|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vụ án Công ty Chứng khoán Tràng An kéo dài do đâu?

20:43 | 05/12/2018
Chia sẻ
Vụ án xảy ra tại CTCK Tràng An (TAS) đã được khởi tố điều tra, xét xử trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có phán quyết có hiệu lực pháp luật. Bên cạnh thủ tục tố tụng, một trong những nguyên nhân dẫn đến kéo dài là chưa có sự thống nhất quan điểm giải quyết vụ án.
vu an cong ty chung khoan trang an keo dai do dau Giám định thiệt hại của Vinasun dựa trên báo cáo của ba công ty chứng khoán
vu an cong ty chung khoan trang an keo dai do dau

Vụ án được khởi tố để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với đơn tố cáo của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội Habubank (nay là SHB). Năm 2014, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội ban hành bản cáo trạng truy tố bị can Lê Hồ Khôi, cựu Tổng giám đốc TAS và các đồng phạm khác với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về hành vi, cơ quan điều tra xác định Lê Hồ Khôi đại diện CTCP Tràng An ký các hợp đồng thanh toán tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh với Công ty tài chính Điện lực (EVN - Finance), ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Habubank, hợp đồng hợp tác đầu tư với BIDV.

Theo đó, các nhà đầu tư chứng khoán mở tài khoản giao dịch tại TAS được cung cấp các dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán hoặc nhận ủy thác vốn đầu tư của ngân hàng bằng cách cầm cố chứng khoán niêm yết. TAS là đầu mối trung gian, giới thiệu các nhà đầu tư và chịu trách nhiệm tập hợp, kiểm tra, rà soát hồ sơ, ký xác nhận hồ sơ của khách hàng trước khi chuyển cho các công ty tài chính, ngân hàng.

Quá trình thực hiện, bị can Lê Hồ Khôi đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các hồ sơ, ký giả các hợp đồng mở tài khoản, các giấy đề nghị, các hợp đồng... để chuyển sang ngân hàng. Sau đó, ngân hàng đã giải ngân tiền vay vào tài khoản của TAS. Số tiền này, Lê Hồ Khôi chỉ đạo sử dụng để trả nợ và phục vụ cho hoạt động kinh doanh của TAS.

Theo đó, EVN - Finance đã cung cấp khoản tài chính 104 tỷ đồng cho 11 khách hàng của TAS. Với Habubank, số tiền được giải ngân là 56 tỷ đồng và BIDV là 45 tỷ đồng.

Kết quả điều tra xác định, do thiếu vốn hoạt động kinh doanh, bị can Lê Hồ Khôi đã bàn bạc với cấp dưới lập khống hồ sơ để vay tiền của một số tổ chức tín dụng và trả các khoản nợ vay đã vay dưới nhiều hình thức khác nhau. Với số tiền chiếm đoạt lên tới 205,5 tỷ đồng, Cơ quan công tố truy tố các bị cáo với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù giam hoặc chung thân.

Sau nhiều phiên tòa, qua quá trình điều tra lại, cơ quan công tố thay đổi quan điểm, chuyển tội danh. Năm 2016, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội ban hành bản cáo trạng mới, truy tố các bị cáo tội Sử dụng trái phép tài sản, khung hình phạt từ 3 - 7 năm tù giam, xác định số tiền còn phải khắc phục là 51 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình xét xử, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ nhiều vấn đề trong vụ án. Tháng 7/2018, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội ban hành bản cáo trạng thứ 3, chuyển tội danh, truy tố các bị cáo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xác định các bị cáo chiếm đoạt 47,5 tỷ đồng của 2 ngân hàng là Habubank và BIDV.

Cùng với việc vụ án kéo dài là quyền lợi của rất nhiều nhà đầu tư bị “treo”. Có 19 tài khoản chứng khoán được sử dụng để đưa vào hồ sơ vay vốn ở Habubank. Từ khi vụ việc xảy ra đến nay, số tài khoản này vẫn bị Trung tâm Lưu ký chứng khoán phong tỏa.

Trong các bản cáo trạng, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đều nêu quan điểm giải quyết: Yêu cầu SHB có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số lượng mã chứng khoán đang cầm cố từ hành vi trái pháp luật của các bị can. Tuy nhiên, còn phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật thì các nhà đầu tư mới có thể lấy lại tài khoản.

Thực tế, một số vụ án kinh tế khác cũng có sự thay đổi về tội danh. Chẳng hạn trường hợp ông Hoàng Xuân Quyến, nguyên Tổng giám đốc CTCK Liên Việt (LVS). Ông Quyến bị truy tố tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, Tòa án đã chuyển tội danh, tuyên bố ông Quyến phạm tội Sử dụng trái phép tài sản, mức án 32 tháng tù giam.

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh), trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều khi xảy ra tình trạng công ty sử dụng trái phép tài khoản của khách hàng, có thể là cầm cố, mua bán chứng khoán trên tài khoản của khách hàng.

Nhưng giữa hai tội Sử dụng trái phép tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có những ranh giới không rõ ràng. Điểm mấu chốt là hành vi sử dụng trái phép tài sản không có ý định chiếm đoạt, chỉ sử dụng trái phép nhằm vụ lợi. Hành vi lừa đảo đi kèm với hành vi chiếm đoạt.

Trong những trường hợp cơ quan tố tụng chuyển đổi tội danh thường là vì quá trình điều tra không xác định được yếu tố chiếm đoạt như trường hợp các vụ án nói trên.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án thường bị kéo dài do quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng không thống nhất. Chính vì vậy, luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn hoặc ban hành án lệ trong lĩnh vực chứng khoán, thúc đẩy thời gian giải quyết vụ án, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Xem thêm

Bùi Trang