Vượt Mỹ về sức mua từ năm 2017, Trung Quốc vẫn không muốn ra khỏi nhóm nước đang phát triển
Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) thừa nhận vào đầu năm 2017, nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới đã lớn hơn so với Mỹ về sức mua, nhưng họ khẳng định Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển, vì sản lượng bình quân đầu người vẫn chỉ bằng 85% cấp độ toàn cầu.
Sức mua bình quân đầu người của Trung Quốc đã vượt Mỹ
Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo tương đương sức mua mới (PPP) cho năm 2017 trong tuần này. Báo cáo cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dựa trên sức mua bình quân đầu người của Trung Quốc đạt mức 19,617.nghìn tỉ USD trong năm 2017, trong khi GDP của Mỹ là 19.519 nghìn tỷ USD.
Tính GDP bằng sức mua với việc dùng giá của một số hàng hóa và dịch vụ phổ biến thay vì dựa vào USD, cung cấp nền tảng chính xác hơn để so sánh trình độ phát triển kinh tế. Nếu tính bằng USD, GDP của Trung Quốc đạt 12.000 tỉ USD trong năm 2017 và 14.000 tỉ USD trong năm 2019, vẫn thấp hơn so với Mỹ.
NBS khẳng định vị trí số một của Trung Quốc về GDP dựa trên sức mua bình quân đầu người không thay đổi thực tế họ vẫn là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới.
Xu Xianchun, cựu phó tổng cục trưởng của NBS, vừa công bố một bài báo trên trang web của NBS hôm 19/5 để khẳng định nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã đánh giá quá cao sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.
"Nếu Trung Quốc gia nhập nhóm quốc gia phát triển, đa số quôc gia khác cũng sẽ có thể gia nhập. Số liệu đó rõ ràng không phù hợp điều kiện thực tế", ông Xu viết.
Hiệp hội Thống kê Quốc gia Trung Quốc, một tổ chức trực thuộc NBS, cung cấp dữ liệu cho Ngân hàng Thế giới, thể hiện mức độ tán thành chính thức của chính phủ.
Quan điểm của Tổng thống Mỹ và giới học giả Trung Quốc
Việc Trung Quốc khẳng định họ vẫn là quốc gia đang phát triển đã thu hút sự chú ý tăng dần trong vài năm qua, đặc biệt từ Tổng thống Donald Trump. Hồi tháng 4, ông Trump phàn nàn rằng Trung Quốc đã tận dụng Mỹ và nhiều nước khác bằng vị thế "quốc gia đang phát triển".
Tuần trước, ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng vị thế quốc gia đang phát triển cho phép Trung Quốc đóng góp ít tiền hơn cho Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức đa phương khác. Ngoài ra, những nước đang phát triển hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt theo qui tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, chẳng hạn như có nhiều thời gian hơn để thực thi các thỏa thuận và cam kết thương mại.
Nền kinh tế Trung Quốc, nếu tính bằng tỉ giá hối đoái USD-nhân dân tệ, bằng khoảng 2/3 qui mô nền kinh tế Mỹ vào năm ngoái.
Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1,2% năm nay, giảm mạnh so với mức 6,1% năm ngoái, do đại dịch viêm phổi cấp COVID-19. Song IMF lại dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng thấp hơn, với mức giảm 5,9%.
Giới chức Trung Quốc luôn nỗ lực tránh những so sánh kiểu như vậy trước công chúng, dù họ theo đuổi chiến thuật khơi gợi tinh thần yêu nước bằng những thành tựu kinh tế trong vài thập kỉ.
Ví dụ, khi giáo sư Hu Angang của Đại học Thanh Hoa kết luận năm 2017 rằng nền kinh tế Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành số một thế giới, ông hứng chịu vô số lời chỉ trích ở cả trong nước lẫn quốc tế. Thậm chí một số người còn cáo buộc ông gây nên cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Chen Fengying, một nhà nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nhận định rằng công nghệ và tiền tệ - hai lĩnh vực mà Mỹ vẫn chiếm ưu thế - nên là một phần của các chỉ số cốt lõi để đánh giá sức mạnh quốc gia.
"Khi nào nhân dân tệ trở thành tiền tệ quốc tế sau đại dịch COVID-19? Trung Quốc có gì trong mảng công nghệ, trừ Huawei? Chúng ta không thể mặc nhiên nghĩ rằng chúng ta sẽ vượt Mỹ", Chen lập luận.