|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xây dựng văn hoá doanh nghiệp: Đa số vẫn đang hô khẩu hiệu

11:32 | 05/10/2018
Chia sẻ
Nếu cách mạng công nghiệp 4.0 mà không song hành với cách mạng văn hoá thì có thể dẫn đến thảm họa.
xay dung van hoa doanh nghiep da so van dang ho khau hieu Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Từ sếp hay từ nhân viên?

Kể lại một câu chuyện về ông Út Huy, CEO của Fohla, tại Diễn đàn văn hoá doanh nghiệp thời 4.0, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED Giản Tư Trung không ngừng nhấn mạnh, Fohla là một trong những ví dụ của một văn hoá doanh nghiệp nơi được tạo nên bởi cách hành xử và thái độ hay chính là đạo sống, niềm tin, và giá trị sống.

Fohla là một doanh nghiệp chuyên về sản phẩm chuối sạch, được trồng theo quy trình sạch, sản xuất khép kín từ giống, chăm sóc cho đến đóng gói đưa vào kho lạnh tại trang trại. Hiện nay, với khoảng 1.000 ha đất ở các tỉnh phía Nam, thương hiệu chuối Fohla đã thâm nhập được nhiều thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Một lần, những quả chuối Fohla cập bến Nhật Bản và được vận chuyển đến các cơ sở phân phối. Thật không may, một trong số khách hàng của công ty này ở Nhật phát hiện một vài quả chuối có dấu hiệu bị thâm đen và đã gọi điện phàn nàn với vị CEO của Fohla.

Ngay sau khi cúp máy, ông này liền ngay lập tức đặt vé máy bay chuyến sớm nhất qua Nhật để kiểm tra, khảo sát, nhận lô hàng đó về và cam kết với vị khách hàng kia sẽ chuyển qua lô hàng mới đúng ngày, đúng giờ như đã hứa với chất lượng tốt nhất.

Ông Trung kể, khi người ta đặt ra câu hỏi tại sao lại hành động nhanh và quyết liệt đến như vậy, ông Út Huy trả lời rằng "Trái chuối đen cũng chính là con người thâm đen vì trái chuối là lương tri, sinh mạng của tôi; đó là đạo sống, là niềm tin. Chỉ có như vậy tôi mới cho nhân viên của tôi biết họ đang tin vào điều gì; chỉ có con người tử tế mới làm ra được những trái chuối tử tế".

"Giờ đây phải làm thế nào để có được câu khẩu hiệu 'hàng Việt đáng tin' thay vì hô hào 'hàng Việt chất lượng cao' mọi lúc mọi nơi; những thứ chất lượng cao chỉ có giới nhà giàu mới mua được", ông Trung nhìn nhận.

Theo ông Giản Tư Trung và nhiều chuyên gia, văn hoá doanh nghiệp là những thứ vô hình nhưng được thể hiện qua những hành động hữu hình, những điều đơn giản nhất. Nhiều doanh nghiệp Việt có khát khao và thật tâm xây dựng văn hoá doanh nghiệp nhưng đa số vẫn chỉ đang hô khẩu hiệu mà chưa thành công bởi bốn lý do chính.

Đó là thiếu sự hiểu biết thấu đáo về văn hoá và vai trò của văn hoá đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; thiếu tầm nhìn và giấc mơ rõ ràng về văn hoá; thiếu phương pháp và giải pháp để xây dựng văn hoá; và thiếu nỗ lực, kiên trì và bền bỉ.

Theo Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đẩy các doanh nghiệp đi rất nhanh và thậm chí là có thể khiến họ đi sai đường; và nếu cách mạng công nghiệp mà không song hành với cách mạng văn hoá thì có thể trở thành thảm hoạ.

xay dung van hoa doanh nghiep da so van dang ho khau hieu
Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED Giản Tư Trung.

Theo đó, văn hoá là thứ dùng để phân biệt giữa quản trị và cai trị, giữa lãnh đạo và cầm quyền; giữa doanh nhân, trọc phú và con buôn. Văn hoá là những gì còn lại sau khi đã mất hết tất cả, là những gì còn thiếu sau tất cả mọi thứ.

Một doanh nghiệp thất bại, thảm khốc nhất tưởng chừng như là thất bại về chiến lược; nếu vẫn còn văn hoá thì có thể có cơ hội để đứng dậy nhưng nếu thất bại về cả văn hoá thì doanh nghiệp đó mãi mãi không đứng dậy được.

"Sai lầm của Khaisilk hoàn toàn không phải là sai lầm về chiến lược mà chính là sai lầm về văn hoá," ông Trung lấy ví dụ.

Như FranklinCovey đã chỉ ra, nếu chất lượng được ví như hạt thì văn hoá sẽ được xem là đất. Nếu đất không tốt thì dù có cố gắng cách mấy, hạt cũng không thể nảy mầm và lớn mạnh được. "Đối thủ của bạn có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống, quy trình cho đến bí quyết công nghệ..., chỉ trừ một thứ duy nhất họ không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hoá của bạn."

Theo ông Trung, mỗi văn hoá sẽ sản sinh ra một chiến lược, và chiến lược đó chỉ có thể dùng được cho một văn hoá mà thôi; chẳng hạn như văn hoá của Vingroup sinh ra chiến lược "thần tốc".

Làm văn hoá theo ông Trung cũng giống như dạy con, không thể làm được chỉ sau một đêm; văn hoá là quá trình mang tính bền vững. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần nhận thức được rằng cấu trúc văn hoá bản sắc có tầng sâu nhất là đạo sống, là niềm tin. Đó là niềm tin của khách hàng và cũng là niềm tin của chính nhân viên.

"Đích đến của xây dựng văn hoá lâu nay là văn hoá bản sắc nhưng các doanh nghiệp xây mãi không lên; tuyển nhân viên về và ép họ sống với văn hoá sẵn có mà không tạo được niềm tin cho họ, không cho họ lý do để tự luộc mình thay vì bị nhồi nhét thì văn hoá sẽ không thể bền vững", ông Trung thẳng thắn nhìn nhận.

Xem thêm

Đặng Hoa

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.