|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vụ 'cổ phiếu ma' MTM: Ai được 'tặng, cho' cổ phần?

16:05 | 07/05/2018
Chia sẻ
Một nhân viên Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã được nhận 100.000 cổ phần từ Phùng Đình Công, nguyên Trưởng Ban kiểm soát MTM - người đang bị truy nã.
vu co phieu ma mtm ai duoc tang cho co phan Chuyển hồ sơ vụ thao túng giá cổ phiếu MTM, lừa đảo chiếm đoạt tiền NĐT sang Viện Kiểm sát
vu co phieu ma mtm ai duoc tang cho co phan MTM: Cán bộ Ngân hàng liên quan đến khoản tiền 120 tỷ phải thu đã bị bắt
vu co phieu ma mtm ai duoc tang cho co phan

Đầu tư Chứng khoán đã có loạt bài phản ánh thủ đoạn của một nhóm bị can trong việc đưa cổ phiếu CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM) lên giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung (sàn UPCoM), cũng như hành vi thao túng giá chứng khoán tiếp sau đó.

Thực chất, Công ty MTM không có vốn thực góp, không có hoạt động kinh doanh, nhưng đã được làm giả các hồ sơ thể hiện vốn điều lệ 310 tỷ đồng và đưa lên giao dịch trên UPCoM.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT cũng phát hiện một số hành vi sai phạm khác của một số cá nhân. Trong đó, có 2 cá nhân đã từng được “nhận” cổ phần MTM.

Đó là trường hợp anh Mai Huy Đỉnh, khi đó là nhân viên Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã được Phùng Thành Công nhờ giới thiệu người mua cổ phiếu MTM và tư vấn trình tự thủ tục đăng ký giao dịch UPCoM.

Anh Mai Huy Đỉnh đã giới thiệu người mua 100.000 cổ phiếu MTM cho Phùng Thành Công. Đổi lại, Phùng Thành Công hứa cho anh này 100.000 cổ phiếu MTM.

Số cổ phần này, Phùng Thành Công không trực tiếp chuyển cho Mai Huy Đỉnh. Thực tế, anh Mai Huy Đỉnh đã đưa tài khoản chứng khoán của Nguyễn Hương Giang để Phùng Thành Công nộp tiền vào tài khoản này, mua 100.000 cổ phần MTM.

Tiếp đó, Mai Huy Đỉnh nhờ Phùng Thành Công bán số cổ phần này. Bán xong, Phùng Thành Công đưa 700 triệu đồng cho Mai Huy Đỉnh.

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Như Phương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính Quốc tế IFC đã giới thiệu cho Ngô Văn Hiến thuê IFC – chi nhánh Thanh Hóa để kiểm toán BCTC năm 2014 và BCTC soát xét từ 1/1/2015 đến 10/4/2015.

Vì việc này, chị Nguyễn Như Phương được cho 50.000 cổ phiếu. Khi cổ phiếu MTM đăng ký giao dịch trên UPCoM, Nguyễn Như Phương đã bán cổ phiếu, thu được 342 triệu đồng (mức giá khoảng 6.800 đồng/cổ phiếu).

Cơ quan ANĐT xác định, khi giới thiệu chị Nguyễn Như Phương không biết thực trạng Công ty MTM, nên không có đủ căn cứ xác định có sai phạm.

Tuy nhiên, chị Nguyễn Như Phương vẫn chưa nộp lại số tiền hơn 340 triệu đồng nói trên dù đã được Cơ quan ANĐT yêu cầu.

Ngoài ra, một số cá nhân khác đã được Trần Hữu Tiệp, nguyên Chủ tịch HĐQT MTM bán cổ phiếu với giá thỏa thuận. Chẳng hạn, Trần Hữu Tiệp bán cho nhà đầu tư Bùi Quang Toàn 16.000 cổ phiếu với tổng số tiền 80 triệu đồng. Tuy nhiên, do cổ phiếu không lưu ký được, ông Toàn đã đòi lại tiền nhưng mới được trả lại 15 triệu đồng. Trần Hữu Tiệp còn bán 150.000 cổ phiếu MTM với tổng số tiền 300 triệu đồng cho nhà đầu tư Nguyễn Sỹ Thanh.

Được biết, trong vụ án này, còn nhiều cá nhân liên quan, nhưng Cơ quan ANĐT xác định sai phạm có mức độ, hoặc không thông đồng với các bị can, không biết thực trạng Công ty MTM…, nên không đề cập xử lý hình sự.

5 người bị truy tố "giả mạo trong công tác"

Vụ cổ phiếu MTM là một “dấu ấn” khó phai trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định, Công ty MTM hoàn toàn không có hoạt động kinh doanh thực, vốn thực góp không có. Các bị can đã mua đi, bán lại hồ sơ pháp lý công ty rồi làm giả danh sách cổ đông, chứng từ góp vốn, chứng từ mua bán hàng hóa, chuyển tiền ngân hàng tăng doanh thu, tạo lãi ảo rồi đưa cổ phiếu lên niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung. Quá trình làm giả hồ sơ chứng từ, có sự tiếp tay của các cán bộ ngân hàng.

Tiếp theo đó, các bị can còn thực hiện hành vi thao túng giá chứng khoán, sử dụng 59 tài khoản tại 3 công ty chứng khoán.

Vụ việc bị phát hiện khi Tổng cục Thuế công bố danh sách các công ty đã ngừng hoạt động nhưng chưa đóng mã số thuế. Trong danh sách này có tên Công ty MTM.

Sau đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đơn vị vận hành sàn UpCom đã ra thông báo ngừng giao dịch cổ phiếu MTM vào tháng 6/2016, chưa đầy 2 tháng sau khi cổ phiếu này được phép giao dịch.

Hoảng hốt trước thông tin này, các cổ đông của MTM đã tìm đến trụ sở Công ty thì phát hiện, trụ sở Công ty ở Nghệ An là một quán ăn, hình ảnh trên website của công ty được lấy từ một doanh nghiệp khác cùng ngành…

Cho đến ngày cổ phiếu MTM ngừng giao dịch, có hơn 1.000 nhà đầu tư còn “mắc kẹt”. Tổng thiệt hại của các nhà đầu tư được xác định là hơn 56 tỷ đồng.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã đề nghị truy tố 14 bị can gồm: 2 bị can bị đề nghị truy tố về tội “thao túng chứng khoán” là Bùi Thiện Lý (trú ở phường Mĩ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Đỗ Hữu Tài (trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội).

Có 3 bị can bị đề nghị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm Trần Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty MTM; Vũ Thị Hoa, nguyên Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Habico và Nguyễn Lê Trường, nguyên Giám đốc Công ty MTM.

5 bị can bị đề nghị truy tố về tội “làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” là Nguyễn Văn Dĩnh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Habico; Nguyễn Thị Hiên, trú ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội; Ngô Văn Hiến, trú ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội; Lê Thị Hằng Nga, nguyên Giám đốc TPBank Tây Hà Nội và Trần Thị Mai Lan, nguyên Giám đốc Dịch vụ khách hàng TPBank Tây Hà Nội.

5 đối tượng về tội “giả mạo trong công tác” gồm Lê Đắc Hà và Hồ Xuân Lý, nguyên là Giám đốc và Phó giám đốc Phòng giao dịch Đại Kim BIDV Nam Hà Nội; Đặng Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Hiền và Vũ Thế Vinh đều là nhân viên tại BIDV Nam Hà Nội.

Bùi Trang – Đỗ Mến