có thiệt hại là thiệt hại của họ nên người được đền bù là các cổ đông. Trong trường hợp không xác định được thiệt hại, kính mong HĐXX xem xét không truy tố trách nhiệm hình sự với các bị cáo.

xet xu ha van tham chieu 229 nhieu giam doc chi nhanh oceanbank duoc vks de nghi mien giam muc hinh phat Những chiều lợi ích trong vụ án OceanBank: Mối quan hệ 'chủ - tớ'

"Chủ - tớ" là mối quan hệ lợi ích dẫn đến đại án OceanBank là vụ án có liên quan đến nhiều người nhất trong ...

xet xu ha van tham chieu 229 nhieu giam doc chi nhanh oceanbank duoc vks de nghi mien giam muc hinh phat 'Thoả thuận ba bên giữa OceanBank - Trung Dung - Đại Tín là không có giá trị'

Đây là kết luận của đại diện Ngân hàng Xây dựng (VNCB) khi thực hiện phân tích nội dung văn bản thoả thuận giữa các ...

xet xu ha van tham chieu 229 nhieu giam doc chi nhanh oceanbank duoc vks de nghi mien giam muc hinh phat Những chiều lợi ích trong vụ án OceanBank: Mối quan hệ chủ sở hữu

Trong vụ án OceanBank, vấn đề lợi ích của người chủ sở hữu trong mối quan hệ giữa Hà Văn Thắm và OceanBank đang bị "lờ" ...

Diệp Bình