Vốn tư nhân đổ vào năng lượng tái tạo
Khuyến khích khu vực tư nhân
Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, tổng công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ tăng từ 47.000 MW hiện nay lên đến 130.000 MW vào năm 2030. Như vậy, hơn 80.000 MW nguồn điện mới cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành trong khoảng 10 năm tới, cùng với đó là cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối. Ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn này là đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… và giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống.
Xét về nguồn vốn đầu tư, từ nay đến năm 2030, ngành điện cần 148 tỷ USD. Dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, nhưng đầu tư mới vào ngành điện vẫn cần phải huy động từ khu vực tư nhân.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều ủng hộ Việt Nam phát triển năng lượng bền vững và khuyến khích khối tư nhân tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo, cũng như phát điện, truyền tải điện.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam cho rằng, tài chính từ khu vực công và nguồn vốn ODA sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư rất lớn của ngành điện. Bởi vậy, Việt Nam phải tăng cường huy động các nguồn vốn thay thế. Chính phủ cần tìm kiếm và thực hiện các giải pháp để huy động được đầu tư tư nhân nhiều hơn nữa cho ngành điện.
Việt Nam là quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng. Các nghiên cứu cho thấy, đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển 20.000 MW điện gió và 35.000 MW điện mặt trời.
Điều đáng nói là, sự tiến bộ của công nghệ đã khiến chi phí sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng rẻ. Theo Hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company, tại Việt Nam, giá vốn điện mặt trời đã giảm 75% và điện gió giảm 30% từ năm 2012 - 2017. Xu hướng này còn tiếp tục giảm và năng lượng tái tạo đang trở thành nguồn sản xuất điện mới giá rẻ.
Việc phát triển năng lượng tái tạo còn giúp Việt Nam giảm được 60% nhiên liệu nhập khẩu, cũng như giảm rủi ro từ việc biến động giá nhiên liệu. Đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng hứa hẹn tạo ra hơn 465.000 việc làm mới trong tương lai.
Những tín hiệu tích cực
Đầu tư cho năng lượng tái tạo từ khu vực tư nhân tại Việt Nam đang có nhiều tín hiệu khởi sắc. Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện có hơn 330 dự án điện mặt trời đã và đang chờ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch điện. Trong đó, 121 dự án đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh, với tổng công suất phát điện đến năm 2020 là 6.100 MW.
Đến nay, tổng công suất đăng ký đầu tư điện mặt trời đã lên tới hơn 26.000 MW. Trong số đó, có không ít dự án lớn, như một dự án của tư nhân đầu tư đặt tại tỉnh Ninh Thuận, với cụm 3 nhà máy, công suất lên tới 330 MWP, đã hòa lưới điện quốc gia trong tháng 4/2019.
Đây sẽ là cụm nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, với tổng số hơn 1 triệu tấm pin, có tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Dự án góp phần giảm gần 304.400 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm.
Đại diện World Bank và ADB cho rằng, huy động vốn tư nhân để phát triển năng lượng tái tạo là hướng đi phù hợp với chiến lược và mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Điều quan trọng là, Chính phủ cần xác lập cơ chế phê duyệt dự án minh bạch, dễ tiếp cận hơn, tạo được thị trường có giá bán điện ở mức khả thi và quy định hợp đồng mua bán điện theo hướng giảm rủi ro cho nhà đầu tư hơn nữa.