|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VPB nổi sóng với thanh khoản cao nhất 3 năm

15:44 | 12/06/2024
Chia sẻ
Trong phiên 12/6, cổ phiếu VPBank đã tăng giá 6%, góp hơn 2 điểm cho đà tăng của VN-Index lên 1.300 điểm. Bên cạnh đó, thanh khoản khớp lệnh đạt cao nhất kể từ sau 10/6/2021.

Cổ phiếu của VPBank (Mã: VPB) diễn biến lình xình trong đầu phiên 12/6, khi giao dịch dưới tham chiếu và khối lượng khớp lệnh vài triệu đơn vị. Tình hình bắt đầu thay đổi từ cuối phiên sáng, thanh khoản dâng cao dần, thị giá tiến lên 18.650 đồng/cp.

Diễn biến tích cực tiếp tục lan sang phiên chiều và bùng nổ về cuối phiên. VPB kết phiên tại mức giá cao nhất 19.400 đồng/cp, tăng 6%. Khối lượng khớp lệnh đạt 69,9 triệu đơn vị. Đây là mức thanh khoản cao thứ ba lịch sử mã này, sau phiên 4/6/2021 (75,6 triệu cp) và 10/6/2021 (75,5 triệu cp).

Với đà tăng giá, cổ phiếu VPB đã hỗ trợ đắc lực cho VN-Index trong phiên. Cụ thể, VPB đóng 2,25 điểm cho chiều tăng của chỉ số, nhiều hơn so với 2,07 điểm, 1,77 điểm, 0,79 điểm của VCB, FPT và HPG. Theo đó, VN-Index đã chính thức vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm (tăng gần 16 điểm).

Cổ phiếu VPB giao dịch khởi sắc trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán đưa ra góc nhìn khả quan về triển vọng tăng trưởng của VPBank.

Báo cáo triển vọng ngành quý II của Chứng khoán BDV (BSC), lợi nhuận trước thuế quý I của danh sách BSC theo dõi ghi nhận mức tăng trưởng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, số ít cái tên ghi nhận mức tăng trưởng cao như HDBank (46,8%), TCB (38,7%), VPB (64%) đều xuất phát từ mức nền thấp ghi nhận cùng kỳ.

Môi trường kinh doanh còn nhiều bất định khiến các ngân hàng tiếp tục thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2024. Trung vị mức tăng trưởng lợi nhuận trước theo kế hoạch 2024 của các ngân hàng BSC theo dõi đạt khoảng 15% so với cùng, tương đối khiêm tốn sau khi lợi nhuận toàn ngành chỉ tăng khoảng 6% trong 2023.

Điều này phù hợp với dự báo 2024 trước đó của BSC là khoảng 18% (điều chỉnh lại dữ liệu so sánh 2023). Những mức tăng trưởng đột biến dự kiến đến từ các ngân hàng có mức nền thấp trong 2023 như Techcombank, TPBank và VPBank. Trong đó, VPBank được dự báo tăng trưởng lợi nhuận 24%.

Định giá toàn ngành được nâng lên mức trung bình quá khứ, kỳ vọng sự phân hóa tiếp theo. Tính từ đầu năm, cổ phiếu ngân hàng trong danh sách theo dõi của BSC tiếp tục giữ vững được hiệu suất tương đối vượt trội khi tăng giá trung bình 13% so với 7% của VN-Index.

Trong đó, các mã có hiệu suất tốt nhất đều có điểm chung là định giá thấp hơn trung bình trong khi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tương đối tích cực và có một số thông tin hỗ trợ liên quan đến cổ tức tiền mặt.

Nền định giá toàn ngành cũng đã được nâng lên mức trung bình quá khứ (bình quân 1,3x với nhóm tư nhân và 2,3x với nhóm quốc doanh) trước khi điều chỉnh nhẹ theo thị trường chung. Trong giai đoạn tiếp theo, BSC kỳ vọng sự phân hóa giữa các mã cổ phiếu sẽ trở nên rõ nét hơn, tiếp tục ưu tiên các ngân hàng có khả năng tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với đối thủ cạnh tranh nhờ NIM phục hồi và chi phí tín dụng hạ nhiệt trong khi định giá còn phù hợp để tích lũy.

So với quan điểm trước đó của BSC về chủ đề đầu tư ngành ngân hàng trong 2024, nhóm phân tích tiếp tục nhận thấy rủi ro từ việc các ngân hàng cạnh tranh lãi suất đầu ra đang khiến triển vọng phục hồi NIM trở nên hạn chế hơn.

Kể cả vậy, BSC tiếp tục duy trì khuyến nghị khả quan với ngành ngân hàng khi giữ nguyên quan điểm rằng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành trong 2024 sẽ khả quan hơn 2023, được hỗ trợ bởi NIM cải thiện ở mức độ nhẹ, tiềm năng thu nhập bất thường từ thu hồi nợ đã xử lý, và định giá vẫn còn sự hấp dẫn, nhất là sau đợt điều chỉnh trước đó.

(Nguồn: Báo cáo triển vọng ngành quý II của BSC).

Tại báo cáo phân tích cập nhật tháng 5, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết quý I, VPBank có thu nhập lãi thuần đạt 11.323 tỷ đồng tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập ngoài lãi đạt 2.087 tỷ đồng, giảm 26,1%. Lợi nhuận trước thuế tăng 64% so với cùng kỳ đạt 4.182 tỷ đồng.

Trong tháng 4 và tháng 5, lãi suất huy động của VPBank đang có dấu hiệu tăng trở lại với lãi suất huy động kì hạn 12 tháng tính đến tháng 5/2024 đạt 4,7%, tăng 0,5% so với mức đáy lãi suất vào tháng 3/2024. Nguyên nhân chính do nền lãi suất liên ngân hàng tăng cao trong giai đoạn vừa qua cùng thanh khoản hệ thống bớt dồi dào khiến ngân hàng phải tăng lãi suất huy động trở lại để đảm bảo nguồn cho tăng trưởng tín dụng.

Theo quan điểm của KBSV, từ giờ đến cuối năm, VPBank sẽ tiếp tục tăng lãi suất huy động thêm 100 - 150 điểm cơ bản dựa trên: thanh khoản hệ thống suy giảm khiến lãi suất thị trường một cần đưa về mức hấp dẫn hơn để thu hút dòng tiền; áp lực tỷ giá dù hạ nhiệt sau các động thái từ Ngân hàng Nhà nước tuy nhiên vẫn đang ở mức cao.

Chi phí đầu vào (COF) có thể tiếp tục được cải thiện trong phần còn lại của năm 2024 dựa trên các yếu tố: đáo hạn các khoản huy động lãi suất cao trong giai đoạn cuối 2022, đầu 2023; mức lãi suất huy động 5,5 – 6,0%/năm (là mức đã tăng 100 - 150 điểm cơ bản) vẫn là mức lãi suất tương đối thấp so với quá khứ .

KBSV kỳ vọng với động lực từ COF, NIM của VPB sẽ có xu hướng cải thiện trong năm 2024 tuy nhiên sẽ không thể về lại nền cao của giai đoạn 2020 - 2022 do: chất lượng tài sản kém hơn gây ảnh hưởng đến thu nhập lãi; giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn đang ở mức yếu.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, VPBank đặt kế hoạch kết quả kinh doanh 2024 khá tham vọng với tăng trưởng tín dụng 25%; tăng trưởng huy động đạt 22%; tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 5%; lợi nhuận trước thuế đạt 23.165 tỷ đồng, tăng 114%.

Ngoài ra, ngân hàng vọng có thể chi trả cổ tức tiền mặt trong ba năm tới, riêng 2024 sẽ chi trả cổ tức tiền mặt 10% với thời gian thực hiện trong quý II hoặc quý III/2024. Theo quan điểm của KBSV, mức lợi nhuận trước đạt trên 23,000 tỷ đồng trong năm 2024 là khá thách thức trong bối cảnh NIM cải thiện nhưng không nhiều cùng áp lực trích lập dự phòng vẫn đang ở mức cao do bộ đệm hiện là khá mỏng.

Nhóm phân tích của KB (Việt Nam) kết hợp hai phương pháp định giá là P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư để tìm ra mức giá hợp lý cho cổ phiếu. Kết hợp hai phương pháp định giá trên với tỷ lệ 50 - 50 để ra được giá hợp lý cuối cùng cho cổ phiếu VPB năm 2024 là 26.000 đồng/cổ phiếu. Con số này cao hơn 34% so với giá kết phiên 12/6 là 19.400 đồng/cp.

Xuân Nghĩa