|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xe đạp Trung Quốc gắn mác ‘Made in Việt Nam’ xuất đi Mỹ

22:05 | 28/12/2019
Chia sẻ
Công ty xe đạp Excel nhập 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện từ Trung Quốc, sau đó lắp ráp đơn giản, lấy xuất xứ Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm hưởng ưu đãi thuế quan.

Ngày 28/12, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết đã xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH xe đạp Excel (có 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc) do có vi phạm về quy định xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, công ty xe đạp Excel đã nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm hoàn chỉnh. Các linh kiện nhập khẩu về Việt Nam không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác.

“Xe xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi do chính phủ Mỹ dành cho Việt Nam”, Cục Kiểm tra sau thông quan thông tin.

Xe đạp Trung Quốc gắn mác ‘Made in Việt Nam’ xuất đi Mỹ - Ảnh 1.

Công ty TNHH xe đạp Excel đã vi phạm về quy định xuất xứ hàng hóa. Ảnh: Cơ quan hải quan.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện công ty đã thực hiện các thủ tục gian dối để được VCCI chi nhánh TP.HCM cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam. Ngày 11/11, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi VCCI chi nhánh TP.HCM yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận xuất xứ và đơn vị này đã thực hiện.

Tổng cục Hải quan đã ra quyết định phạt tiền và tịch thu toàn bộ tang vật là sản phẩm hoàn chỉnh, các bán thành phẩm và các linh kiện chưa xuất khẩu đang lưu trong kho của công ty.

Theo Cục Kiểm tra sau thông quan, từ khi Mỹ áp thuế cao lên nhiều dòng hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng đột biến.

Cơ quan hải quan đã lập danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ trong phạm vi toàn quốc để tiến hành kiểm tra.

Văn Hưng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.