|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vốn Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam

07:33 | 10/02/2017
Chia sẻ
Tháng đầu tiên của năm mới 2017, các nhà đầu tư Trung Quốc đứng thứ 3 về số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chỉ sau Singapore, Hàn Quốc. Theo các số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ và bám rất sát các đối thủ đầu tư lớn như Nhật Bản, Malaysia, Anh về vị trí đầu tư tại Việt Nam.

Cụ thể, trong tháng 1/2017, trong tổng số vốn 1,58 tỷ USD vốn FDI, các nhà đầu tư từ Trung Quốc góp gần 340 triệu USD, chiếm 22% tổng vốn FDI. Đáng nói con số FDI trong tháng 1/2017 của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục tăng mạnh và con số này đã được thống kê riêng khỏi các số liệu vốn đầu tư từ các đối tác đến từ vùng lãnh thổ Hồng Kông, hay Đài Loan vào Việt Nam.

von trung quoc tang toc vao viet nam

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông bằng vốn vay ODA từ Trung Quốc tai tiếng về tiến độ và đội thêm vốn hơn 330 triệu USD (ảnh minh hoạ)

Trước đó, hết tháng 12/2016, vốn đầu tư từ Trung Quốc đại lục vào Việt Nam đạt 1,87 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đứng trên các nhà đầu tư đến từ vùng lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan.

Luỹ kế tính đến hết năm 2016, Trung Quốc đã lọt vào 1 trong 10 nước đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, đứng thứ 8 với số vốn 10,5 tỷ USD, xếp sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Anh, Malaysia.

Các vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) được thống kê riêng, chỉ xếp trên các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục với vị trí lần lượt là 31 tỷ USD và 16,9 tỷ USD.

Trước đó, hết tháng 12/2015, các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục xếp ở vị trí thứ 10 trong nhóm các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam theo quốc gia. Tính đến hết năm 2015, Trung Quốc đại lục đứng ở vị trí thứ 10 trong nhóm các nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Đáng chú ý, tốc độ tăng vốn đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây có sự cải thiện khá mạnh, từ vị trí thứ 13 trong số gần 100 đối tác đầu tư vào Việt Nam năm 2012, với số vốn chỉ hơn 2 tỷ USD. Nhưng, sau 5 năm, vị trí của Trung Quốc đã có sự cải thiện rõ rệt, tăng 2 bậc và số vốn tăng gấp 5 lần.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xu hướng dịch chuyển đầu tư ra nước ngoài của các DN Trung Quốc thời gian tới sẽ nhiều hơn, đa dạng hơn và đi kèm với đó là phức tạp hơn. Đặc biệt, Trung Quốc đang khẳng định muốn xây dựng hình ảnh nước xuất khẩu tư bản, vốn sang các thị trường kém phát triển hơn, song song quá trình đó sẽ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, tăng việc làm - sức ép lớn từ cải cách khu vực trong nước.

Theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), một Trung Quốc trỗi dậy đang ra sức thực hiện chiến lược của nước lớn về mọi mặt, điều này đặt ra cho Việt Nam phải tính toán.

Đó là việc Trung Quốc đang tung tiền đầu tư khắp mọi nơi tại ASEAN, họ đưa tiền qua đủ các kênh dẫn vốn như: ODA, FDI hay cả từ các hỗ trợ tài chính của định chế tài chính song và đa phương (như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc; Ngân hàng Xây dựng hạ tầng Châu Á - AIIB). Bên cạnh đó, các chính sách đầu tư vốn của Trung Quốc đang nằm trong chiến lược "Nhất đới, nhất lộ" - "Một vành đai, một con đường" hay "Con đường tơ lụa trên biển" của Trung Quốc...

Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức của các nước nhận vốn, bởi đi kèm với kinh tế, những toan tính của Trung Quốc về việc làm cho người Trung Quốc; chuyển giao, xuất khẩu máy móc - công nghệ trong nước ra khỏi Trung Quốc luôn đi song hành.

Ngoài các lý do trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Bản chất đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở các ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, ngành năng lượng cổ điển như dệt may, nhiệt điện, sắt thép, hoá chất, xi măng...

Những dự án này cần sàng lọc bởi nó tiêu tốn năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và khiến suất đầu tư cao nhưng hiệu quả đầu tư ngày càng giảm sút. Và đặc biệt, đây là chỗ để cho Trung Quốc chuyển giao các thiết bị, công nghệ cũ, lạc hậu, thâm dụng năng lượng, tài nguyên trong quá trình cải cách kinh tế của mình. Biến nước nhận đầu tư trở thành nơi nhận "nhập khẩu cơ học" vốn đầu tư.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách (Bộ KH&ĐT) trăn trở: "Chúng ta mở rộng vòng tay với tất cả vốn đầu tư nước ngoài, không thể phân biệt, cào bằng. Tuy nhiên, đã qua thời thu hút FDI bằng mọi giá, chúng ta phải nghiên cứu bản chất, vạch ra những cơ hội, nói rõ rủi ro để tránh những sai lầm lịch sử và kiểu sai lầm mà nhiều lần mắc phải vẫn chưa rút ra bài học từ khủng hoảng thừa đến hoang phí các nhà máy luyện phôi, cán thép sử dụng công nghệ cũ, xi măng lò cao của Trung Quốc thời gian qua".

Nguyễn Tuyền