Chuyên gia ADB: Năm nay, Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt nhất Đông Nam Á
Bàn về những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam và dự báo tăng trưởng năm nay tại Tọa đàm Kinh tế việt Nam vượt những "cơn gió ngược" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 5/10, các chuyên gia cho rằng mặc dù có nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong khu vực và trên thế giới.
Theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nước ta vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023. Tuy con số này giảm so với năm ngoái nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận.
Theo ông, kể cả GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra là 6% hoàn toàn có thể đạt được.
Chỉ ra nhứng "cơn gió ngược" với kinh tế Việt Nam,Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng, các điều kiện bên ngoài khó khăn hơn, nhu cầu đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam giảm lạm phát và các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt là những nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn.
Về yếu tố tích cực, Việt Nam có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn nhiều so với các năm trước, là yếu tố rất đáng ghi nhận. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện vai trò hiệu quả trong kiểm soát lạm phát. Nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, rõ ràng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nhiều điểm có thể được cải thiện hơn nữa như đầu tư công còn nhiều dư địa. Việc thực thi chính sách tài khóa tuy đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế.
Việt Nam cũng rất thành công trong chiến lược phát triển kinh tế những năm gần đây nhưng có thể chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân, khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế.
"Cần cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế như nhân để lấp những 'lỗ hổng", thiếu hụt về hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu", chuyên gia ADB khuyến nghị.
Cần thay đổi tư duy điều hành theo hướng cũ
TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore thì cho rằng, trong bối cảnh vĩ mô có nhiều rủi ro, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn rất vững vàng trong điều hành tỷ giá, lãi suất. Đây là điều rất đáng mừng.
Theo ông, thách lớn nhất ở giai đoạn này là sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu dẫn đến nhu cầu thế giới suy giảm. Đồng thời, mô hình mở rộng sản xuất theo theo hướng cũ như gia công dệt may, da giày có giá trị gia tăng thấp đã không còn hiệu quả, phải làm sao để nâng cấp lên hướng tới những sản phẩm có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao.
Một vấn đề nữa cần cải thiện theo ông Khương là việc đơn giản hoá những trình tự, thủ tục để khuyến khích các dự án đầu tư PPP vào hạ tầng. Ông cho rằng cần đặt ra ba câu hỏi dự án có mức đầu tư có thấp hơn mức trung bình thế giới hay không? Tiến độ có nhanh hơn hay không? Chất lượng có bằng hay tốt hơn hay không?
"Nếu được Chính phủ tạo điều kiện để các dự án đáp ứng được ba điều này thì sẽ tạo ra một cái "rổ" để các dự án PPP làm rất nhanh. Từ 3 tiêu chí này cùng với những luật mới mà Quốc hội sắp ban hành, chắc chắn sẽ có biến đổi thần kỳ trong thời gian tới, nhất là về hạ tầng cơ sở", ông nói.
Theo ông có ba yếu tố quan trọng để nền kinh tế thực sự phát triển.Một là có lòng tin, ý chí. Hai là đi đúng hướng và ba là nỗ lực để nâng cấp năng lực, trình độ của mình.
"Tôi khẳng định Việt Nam đã có những doanh nghiệp tiếp cận dần trình độ trung bình của thế giới, sẽ cất cánh trong thời gian tới và họ có khát vọng như thế. Chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển", ông nói.