Xe máy điện lộ điểm yếu khi dùng để chạy dịch vụ
Ita Puspita đã nhận một chiếc xe máy điện để chạy Grab từ tháng 9 năm ngoái tại Jakarta, Indonesia. Gần đây, cô nhận ra vấn đề là số cuốc xe đang giảm, và thậm chí tỷ lệ huỷ chuyến cũng cao hơn.
Người tài xế công nghệ nói với tờ Rest of World rằng cô nghĩ hành khách không muốn ngồi ở ghế sau xe điện vì nó chật và không thoải mái.
Mỗi khi nhận được cuốc xe, cô phải liên tục theo dõi phần trăm pin và phải biết về tất cả các trạm đổi pin gần điểm chở khách. “Tôi không thể tuỳ tiện đi tới bất cứ nơi nào. Và cần phải xác định chúng tôi cách điểm đổi pin bao xa”, cô nói.
“Đây là việc tốn nhiều công sức. Tôi thực sự muốn có một chiếc xe máy tiêu chuẩn, nếu có thể”, Puspita nói thêm.
Grab không phản hồi yêu cầu bình luận trước những lo ngại của người tài xế này.
Puspita chỉ là một trong hàng trăm tài xế công nghệ đã sử dụng xe điện để hoạt động theo yêu cầu từ các nền tảng như Gojek hay Grab. Các công ty này triển khai chương trình cho phép tài xế thuê xe điện thay vì phải mua xe riêng.
Những người tài xế nói rằng hành khách không muốn đi xe điện vì chúng được thiết kế tệ. Ngoài ra, họ cũng đang mất nhiều thời gian để chạy xe hơn nhưng thu nhập lại kém hơn do những vấn đề liên quan tới sạc pin và đổi pin.
Trong số 11 tài xế mà phóng viên đã nói chuyện ở Jakarta, 5 người trong số đó muốn quay trở lại chiếc xe máy cũ. Tất cả đều đồng ý rằng thà họ dùng xe máy xăng còn hơn là thuê xe máy điện.
Theo nhà phân tích Faris Adnan Padhilah tại Viện Cải cách dịch vụ thiết yếu, phần lớn xe điện đang được sử dụng tại Indonesia hiện không phù hợp để vận chuyển hành khách.
“Nếu nhìn vào hiệu suất và thiết kế, nó phù hợp để giao những món hàng hoá nhỏ hay thực phẩm, thay vì chở người”, ông nói. Nhà phân tích nói thêm rằng xe điện phụ thuộc vào hiệu suất pin và ảnh hưởng bởi các yếu tố như cân nặng người ngồi trên xe, quãng đường đi và điều kiện đường xá. Do đó, chúng không phù hợp để cung cấp dịch vụ xe ôm.
Tại Indonesia, những chiếc xe máy điện dùng trong gọi xe công nghệ yếu hơn so với xe máy xăng. Chẳng hạn, xe điện không hoạt động tốt khi leo dốc. Chiếc xe điện duy nhất hoạt động giống xe máy xăng đến từ đối tác Gogoro của Gojek.
Tuy nhiên, mức phí thuê mẫu xe này ở mức cao hơn so với những xe thông thường khác. Ngoài ra, những tài xế cũng không thích mẫu xe này do chúng khó khởi động khi ở trong các tầng hầm trung tâm thương mại vì mạng yếu.
Xe Gogoro không cần chìa khoá và được khởi động bằng smartphone của tài xế. “Do đó, chúng tôi cần phải đẩy xe ra bên ngoài, và nó rất nặng”, một tài xế cho hay.
Chính phủ Indonesia kỳ vọng sẽ có 1,8 triệu xe máy điện lăn bánh trên đường vào năm 2025. Tháng 3, nước này công bố khoản trợ cấp cho việc mua xe máy điện. Các nền tảng gọi xe tập trung vào xe điện dự kiến sẽ giúp chính phủ đạt được mục tiêu này.
Gojek - công ty có thị phần đứng đầu trên thị trường gọi xe công nghệ ở Indonesia, đặt ra mục tiêu 100% đội xe điện vào năm 2030.
Công ty đang xây dựng một nhà máy có công suất 250.000 xe máy điện vào năm 2024. Họ cũng liên doanh với các công ty năng lượng tư nhân và nhà nước để ra mắt mẫu xe máy điện mới, chiếc Electrum H5.
Đầu năm nay, inDrive bắt đầu cung cấp xe máy điện cho các tài xế công nghệ của mình ở Indonesia, với kế hoạch có 400 xe máy điện trong đội xe vào cuối tháng 11/2023. "Trọng tâm của chúng tôi hiện nay là đưa thêm xe máy điện ra đường, để thu hút nhiều tài xế hơn chuyển sang sử dụng xe điện”, ông Georgy Malkov, Giám đốc phát triển kinh doanh của inDrive, nói.
Nhưng sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng hỗ trợ đang gây khó cho các tài xế công nghệ chạy xe điện.
Ông Kurnianto - một tài xế công nghệ 51 tuổi, đang đi đến tiệm sửa xe. Ông cho biết đêm hôm trước đã đổi pin cho chiếc xe máy điện nhưng nó đang cạn pin nhanh bất thường.
"Chúng tôi làm việc dưới cái nắng gay gắt. Nó đã rất mệt mỏi rồi, và nếu không thể tìm được viên pin tốt, nó sẽ khiến tôi chán nản và cuối cùng ảnh hưởng tới thu nhập hàng ngày”, ông nói và nhấn mạnh sự cố về pin thường xuyên xảy ra.
Ông kể thường xuyên đến điểm đổi pin nhưng không có nhiều pin sẵn được sạc đầy.
Theo các tài xế, chỉ có 5 trạm đổi pin ở Nam Jakarta. “Nên có nhiều hơn. Lý tưởng nhất là mọi trạm xăng đều cung cấp dịch vụ đổi pin”, anh Fajar Muhammad, một tài xế Gojek sử dụng xe điện, cho hay.
Các tài xế cũng nói rằng trước đó nền tảng gọi xe ưu tiên các cuốc đặt xe cho xe điện, nhưng hiện họ đã ngừng chính sách này.
Anh Supadi - một tài xế Gojek, cho biết trong ba tháng qua, anh ngày càng khó nhận được cuốc xe hơn. “Gần như tôi không thể kiếm được 9,6 USD một ngày nữa”, anh nói và cho biết thêm phải trả 2,6 USD phí thuê xe điện mỗi ngày.
“Lý tưởng nhất, số tiền tôi kiếm được phải đủ để trả chi phí thuê pin, tiền ăn trong ngày và còn dư để mang về nhà. Nhưng thực tế không được như vậy”, anh nói.
Supadi cho biết anh muốn tiết kiệm tiền để mua một chiếc xe máy xăng. “Tôi thích lái xe về quê. Nhưng sẽ không làm được nếu tôi dùng xe máy điện vì nó không dành cho những chuyến đi đường dài”, tài xế này chia sẻ.