|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

WB: Hai nhân tố giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022

20:18 | 15/12/2021
Chia sẻ
Theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới Jacques Morisset, nếu có thể kiểm soát tốt dịch bệnh và cải thiện cán cân cung - cầu, mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam về mức 6 - 6,5% là hoàn toàn khả thi.
Hai nhân tố giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022  - Ảnh 1.

Theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả việc khôi phục các khu vực sản xuất và xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN).

Năm 2021 sắp khép lại với những biến động lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh những khó khăn của việc vừa kiểm soát đại dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức làm sao để tạo lực đẩy tốt hơn cho đà phục hồi kinh tế trong năm 2022.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, để đánh giá về thực trạng nền kinh tế trong năm 2021, đồng thời tìm ra giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc và hướng đến triển vọng tích cực hơn trong năm 2022.

Năm 2021: Hồi phục sau khó khăn với tốc độ không đồng đều

Chuyên gia Jacques Morisset cho rằng năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với kinh tế Việt Nam. GDP của Việt Nam ước tính chỉ tăng trưởng khoảng 2%.

Đi sâu vào phân tích, chuyên gia Morisset chia nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là từ tháng 1 đến tháng 4, khi nền kinh tế vẫn ở trong đà hồi phục từ năm 2020, với tình hình đại dịch được kiểm soát tốt, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ hoạt động sôi nổi.

Trong khoảng thời gian này, GDP đã tăng khoảng 5% và dù chưa thể quay về mức 6 - 7% như thời kỳ trước đại dịch nhưng đây vẫn là một con số rất ấn tượng.

Giai đoạn thứ hai là khi làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 ập đến vào cuối tháng 4/2021, khiến nhiều hoạt động kinh tế phải gián đoạn. 

Kết quả là giai đoạn này ghi nhận GDP giảm sâu. Đặc biệt, vào quý 3/2021, GDP của Việt Nam đã giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu tính và công bố số liệu GDP quý đến nay.

Trong đó, khu vực dịch vụ ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng nhất. Trong lĩnh vực sản xuất, rất nhiều khu công nghiệp, đặc biệt là ở phía Nam, cũng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, nhiều nơi phải đóng cửa hoặc không thể hoạt động hết công suất.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng đáng kể. Theo số liệu thống kê chính thức của chính phủ, có tới 60% người dân chịu ảnh hưởng từ đại dịch bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập trong quý 3/2021.

Giai đoạn cuối cùng là từ cuối tháng Chín cho tới nay, khi nền kinh tế bắt đầu ghi nhận một số tín hiệu tích cực. Tháng 11/2021, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ, sự phục hồi đang ở mức rất thấp.

Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ thấp. Cụ thể trong tháng 11, nhu cầu đối với các mặt hàng bán lẻ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Bởi vậy, mặc dù nền kinh tế đang dần hồi phục nhưng tốc độ phục hồi không đồng đều.

Năm 2022: Kiểm soát tốt đại dịch và cải thiện cán cân cung-cầu

Sau một năm 2021 đầy biến động, hướng đến năm 2022, ông Morisset cho rằng mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam về mức 6 - 6,5% như đã được đề ra trong kỳ họp Quốc hội mới đây là hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam đáp ứng được hai điều kiện.

Điều kiện đầu tiên là kiểm soát tốt đại dịch. Mặc dù đây không phải nhiệm vụ dễ dàng bởi các quốc gia trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng bởi virus SARS-CoV-2 và sắp tới có thể sẽ xuất hiện các biến thể mới, nhưng bước đầu tiên là làm tất cả những gì có thể để kiểm soát đại dịch.

Điều kiện thứ hai là cải thiện cán cân cung-cầu. Theo chuyên gia Morisset, Chính phủ Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả việc khôi phục các khu vực sản xuất, xuất khẩu và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Do vậy, có thể nói phía cung đã phát đi những tín hiệu tích cực và vấn đề đang nằm ở phía cầu.

Hai nhân tố giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022  - Ảnh 2.

Ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, hồi đầu tháng 12. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN).

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trong quý III, nhiều người dân đã bị mất việc làm, bị giảm thu nhập và đã cạn sạch tiền tiết kiệm, bởi vậy họ không thể tiêu dùng hay mua sắm hàng hóa. Bên cạnh đó, người dân giờ đây cũng lo lắng hơn về tương lai. Đó là lý do vì sao phía cầu không đạt được mức như cùng kỳ năm ngoái.

Để giải quyết vấn đề này, chuyên gia Morisset cho rằng chính phủ cần triển khai các biện pháp kích cầu. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang xem xét triển khai các biện pháp kích cầu mạnh mẽ hơn, ví dụ như ban hành các gói tài khóa như nhiều quốc gia khác đã thực hiện.

Tin tốt là việc triển khai gói tài khóa này hoàn toàn khả thi vì Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công đã được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, như vậy Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn.

Ngoài ra, với lượng dự trữ tiền mặt ở mức cao, Việt Nam cũng có thể tăng chi ngân sách bằng cách khởi động lại các chương trình đầu tư công như đã triển khai trong năm 2020, đồng thời hỗ trợ cho những người dân bị mất việc làm, giảm thu nhập hay đã cạn sạch tiết kiệm do đại dịch. 

Bên cạnh đó, chính phủ cũng có thể thực hiện giảm thuế và giảm phần đóng góp của người dân để thúc đẩy chi tiêu.

Tuy nhiên, chuyên gia của WB cũng lưu ý rằng chính phủ không nên quá lạm dụng công cụ này mà chỉ sử dụng khi cần thiết để kích thích tăng trưởng và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có từ trước thời kỳ đại dịch.

Những vấn đề cần giải quyết

Nhận định về những rủi ro đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2022, chuyên gia Morisset cho rằng rủi ro lớn nhất là tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể mới, mà mới đây nhất là biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Thứ hai là những rủi ro về nội tại kinh tế. Việt Nam là một nền kinh tế mở, do đó nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tình hình của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Lĩnh vực xuất khẩu đã trở thành đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua và sự trầm lắng của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của Việt Nam.

Một rủi ro khác liên quan đến vấn đề lạm phát. Có thể thấy, nền kinh tế hiện nay đang phải đối mặt với lạm phát nhập khẩu (do giá hàng hóa như giá dầu tăng cao và những ảnh hưởng đối với quá trình lưu chuyển hàng hóa quốc tế), trong khi giá hàng hóa trong nước lại không tăng do cầu vẫn thấp hơn cung.

Tuy nhiên, nếu cầu tăng lên thì tới một lúc nào đó rủi ro lạm phát đối với hàng hoá trong nước sẽ xuất hiện và điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kiểm soát lạm phát một cách thận trọng hơn so với hai năm qua.

Một vấn đề nữa cũng quan trọng không kém là việc làm sao để thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn tới.

Như đa phần các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã áp dụng chính sách tiền tệ. Việt Nam đã sử dụng các công cụ chính sách như giảm lãi suất, giảm chi phí vốn vay và mở rộng tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Đây là một hướng đi đúng đắn cũng giống như nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ này chưa đồng đều vì chỉ nhắm tới các hoạt động kinh doanh có liên quan tới ngân hàng mà ở Việt Nam có ít nhất 50% các hoạt động kinh doanh ngoài ngân hàng.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ cũng có những rủi ro bởi vì có thể tiền sẽ chảy vào túi những doanh nghiệp sẽ phá sản hoặc các doanh nghiệp không thể trả tiền vay ngân hàng, như vậy vấn đề chỉ chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng.

Hai nhân tố giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022  - Ảnh 3.

Tháng 11/2021, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. (Ảnh: TTXVN).

Đó là một rủi ro lớn và bắt đầu có những lo ngại rằng những rủi ro này sẽ ngày càng lớn hơn. Bởi vậy, đại diện WB cho rằng Việt Nam cần thận trọng hơn đối với chính sách tiền tệ đã triển khai trong vòng hai năm qua và có thể là minh bạch hơn về tình hình hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp hoặc của những người vay vốn trong hệ thống tài chính.

Đối với các chính sách tài khoá, trong năm 2020 Việt Nam đã thực hiện bơm tiền vào các hoạt động đầu tư, hỗ trợ tiền cho người dân. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngân sách dự kiến chi 4% GDP để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, song con số giải ngân đến nay mới chỉ đạt 2,8% GDP.

Trong con số 2,8% GDP này, có tới 1,6% GDP được dành cho việc gia hạn thời gian nộp thuế. Đây là một khoản hỗ trợ nhưng không phải một khoản hỗ trợ lớn và vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, nhất là so với nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Malaysia...

Do đó, đại diện của WB lưu ý rằng chính sách tài khóa có thể là một công cụ rất hiệu quả và Việt Nam vẫn còn tiền để triển khai chính sách này.

Các trụ cột tăng trưởng và định hướng tương lai

Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, chuyên gia Morisset chỉ ra ba động lực tăng trưởng mới. Đầu tiên là động lực tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các quốc gia trên thế giới và vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vì 80% doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam đều là doanh nghiệp có vốn FDI.

Lâu nay, với chi phí lao động thấp và truyền thống làm việc chăm chỉ, Việt Nam luôn có một sức hút lớn đối với các nhà đầu tư FDI. Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 cũng đã gián tiếp khiến Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đáng tin cậy của nhiều doanh nghiệp lớn với mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng. 

Bởi vậy có thể nói Việt Nam đang tận dụng tốt xu hướng đa dạng hóa này để tiếp tục nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ kinh tế xanh. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu song Việt Nam cũng có thể tận dụng chính cơ hội này.

Năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã triển khai trợ giá cho năng lượng Mặt Trời và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng Mặt Trời, và khu vực tư nhân Việt Nam cũng phản hồi rất tích cực.

Điều này được thể hiện thông qua việc tổng mức đầu tư của Việt Nam vào năng lượng Mặt Trời trong giai đoạn tháng 1 - 8/2020 cao hơn tổng mức đầu tư của toàn bộ các quốc gia ASEAN hay toàn bộ châu Phi. Điều này cho thấy sự năng động của khu vực tư nhân ở Việt Nam.

Động lực tăng trưởng thứ ba là nhu cầu trong nước. Khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao hơn và có tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, nhu cầu trong nước sẽ được thúc đẩy. Chuyên gia Morisset tin rằng yếu tố này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế.

Cuối cùng, khi được hỏi về trọng tâm hoạt động của WB tại Việt Nam trong năm 2022, chuyên gia Morisset khẳng định WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được những tham vọng đã đề ra, đó là trở thành quốc gia có thu nhập cao, thịnh vượng vào năm 2045.

Theo tính toán của WB, Việt Nam có thể sẽ không đạt mục tiêu đã đặt ra cho năm 2045 nếu không chú trọng đến vấn đề biến đổi hậu. 

Do đó, WB đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc tăng khả năng chịu đựng, giảm ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội.

Hai nhân tố giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022  - Ảnh 4.

Ngân hàng Thế giới kỳ vọng sẽ tập trung hơn vào việc hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế công nghệ cao. (Ảnh: TTXVN).

Ngoài ra, WB kỳ vọng sẽ tập trung hơn vào việc hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế công nghệ cao. Nếu Việt Nam muốn trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 thì đó phải là nền kinh tế có hiệu quả và sáng tạo hơn rất nhiều.

Điều này đồng nghĩa với việc phải tăng cường kỹ năng, công nghệ và sự phổ biến công nghệ. Việt Nam cần tạo ra một môi trường để tất cả các công ty đều tận dụng được lợi thế về công nghệ và kỹ năng. Đó là con đường các quốc gia như Malaysia, Hàn Quốc đã và đang lựa chọn và WB sẽ đồng hành cùng Việt Nam trên con đường đó.

Ngoài ra, trong vài ngày tới, WB và Việt Nam sẽ ký kết khoản hỗ trợ chính sách trị giá 220 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó nội dung quan trọng là phối hợp để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển dịch vụ thanh toán di động (mobile money).

Bên cạnh đó, WB cũng hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong các nội dung về phát triển toàn diện, vấn đề giới, để đảm bảo người dân được tham gia vào nền kinh tế, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 và tận dụng các cơ hội trong tương lai.

Phương Nga