|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Wilbur Ross: "Ông vua phá sản" thành ứng viên Bộ trưởng Thương mại Mỹ

07:23 | 15/02/2017
Chia sẻ
Tỷ phú Wilbur Ross, ứng viên Bộ trưởng Thương mại Mỹ không chỉ nổi tiếng trong giới đầu tư quốc tế mà còn là người có nhiều duyên nợ với Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ phú Wilbur Ross. Ảnh: Forbes.

Bộ máy chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá là nội các giàu nhất trong lịch sử hiện đại nước Mỹ, với hai tỷ phú có tên trong danh sách của Forbes. Trong đó, tỷ phú Wilbur Ross, người được đề cử vị trí Bộ trưởng Thương mại là một gương mặt rất nổi tiếng trong giới đầu tư quốc tế.

Ông Ross hiện đứng thứ 232 trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes thống kê, với số gia tài trị giá 2,5 tỷ USD.

Sau đây là một số điều cần biết về nhà tỷ phú này.

“Ông vua phá sản”

Tỷ phú Wilbur Ross được các nhà kinh tế đặt cho biệt danh "ông Vua phá sản" vì ông chuyên mua lại các công ty phá sản trong các lĩnh vực như thép, than đá, viễn thông, dệt may và đầu tư nước ngoài với giá rẻ mạt để tái cơ cấu và kiếm lời. Bản thân nhà đầu tư lão luyện này cũng thừa nhận, sở thích của ông là "lao vào những công trình đang cháy rụi".

Phi vụ nổi tiếng nhất của ông là xây dựng một tập đoàn thép lớn dựa trên 3 hãng thép phá sản đầu thập niên 1970. Khi đó, Ross đã quyết định mua một lúc 3 hãng thép đóng cửa rồi xây dựng thành một tập đoàn thép mới có tên ISG. Sau khi kinh tế phục hồi, ngành thép phát triển mạnh mẽ và ISG nhanh chóng vươn lên thành tập đoàn sản xuất thép lớn thứ 2 của Mỹ, với sản lượng đạt 18 triệu tấn mỗi năm.

Khi thảm kịch 11/9/2001 xảy ra, hàng loạt công ty tại Mỹ đối mặt với tình trạng phá sản. Nhưng điều này lại mang đến cho Ross những cơ hội lớn. Không bỏ lỡ cơ hội, ông lập tức đổ tiền đầu tư vào hàng loạt công ty trong nhiều lĩnh vực khác nhau như khai thác khoáng sản, may mặc... và thắng lớn.

Năm 2003, Ross sáp nhập hàng loạt công ty thép do WL Ross & Co. sở hữu để thành lập tập đoàn International Steel Group. Một năm sau, ông bán lại tập đoàn này cho công ty Mittal Steel với giá 4,5 tỷ USD. Thương vụ mang lại cho riêng cá nhân Ross 250 triệu USD, là vụ mua bán thành công nhất của Ross tính đến nay.

Những năm gần đây, tình hình tài chính bất ổn tại châu Âu mang lại cho Ross những khoản lợi nhuận lớn.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, những phẩm chất khiến Wilbur Ross gặt hái được thành công vang dội trên thương trường là tầm nhìn xa trông rộng, khả năng phát hiện và nắm bắt tốt cơ hội trong tình thế hỗn loạn.

Chuyên gia kỳ cựu về châu Á

Là một người đã dành hàng thập kỷ nghiên cứu thị trường châu Á để tìm cơ hội làm ăn, tỷ phú Wilbur Ross là một gương mặt quen thuộc với giới đầu tư châu Á.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Ross đã tái cấu trúc thành công Halla - tập đoàn lớn thứ 12 Hàn Quốc sau khi tập đoàn này phá sản.

Trong dư chấn của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, vào năm 2000, Ross mua lại Ngân hàng Kofuku, hiện mang tên Kansai Urban Banking, và lên kế hoạch tái thiết doanh nghiệp này.

Năm 2010, Wilbur Ross trở thành Chủ tịch Hội Nhật Bản, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York được các doanh nghiệp Mỹ lập ra nhằm thúc đẩy quan hệ với các đối tác Nhật Bản.

Từ thành công ở Hàn Quốc và Nhật Bản, Ross vươn ra các công ty khác ở khắp châu Á, trong đó có Việt Nam.

Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, tủ phú Wilbur Ross chính là người dàn xếp cuộc gặp mặt giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 11/2016. Đây là cuộc gặp đầu tiên của ông Trump với một nguyên thủ nước ngoài.

Duyên nợ với Việt Nam

Với Việt Nam, Wilbur Ross không phải là cái tên xa lạ, khi ông là người từng đầu tư lớn vào ngành dệt may Việt Nam.

Ông Wilbur Ross trong buổi làm việc ở Bộ Tài chính Việt Nam năm 2015. Ảnh: Tin Nhanh Chứng Khoán.

Vào năm 2006, Liên hợp sản xuất dệt – nhuộm – may ITG – Phong Phú đã hình thành, là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn ITG của Mỹ với Tổng công ty cổ phần Phong Phú với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD. Trong đó, tập đoàn của tỷ phủ Wilbur Ross đóng góp 60% vốn, nắm quyền điều hành sản xuất, kinh doanh của liên hợp.

Hợp đồng này được ký kết chỉ hơn một tuần sau khi Việt Nam và Mỹ ký kết thúc quá trình đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO.

Sự hiểu biết về Việt Nam và những ràng buộc lợi ích từ hoạt động đầu tư đã khiến Wilbur Ross nhiều lần bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trước Quốc hội Mỹ.

Vào tháng 7/2006, tỷ phú Mỹ đã kêu gọi đẩy nhanh việc Mỹ trao Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Ông cũng là người phản đối việc áp dụng thuế chống bán phá giá với hàng dệt may Việt Nam vì cho rằng điều này chẳng bảo vệ lợi ích của nước Mỹ mà chỉ là những doanh nghiệp nước ngoài khác trong khi người dân Mỹ chịu thiệt.

Cuối năm 2011, sự hợp tác giữa Tập đoàn ITG của tỷ phú Ross và Tổng công ty Phong Phú đã chấm dứt do một số bất đồng giữa hai bên. Tuy nhiên, vào năm 2015, sau khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất, tỷ phú Ross đã trở lại Việt Nam với dự định bắt tay với Tập đoàn Dệt May Việt Nam để đón đầu TPP…

Trong những cuộc trả lời phỏng vấn, ông Wilbur Ross luôn bày tỏ sự lạc quan về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Ông từng chia sẻ: “Năm 2001, lần đầu tiên đến Việt Nam tham dự một sự kiện, tôi nhìn thấy các gia đình ở Việt Nam chủ yếu đi bằng xe đạp. Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, tôi nhận ra một Việt Nam rất khác, nhiều gia đình đã sở hữu ôtô, thậm chí sở hữu cả những khách sạn lớn, doanh nghiệp lớn”.

Tỷ phú Wilbur Ross sẽ làm gì trong vai trò Bộ trưởng Thương Mại Mỹ?

Ở vị trí người đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ, tỷ phú Wilbur Ross sẽ đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp Mỹ cả ở trong và ngoài nước. Ông đóng vai trò đặc biệt trong việc phác thảo các kế hoạch về giảm thuế và xây dựng hạ tầng của Tổng thống Mỹ.

Ông cho rằng, phần lớn dân chúng Mỹ đang bất bình vì nền kinh tế khiến cho người lao động trung lưu bị tụt hậu và Tổng thống Donald Trump là đại diện cho một sự chuyển hướng tích cực.

Tuy nhiên, khi giữ vai trò Bộ trưởng Thương Mại Mỹ, tỷ phú Wilbur Ross sẽ buộc phải ủng hộ các quyết định của Tổng thống Donald Trump, dù việc này sẽ ảnh hưởng tới lợi ích doanh nghiệp và các khoản đầu tư của ông ở châu Á. Trong một phần cam kết khi được đề cử, ông cũng khẳng định sẽ không mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong những năm tới.

Với việc ông Trump rút nước Mỹ khỏi TPP, khả năng đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam của nhà tỷ phú Mỹ cũng không còn nữa.

Thanh Bình

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.