|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

WHO: Đại dịch COVID-19 đang tăng tốc

06:54 | 24/03/2020
Chia sẻ
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: “Đại dịch đang tăng tốc”. Đã có 490 nhân viên y tế Pháp nhiễm virus, 3 bác sĩ tử vong; hàng loạt nước đóng cửa biên giới, trường học, quán bar, cấm tập trung đông người…
WHO: Đại dịch COVID-19 đang tăng tốc - Ảnh 1.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo ở Geneva hôm 23/3. Ảnh: Getty.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus viết trên Twitter: “Hơn 300.000 ca Covid-19 đã được báo cáo với WHO, đến từ hầu hết mọi nước trên Trái đất. Đại dịch đang tăng tốc. Mất 67 ngày để từ ca thứ nhất tăng lên ca 100.000. Mất 11 ngày để đến ca 200.000 và chỉ mất 4 ngày để đến ca 300.000”.

Trong tuần này, WHO có kế hoạch ghi danh những bệnh nhân đầu tiên để thử nghiệm các phác đồ điều trị khác nhau, TS Soumya Swaminathan, nhà khoa học chính của WHO, nói với các phóng viên ngày 23/3.

Tháng trước, WHO tuyên bố đã tổ chức một chương trình thí điểm kiểm nghiệm các phương pháp điều trị ở nhiều nước và so sánh dữ liệu để tìm ra các phác đồ hiệu quả nhất. Theo WHO, nhiều nước đã đồng ý tham gia chương trình, gồm Argentina, Bahrain, Canada, Pháp, Iran, Na Uy, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Thái lan.

Hoãn Olympic?

Quyết định về tương lai của Olympic Tokyo 2020 sẽ được đưa ra sớm thôi, TS Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói tại cuộc họp báo tại trụ sở của WHO hôm 23/3.

“Chúng tôi tin rằng, chính phủ Nhật Bản và Ủy ban Olympic Quốc tế sẽ không tổ chức Thế vận hội nếu sự kiện này nguy hiểm cho vận động viên và người xem”, CNN dẫn lời ông Ryan.

Hôm 22/3, Ủy ban Olympic Quốc tế nói rằng, họ tự đặt hạn cuối để đưa ra quyết định về việc tổ chức Thế vận hội 2020 là trong 4 tuần tới. Ủy ban này nói rằng, không tính chuyện hủy, nhưng xem xét hoãn hoặc giảm quy mô sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Một số ủy ban Olympic quốc gia đã kêu gọi hoãn tổ chức Olympic 2020 sang năm 2021. Đến nay, Canada và Australia là hai quốc gia khẳng định sẽ không gửi vận động viên tới Nhật Bản năm nay vì lo ngại rủi ro lây nhiễm Covid-19.

WHO: Đại dịch COVID-19 đang tăng tốc - Ảnh 2.

Ủy ban Olympic Quốc tế nói rằng, họ không tính chuyện hủy, nhưng xem xét hoãn hoặc giảm quy mô Olympic Tokyo 2020. Ảnh: AP.

Quân đội Mỹ không thể đáp ứng hết nhu cầu chống dịch

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 23/3 nói rằng, ông đã nghe 10 thống đốc bang đề nghị quân đội cung cấp bệnh viện dã chiến, nhưng ông “không thể đáp ứng mọi nhu cầu” với những gì quân đội hiện có, CNN đưa tin.

Bộ trưởng Esper nói rằng, ông đang cân nhắc sử dụng các bệnh viện dã chiến của quân đội để giúp các bang chống dịch Covid-19, cho đến khi họ biến các phòng tập gym, khách sạn, ký túc xá trường đại học thành bệnh viện dã chiến.

“Chúng tôi có thể giúp một tay trong giai đoạn ngắn, trong vài tuần”, ông nói.

Chính quyền thành phố Chicago, bang Illinois đang bắt tay với 5 khách sạn để cách ly một số người nghi nhiễm Covid-19 và cô lập một số bệnh nhân. Năm khách sạn này có thể chứa hơn 1.000 bệnh nhân.

Nhân viên khách sạn sẽ được huấn luyện về xử lý tình huống và không phải trực tiếp tương tác với bệnh nhân, thị trưởng Chicago, bà Lori Lightfoot, nói tại cuộc họp báo hôm 23/2.

Tính trung bình, các bệnh viện ở bang Oklahoma chỉ còn đủ đồ bảo hộ cá nhân trong 9,3 ngày để phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 và xử lý các ca nghi nhiễm, Văn phòng Thống đốc bang, ông Kevin Stitt, thông báo ngày 23/3.

Bệnh viện Providence St. Joseph ở thành phố Seattle, bang Washington hiện theo dõi 279 bệnh nhân Covid-19 từ nhà của họ. Bệnh nhân được chuyển về nhà cùng nhiệt kế và máy đo nồng độ ô-xy và nhịp tim.

Bệnh nhân đưa dữ liệu thân nhiệt, nồng độ ô-xy và nhịp tim vào một chương trình ứng dụng và các thông số này được tự động giám sát, kiểm tra vài giờ một lần để đảm bảo rằng các triệu chứng của họ không xấu đi.

Có tới 3/4 số bệnh nhân có thể được giám sát tại nhà, không cần nhập viện. Việc điều trị tại nhà có theo dõi từ xa giúp giải phòng hàng trăm giường bệnh và giảm nguy cơ phơi nhiễm của nhân viên y tế, Bệnh viện Providence St. Joseph tuyên bố.

Đến nay, Mỹ có ít nhất 40.069 bệnh nhân Covid-19 và 472 ca tử vong, theo thống kê của CNN. Riêng bang New York có 20.909 ca mắc và 157 trường hợp tử vong.

Bộ Ngoại giao Mỹ đang theo dõi khoảng 13.500 công dân Mỹ ở nước ngoài – những người đang tìm kiếm sự trợ giúp để được về nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan khắp toàn cầu.

WHO: Đại dịch COVID-19 đang tăng tốc - Ảnh 3.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Ảnh: DOD.

490 nhân viên y tế Pháp nhiễm virus, 3 bác sĩ tử vong

Ba bác sĩ nhiễm coronavirus mới đã tử vong, Cơ quan Y tế quốc gia Pháp thông báo ngày 23/3. Họ đều đến từ vùng Grand Est ở đông bắc nước Pháp.

Hôm Chủ nhật, bác sĩ đầu tiên của Pháp qua đời vì Covid-19.

Tổng cộng 490 nhân viên y tế ở thủ đô Paris và vùng phụ cận nhiễm coronavirus, người phát ngôn của Hệ thống bệnh viện công Paris nói với CNN ngày 23/3. Trong đó 32% là bác sĩ, 15% là y tá.

WHO: Đại dịch COVID-19 đang tăng tốc - Ảnh 4.

Hai người đeo khẩu trang trước Bảo tàng Louvre của Pháp hôm 4/3. Ảnh: Getty.

Phong tỏa, đóng cửa khắp nơi

Đến nay, ít nhất 11 bang ở Mỹ đã ra lệnh cho cư dân ở nhà, không ra đường, CNN đưa tin ngày 24/3.

Ngày 23/3 (giờ Mỹ), thống đốc bang Virginia, ông Ralph Northam, thông báo đóng cửa tất cả trường học ở bang này cho đến hết năm học năm nay. Trong khi đó, thị trưởng thành phố Toronto của Canada, ông John Tory, tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở thành phố này.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp và An ninh Hà Lan, ông Ferdinand Grapperhaus, thông báo, chính phủ nước này sẽ cấm tất cả các cuộc tụ tập đông người từ nay đến ngày 1/6. “Nếu muốn khống chế coronavirus, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác”, ông nói.

Chính phủ Hà Lan đang ủy quyền cho các thị trưởng xử phạt những cá nhân, doanh nghiệp nào vi phạm lệnh cấm tập trung đông người. Tuy nhiên, một số ít trường hợp ngoại lệ được áp dụng cho đám tang, đám cưới trong nhà thờ và trẻ em chơi đùa cùng nhau ở ngoài nhà.

WHO: Đại dịch COVID-19 đang tăng tốc - Ảnh 5.

Đường phố vắng tanh ở thành phố Toronto của Canada ngày 21/3. Ảnh: Zuma Press.

Ngày 23/3, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố, sẽ phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần, từ 26/3 tới 16/4 để chống dịch. 

Trong thời gian này, “tất cả người Nam Phi sẽ phải ở nhà”, trừ người làm việc trong lĩnh vực khẩn cấp, an ninh, liên quan các ngành thiết yếu như sản xuất lương thực, thực phẩm, ngân hàng, ông nói.

Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari thông báo, Nigeria đang đóng cửa biên giới đường bộ trong 4 tuần. Cục Hàng không dân dụng Nigeria đã cấm mọi chuyến bay quốc tế, trừ các chuyến bay thiết yếu, khẩn cấp.

Nigeria đã ghi nhận 36 ca mắc Covid-19, một trường hợp tử vong. Hầu hết ca nhiễm mới là những người trở về từ châu Âu, Canada và Mỹ, nên Nigeria quyết định cấm đi lại đối với công dân các nước có hơn 1.000 ca nhiễm.

Hôm qua, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa thông báo đóng cửa tất cả biên giới, nhưng vẫn tiếp nhận hàng hóa và công dân nước này trở về. Ông cũng thông báo cấm tập trung hơn 50 người, đóng cửa các quán bar, hộp đêm, phòng gym và bể bơi để khống chế dịch.

Trong khi đó, từ 23/3 đến 20/4, thủ đô Mexico City của Mexico đóng cửa các bảo tàng, phòng tập gym, rạp chiếu phim, hộp đêm, vườn thú, trung tâm thể thao và quán bar. Các sự kiện tập trung từ 50 trở lên cũng bị cấm, Thị trưởng Claudia Sheinbaum thông báo trên Twitter.

Từ thứ Sáu tuần trước, trường học trên khắp đất nước Mexico bị đóng cửa để ngăn Covid-19 lây lan.

WHO: Đại dịch COVID-19 đang tăng tốc - Ảnh 6.

Người bán hàng rong bán kẹo trước một rạp chiếu phim đóng cửa ở Mexico City ngày 23/3. Ảnh: AP.



Thái An

[LIVE] ĐHĐCĐ Techcombank: Phát triển thêm các mảng không phải thế mạnh như SME, tín dụng tiêu dùng
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.