|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vượt 'cơn gió ngược', Việt Nam chờ đón những cơ hội mới

08:15 | 06/10/2023
Chia sẻ
4 điểm sáng của nền kinh tế bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, giải ngân đầu tư công vượt mức và thành tựu về đối ngoại.

Dây chuyền sản xuất NPK Phú Mỹ ổn định sản xuất. Ảnh: PVFCCo

"Trong thuận lợi bao giờ cũng đều có những khó khăn, ngược lại, trong lúc rất khó khăn, chúng ta vẫn có thể tìm ra cơ hội", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nhấn mạnh tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam vượt những "cơn gió ngược", tổ chức chiều 5/10, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, kết quả nổi bật trong 9 tháng vừa qua là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%, kết quả khá cao so với các nước. Cụ thể, 4 điểm sáng của nền kinh tế bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, giải ngân đầu tư công vượt mức và thành tựu về đối ngoại. Đây là những nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

Cùng quan điểm, song đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh thêm một số "điểm sáng" sau những con số không dễ nhìn ra; trong đó, phải tính đến nỗ lực và nguồn lực của Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp cũng như người dân đã bỏ ra. Điển hình như Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cả bằng thể chế và bằng tiền, như: giảm thuế, miễn thuế, gia hạn các nghĩa vụ tài chính… với khoảng 150 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, là sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và các địa phương cùng chung tay để giảm bớt khó khăn, vượt qua thách thức. "Qua tiếp xúc, tôi thấy cộng đồng doanh nghiệp rất ý thức trong nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức mà không ỷ lại vào Chính phủ", ông Hiếu cho hay.

Cùng với đó là sự quyết liệt, quyết tâm, hành động rất mạnh mẽ của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, khi đã đưa các giải pháp giải quyết khó khăn và quyết định các chính sách.

Đơn cử như nỗ lực của Chính phủ trong việc hạ lãi suất mang lại kết quả rất lớn. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 644 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đưa ra những giải pháp rất mạnh mẽ để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính, Chính phủ còn chỉ đạo cắt giảm cả chi phí tuân thủ pháp luật, thậm chí Chính phủ chỉ đạo không ban hành các quy định trong thời gian khó khăn nếu quy định đó tạo ra những khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp.

"Trong khoảng tháng 7-8/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất mạnh mẽ về sự chuyển hướng điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt, phù hợp. Đây là những hành động rất quyết liệt, rất mạnh mẽ và quyết đoán của Chính phủ", ông Hiếu nhận định.

Đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công... Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ. Cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng và kịp thời.

Tuy nhiên, trong bối cảnh với rất nhiều thách thức hiện nay, TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore cho rằng, "niềm tin đang tăng lên mạnh mẽ" và đang có một "tâm thế mới" sẵn sàng cho tương lai.

Theo ông Khương, việc đổi mới mô hình kinh tế cũng không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, nên đòi hỏi vai trò của Chính phủ thời gian tới rất lớn. "Tôi đã trải qua thời kỳ đổi mới lần thứ nhất và trong lần đổi mới lần thứ hai này, dù đang có vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng rõ ràng chân trời mới đang mở ra", ông Khương nhận định.

Mặc dù vậy, ông Khương cũng cho rằng, những khó khăn thách thức hiện vẫn đang tiếp diễn, kinh tế vĩ mô toàn cầu chưa có sự ổn định, lạm phát giá cả toàn cầu, các chính sách tài khoá tiền tệ rất khó đoán định, phải theo dõi chặt chẽ để điều hành linh hoạt.

Theo ông Khương, hiện doanh nghiệp đang phải đối diện với những vấn đề lớn, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi ứng dụng trong sản xuất kinh doanh, như tiêu chí xanh trong sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó là mô hình doanh nghiệp, theo ông Khương, việc mở rộng mô hình truyền thống không còn phù hợp, mà phải nghĩ đến những cái mới, mô hình mới.

"Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ vừa qua đem lại nhiều động lực, ngành nghề mới, như sản xuất chip bán dẫn, đây cơ hội rất lớn cho chúng ta", ông Khương nhìn nhận.

Còn ông Shantanu Chakraborty nhận định, điều kiện bên ngoài khó khăn hơn, nhu cầu đối với hàng công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa giảm, giá hàng hóa cao và điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt. Tất cả những điều này đang tạo ra những "cơn gió ngược", là các nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn.

Theo dự báo gần đây của ADB công bố vào tháng 9/2023 cho thấy, Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023, giảm so với năm ngoái nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận. Năm nay, kể cả GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Ông Shantanu Chakraborty cho rằng, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra là tăng trưởng đạt 6% hoàn toàn có thể đạt được.

Thi công công trình cầu sông Hồng nối liền hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định) thuộc Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình. Ảnh: TTXVN phát

 

"Đầu tư, chi tiêu công có tốc độ tích cực, là yếu tố rất đáng ghi nhận. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thể hiện vai trò hiệu quả trong kiểm soát lạm phát. Nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ", ông Shantanu Chakrabort cho hay.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cũng khuyến nghị, Việt Nam có nhiều điểm có thể được cải thiện hơn nữa, đơn cử như đầu tư công còn nhiều dư địa. Việc thực thi chính sách tài khóa tuy đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân, khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế.

Ông Shantanu Chakrabort cho rằng, những 'lỗ hổng", thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế… Vì vậy, Việt Nam cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu; đồng thời, cần cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế như nhân.

Về các kịch bản tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng, bất cứ kịch bản nào muốn đạt được cũng đòi hỏi phải có sự cố gắng nỗ lực rất lớn; trong đó, phải thúc đẩy thị trường tiêu dùng trong nước, tạo điều kiện để người dân có thêm thu nhập, đồng thời, tăng tốc giải ngân đầu tư công, điều hành chính sách tài khoá tiền tệ, linh hoạt và tái cơ cấu lại thị trường lao động…

Thuý Hiền