|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ Seven.AM bị tố cắt mác: Không thấy giấy tờ việc nhập hàng Trung Quốc?

20:45 | 18/11/2019
Chia sẻ
Theo một lãnh đạo Cục quản lý thị trường Hà Nội, từ số hoá đơn giấy tờ bên Công ty MHA - chủ nhãn hiệu Seven.AM cung cấp thì chưa thấy có hàng hoá nào được nhập từ Trung Quốc.
Vụ Seven.AM bị tố cắt mác: Không thấy giấy tờ việc nhập hàng Trung Quốc? - Ảnh 1.

Chuỗi cửa hàng Seven.AM đóng cửa hàng loạt ở Hà Nội sau nghi án cắt mác.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 11/11, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã quyết định tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm của thương hiệu Seven.AM để làm rõ trước phản ánh cắt mác Trung Quốc gắn “made in Vietnam”.

Tại thời điểm kiểm tra 5 cửa hàng của thương hiệu này, Quản lý thị trường Hà Nội cho biết công ty chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Theo thông tin Dân trí nắm được, ngay trong chiều nay (18/11) - hạn cuối cùng doanh nghiệp phải xuất trình đẩy đủ hoá đơn có liên quan -  Đội Quản lý thị trường số 14 – Cục quản lý thị trường Hà Nội đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần MHA - chủ nhãn hiệu thời trang Seven.AM.

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Quản lý thị trường Hà Nội cho biết Seven.AM không có xưởng may mặc riêng, tuy nhiên doanh nghiệp này có hợp đồng với Công ty TNHH Thời trang Quốc tế Bảo Anh tại địa chỉ 135 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội.

Chủ doanh nghiệp cho biết toàn bộ sản phẩm được Seven.AM thiết kế và chuyển sang Công ty Bảo Anh sản xuất và chuyển về.

“Tại buổi làm việc hôm nay, họ xuất trình hợp đồng, rất nhiều hoá đơn nhập hàng hoá từ bên Bảo Anh. Tiếp theo chúng tôi sẽ làm tiếp việc đối chiếu, so sánh với số hàng hoá đã tạm thu giữ nhằm xác minh cho rõ”, vị này thông tin.

Đáng lưu ý theo vị này, từ số hoá đơn giấy tờ bên Công ty MHA cung cấp thì chưa thấy có hàng hoá nào được nhập từ Trung Quốc.

Vị này cũng nhấn mạnh, đây là những thông tin bước đầu qua quá trình làm việc với doanh nghiệp, sau khi có kết quả chính thức sẽ thông tin cụ thể tới báo chí.

Trước đó, một số cơ quan báo chí đã thông tin về khách hàng của Seven.AM tố một số sản phẩm tại chuỗi cửa hàng Seven.AM bị cho là cắt nhãn mác Trung Quốc để gắn nhãn mác của thương hiệu này.

Đáng chú ý, chuỗi cửa hàng Seven.AM gắn liền với một tên tuổi diễn viên Nguyễn Vũ Hải Anh, ông này sau đó cho biết có nhập hàng từ Trung Quốc và đều có hoá đơn, chứng từ.

Ông này thừa nhận với báo giới là: Cắt mác ở cổ áo vì khách hàng kêu ngứa, còn những chỗ khác như mác trên sườn áo nhãn mác vẫn còn. Các sản phẩm nào là hàng Trung Quốc đều được nói rõ với khách hàng, còn sản phẩm nào là hàng Việt Nam đều do Seven.AM thiết kế, sản xuất.

Tuy nhiên sau đó, cũng chính ông Nguyễn Vũ Hải Anh trả lời trên báo chí khẳng định việc đã rút khỏi Công ty Cổ phần MHA (đơn vị sở hữu thương hiệu thời trang Seven.AM) từ lâu nên không thể là đại diện phát ngôn cho công ty được.

Trao đổi với Dân trí, phía cơ quan quản lý thị trường Hà Nội cũng cho biết thời gian qua làm việc với người đại diện theo pháp luật là ông Đặng Quốc Anh, không biết ông Nguyễn Vũ Hải Anh là ai.

Được biết, thương hiệu thời trang Seven.AM ra mắt vào năm 2009, đến nay phát triển tới 24 cửa hàng tại 18 tỉnh thành phố lớn trên cả nước. Thương hiệu này từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như Top 20 doanh nghiệp Toàn quốc có sản phẩm và dịch vụ được tin dùng; Bằng khen vinh danh thương hiệu cấp nhà nước - Top 15 Doanh nghiệp Hội Nhập và Phát triển toàn quốc.

Nguyễn Mạnh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.