Vùng Tây Bắc kì vọng đổi đời nhờ 'vàng trắng' sau 10 năm trắng tay
Kì vọng nhiều vào mô hình góp đất trồng cao su
Trong một buổi tọa đàm về mô hình phát triển mô hình góp đất trồng cao su tại Tây Bắc, TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho hay việc phát triển cao su tại vùng Tây Bắc là chủ trương lớn của Chính phủ đồng thời đây cũng được coi là cây đa mục đích.
Ảnh minh họa
Theo Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, tính đến nay Tây Bắc có trên 30.000 ha, chủ yếu từ nguồn đất canh tác của các hộ đồng bào dân tộc, đã được góp cùng với các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su để phát triển các diện tích cao su ở vùng Tây Bắc bắt đầu kể từ năm 2007 - 2008. Năm 2008 cũng là lúc giá cao su ở thị trường thế giới đạt đỉnh điểm.
Với bình quân mỗi hộ góp 1 ha, tổng số hộ tham gia trồng cùng doanh nghiệp thuộc nhà nước là trên dưới 30.000 hộ, bao gồm nhiều hộ nghèo, tương đương với 120.000 – 150.000 khẩu. Tác động của mô hình này tới sinh kế của các hộ tại vùng Tây Bắc là rất lớn.
Đây cũng là lần đầu tiên, mô hình người dân góp đất trồng cây nghiệp lâu năm (20 - 30 năm) được hình thành.
Việc phát triển cao su tại Tây Bắc thông qua mô hình người dân góp đất dựa trên nhiều kỳ vọng. Liên kết giữa hộ, những người có đất sản xuất và lao động, tuy nhiên thiếu trình độ khoa học kỹ thuật và tiếp cận thị trường và công ty với các lợi thế về nguồn lực tài chính, tiếp cận thị trường, công nghệ và trình độ quản lý được cho là tối ưu.
Theo quan điểm này, phát triển cao su được kì vọng góp phần giảm đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng, cùng với đó đem lại thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp cũng có lợi. Theo dự kiến, các lợi ích này sẽ trở thành hiện thực sau 7-8 năm kể từ khi trồng, khi cây cao su bắt đầu cho thu mủ.
Càng kỳ vọng càng thất vọng, người dân trắng tay
Kì vọng là vậy nhưng thực tế theo khảo sát tại 6 cộng đồng tại Sơn La của nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trend trong tháng 2 và 3/2019 cho thấy mô hình góp đất trồng cao su đã thay đổi quỹ đất canh tác hàng năm của hộ rất lớn.
Cụ thể, trong 399 hộ phản hồi khảo sát, có 15% số hộ góp trên 80% diện tích đất canh tác của mình vào mô hình, 17% số hộ góp 60-80% diện tích đất canh tác, 44% góp 40 - 60% diện tích. Mặc dù hầu hết hộ vẫn còn những diện tích đất canh tác, quỹ đất còn lại, bao gồm cả đất lúa nước còn quá nhỏ để các hộ có thể phát triển bền vững.
Kết quả khảo sát nhanh cũng cho thấy các lợi ích kinh tế từ mô hình, đặc biệt trong việc tạo nguồn thu của các hộ góp đất, vẫn còn xa so với kỳ vọng. Lợi ích mà hộ thu được thực tế từ cao su đến nay thấp hơn nhiều so với lợi ích mà hộ thu được từ các loại cây hàng năm như lúa, ngô, sắn mà hộ trồng trên cùng các diện tích trước khi góp với công ty để trồng cao su.
Cụ thể, kết quả của khảo sát cho thấy đến nay bình quân mỗi hộ tham gia mô hình nhận được trên dưới 500.000 đồng/tháng, tương đương dưới 2 - 3% thu nhập từ các loại cây trồng như ngô và sắn với diện tích tương đương. Thậm chí có trưởng hợp chỉ 50.000 - 100.000 đồng/tháng. Nhiều hộ đã xin nghỉ vì thu nhập quá thấp.
Số lượng người đăng kí làm công nhân cao su nhiều nơi tại Tây Bắc giảm mạnh. Nguồn: Forest Trend
"Trong tương lai, năng suất từ cao su tăng, thu nhập của hộ có thể tăng, tuy nhiên, khoảng cách giữa thu nhập từ cao su so với thu nhập từ các loại cây trồng khác vẫn còn rất lớn.
Bên cạnh đó, với thực trạng cung mủ cao su tại thị trường thế giới vẫn lớn hơn cầu, kỳ vọng lợi ích của hộ thu được từ cao su có thể cao hơn nhiều so với lợi ích của các cây trồng khác có vẻ rất khó có thể đạt được", Tổ chức Forest Trend cho biết.
Khoảng 75% số hộ tham gia khảo sát cho rằng thu nhập của hộ giảm so với trước khi tham gia góp đất trồng cao su.
Cụ thể, 9% số hộ cho rằng thu nhập của mình giảm trên 80%, 38% số hộ cho rằng thu nhập giảm 40-80%. Nguồn thu từ đất đai giảm là kết quả của việc góp đất dẫn đến hộ phải thay đổi các hoạt động sinh kế.
Trước khi góp đất, 57% số hộ trong tổng số 425 hộ phản hồi khảo sát cho biết nguồn thu từ cây hàng năm trồng trên các diện tích đất, sau đó dành cho cao su là nguồn thu quan trọng nhất. Sau góp đất, nguồn thu từ làm thuê bên ngoài đã trở thành quan trọng nhất. Các tác động xã hội của việc thay đổi cấu trúc các hoạt động sinh kế cần được đánh giá một cách chi tiết.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Lò Văn Hùng, bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện mai Sơn (Sơn La), cho hay gia đình ông góp đất trồng cây cao su đến nay đã được 11 năm mà chưa được hưởng bất kỳ lợi gì từ cây cao su. Cây cao su không chịu được đất ở Sơn La, sương muối xuống là cây chết. Hiện tại, người dân chỉ mong muốn công ty trả lại đất cho dân để canh tác cây khác.
Ông Lù Văn Hải, Trưởng bản Ta Mo, Mường Bú, Mường La (Sơn La) cho biết thêm hiện nay, một số diện tích trồng cây cao su không lên, công ty không trồng bù đắp thêm. Bên cạnh đó, vấn đề chia cổ tức thế nào, tính ra sao, bà con cũng chưa được biết.
Sử dụng 1 ha đất nương rẫy đối với một số cây trồng chính tại các điểm khảo sát. Nguồn: Forest Trend
Công ty từng có công văn thông báo sẽ có cuộc hội nghị họp bàn với bà con phương thức chia cổ tức song đến nay vẫn biệt tăm.
Mô hình người dân góp đất với công ty để phát triển cây hàng hóa nhằm phục vụ xuất khẩu luôn có các cơ hội và rủi ro đan xen. Bức tranh ảm đảm về cầu cao su trên thế giới cho thấy các rủi ro hiện hữu của mô hình, đặc biệt đối với các hộ dân nghèo góp đất.
Yêu cầu đánh giá lại mô hình góp đất trồng cao su
Kết quả của khảo sát nhanh chỉ là những thông tin rất ban đầu về mô hình. Ngày 18/4 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cần đánh tổng thể hiệu quả của toàn bộ mô hình người dân góp đất trồng cao su tại Tây Bắc.
Đánh giá cần được thực hiện một cách minh bạch, công khai trong thời gian sớm nhất, với sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện cộng đồng và các công ty.
Kết quả của đánh giá này trên các phương diện về xã hội, môi trường và kinh tế làm nền tảng để có những bước tiếp theo, với mục tiêu giảm thiểu các khó khó khăn về sinh kế cho các cộng đồng góp đất.
Đại diện Tập đoàn cao su Việt Nam cho biết các vấn đề thu nhập, quản đất đai, tiền lương chia cổ tức, tập đoàn sẽ tiếp thu và tìm hướng giải quyết trong thời gian tới. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo tăng cường chất lượng nguồn cây để đảm bảo sản xuất hiệu quả.