|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VPBank và kế hoạch 2023 đầy tham vọng và thách thức

13:30 | 14/04/2023
Chia sẻ
Theo chuyên gia của VDSC, mặc dù có sự gia nhập của SMBC, kế hoạch năm 2023 của VPBank là một thách thức trong bối cảnh kinh tế hiện tại khi mà nhu cầu tín dụng thấp và chi phí tín dụng có thể gia tăng.

Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông công bố gần đây, trong năm 2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 13% so với năm trước.

Theo ước tính của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mức tăng trưởng này tương được với việc tăng 53% đối với các nguồn thu nhập chính (không bao gồm phí trả trước hoạt động bảo hiểm trong năm 2022).

Việc đạt thoả thuận với với SMBC về thương vụ phát hành riêng lẻ 15%, tương đương quy mô 35.900 tỷ đồng là một trong những động lực tăng trưởng của ngân hàng trong năm 2023. Theo dự kiến của VPBank, thương vụ dự kiến sẽ được thực hiện trong quý II hoặc quý III/2023.

 

Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ lớn nhất hệ thống.

Sau thương vụ, CAR của VPBank dự kiến sẽ tăng hơn 3 điểm % đạt 19%. Bộ đệm vốn cấp 1 dày sẽ là bệ phóng giúp ngân hàng duy trì tăng trưởng trong dài hạn.

"Mặc dù có sự gia nhập của SMBC, chúng tôi cho rằng kế hoạch năm 2023 của VPBank là một thách thức trong bối cảnh kinh tế hiện tại khi mà nhu cầu tín dụng thấp và chi phí tín dụng có thể gia tăng", chuyên gia của VDSC nhận định.

 

 VPBank đạt thỏa thuận bán 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản. (Ảnh: VPBank).

 

 

Đà tăng trưởng sẽ tiếp tục suy yếu trong nửa đầu năm 2023

 

Đà tăng trưởng lợi nhuận của VPBank đã yếu dần trong quý cuối cùng của năm 2022 và xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục trong nửa đầu 2023.

Trong quý IV/2022,VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất là 1.400 tỷ đồng, riêng ngân hàng mẹ lãi trước thuế hơn 4.000 tỷ đồng. Trong cả năm, LNTT hợp nhất của VPBank đạt 21.200 tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm trước trong khi lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt khoảng 24.000 tỷ đồng, giảm 36,8%.

Nếu loại trừ thu nhập một lần từ việc thoái vốn FE Credit vào năm 2021 và phí trả trước Bancassurance vào năm 2022, LNTT của ngân hàng mẹ tăng trưởng 32% so với năm trước.

Mặt khác, mảng tài chính tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế, dẫn đến việc lỗ khoảng 2.500 tỷ đồng (theo ước tính của VDSC). Dư nợ cho vay khách hàng của FE Credit đã giảm khoảng 9% so với cùng kỳ, qua đó thu hẹp tỷ trọng đóng góp vào danh mục tín dụng hợp nhất xuống 16,6% trong quý IV/2022 từ mức 19,6% vào cuối năm ngoái.

Một điểm đáng chú ý nữa là khoản dư nợ trái phiếu doanh nghiệp thuộc loại chứng khoán kinh doanh trị giá 7.600 tỷ đồng, số dư này bắt đầu tăng từ quý II/2022 (từ mức 5.300 tỷ đồng).

Tỷ lệ biên lãi thuần (NIM) hợp nhất giảm từ 7,6% vào cuối năm 2021 xuống 7,5% vào năm 2022 do NIM của FE Credit tiếp tục chịu áp lực giảm. 

Theo ước tính của VDSC, biên NIM của ngân hàng mẹ đã phục hồi 0,3 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,35% trong quý IV/2022 trong khi NIM của mảng tài chính tiêu dùng đã giảm khoảng 1,5 điểm % khi Thông tư 03 hết hiệu lực.

Lũy kế cả năm, thu nhập lãi thuần hợp nhất tăng trưởng 19,4%, của ngân hàng mẹ tăng trưởng tốt hơn là 32% trong khi của FE Credit gần như không đổi.

Áp lực về nợ xấu từ FE Credit cũng là một trong những vấn đề mà VPBank phải đối mặt trong năm 2023 khi chất lượng tài sản tại công ty tài chính này suy yếu, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 19,6% và tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng tăng lên 21%.

Trên quan điểm thận trọng VDSC dự phóng lợi nhuận trước thuế của VPBanksẽ đạt 20.944 tỷ đồng trong năm 2023 (giảm 1,3%) và đạt 31.131 tỷ đồng trong năm 2024 (tăng 49%). 

 

 

 

 

Diệp Bình

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.