Xây giải pháp chặn doanh nghiệp tăng vốn ảo
Mối ngờ tăng vốn ảo
“Giá cổ phiếu của công ty hiện chỉ trên dưới 3.000 đồng/cổ phiếu, vậy công ty đặt mục tiêu phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn với mức 10.000 đồng/cổ phiếu thì ai mua? Kế hoạch phát hành cổ phiếu khó khả thi như vậy, tại sao công ty còn tham vọng phát hành thêm cả trái phiếu để tăng vốn, có khả thi không?…”, cổ đông một công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản đã chất vấn Ban lãnh đạo như vậy tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông mới đây.
Theo dõi doanh nghiệp trên cho thấy, năm nào tại kỳ đại hội cổ đông thường niên, hội đồng quản trị cũng trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư có năng lực tài chính để tăng vốn. Tuy nhiên, kết thúc mỗi đợt phát hành, giới đầu tư khá ngạc nhiên khi người mua chính là các thành viên trong ban lãnh đạo công ty với lượng mua thường lên đến nửa kế hoạch phát hành.
Trước những đợt phát hành này, ban lãnh đạo công ty thường bán cổ phiếu ở một số công ty con, công ty liên kết như một động thái biện minh trước với giới đầu tư, thị trường rằng họ có tiền để mua cổ phiếu. Nhưng họ có mua thật hay không, thì chỉ chính họ mới biết.
Về hình thức, tuy họ phải nộp tiền vào tài khoản phong tỏa, nhưng có hay không họ chỉ vay mượn để đẩy tiền vào tài khoản cho hợp lệ, rồi khi hết thời gian phong tỏa và tăng vốn trót lọt, họ lại rút ra trả nợ? Liệu đây có được coi là chiêu tăng vốn ảo không?
Qua theo dõi và giám sát thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính nhận thấy có hiện tượng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản tăng vốn quá nhanh, nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn với quy mô tăng gấp nhiều lần so với quy mô hiện tại, trong khi tình hình sản xuất - kinh doanh, chất lượng quản trị công ty không theo kịp.
Có trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với giá trị lớn, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu và lãi suất cao bất thường, khả năng thanh toán trái phiếu cho các nhà đầu tư khi đáo hạn thấp, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Bộ Tài chính có lý do từ sự bất cập của Luật Chứng khoán.
Theo đó, điều kiện, hồ sơ, thủ tục chào bán chứng khoán được chia làm 2 nhóm gồm: Nhóm các tiêu chuẩn định lượng và nhóm các tiêu chuẩn định tính, nhưng một số chỉ tiêu định tính như các nhà quản lý công ty phải có trình độ và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý công ty; công ty phải có phương án khả thi về phát hành và sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán… chưa rõ ràng, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong quá trình xét duyệt hồ sơ và bản thân doanh nghiệp khi chứng minh việc đáp ứng các điều kiện chào bán chứng khoán.
Do pháp luật chưa giới hạn cụ thể một số điều kiện về quy mô, lãi suất… khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu, nên họ đang lợi dụng kẽ hở này để tăng vốn.
Luật Chứng khoán chỉ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, mà chưa quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán riêng lẻ.
Thanh tra Chính phủ cũng đưa ra cảnh cáo, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, việc doanh nghiệp niêm yết, nhất là các công ty bất động sản tăng vốn nhanh đột biến với quy mô lớn, tăng vốn trước khi là công ty đại chúng, tăng vốn trong quá trình niêm yết, sử dụng vốn không vào mục đích kinh doanh chính, mà chủ yếu là ủy thác đầu tư... tiềm ẩn rủi ro lớn, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường chứng khoán, nên cần có giải pháp xử lý.
Ngăn chặn tăng vốn ảo, cách nào?
Để ngăn chặn tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật thực hiện tăng vốn ảo, gây nên những hệ lụy khó lường, trên cơ sở tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, Bộ Tài chính đang hoàn thiện hệ thống giải pháp theo hướng xác định điều kiện phát hành phù hợp với từng loại sản phẩm: chứng khoán nợ, chứng khoán vốn, chứng khoán phái sinh, đồng thời nâng cao điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng.
Đồng thời, Bộ cũng tiến hành sửa đổi quy định tiêu chí phân biệt chào bán chứng khoán ra công chúng và chào bán chứng khoán riêng lẻ theo hướng gắn với đối tượng phát hành; xem xét bổ sung một số điều kiện cụ thể đối với chào bán cổ phiếu và trái phiếu.
Đối với cổ phiếu, nhà quản lý đang đề xuất cơ chế giới hạn về tổng giá trị của đợt phát hành so với tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành (không phát hành quá số lượng cổ phiếu đang lưu hành), khoảng cách giữa các đợt phát hành là tối thiểu 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt như doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Chính phủ về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin….
Đối với trái phiếu, quy định pháp lý mới đang được hoàn thiện theo hướng giới hạn khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo tỷ lệ so với vốn chủ sở hữu, quy định về mức trần lãi suất trái phiếu huy động, hệ số khả năng thanh toán của doanh nghiệp phát hành, yêu cầu về định mức tín nhiệm..., nhằm giảm rủi ro cho nhà đầu tư.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/