Thủ tướng yêu cầu tạm dừng đề xuất dự án thép Cà Ná
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, trình bày về dự án luyện thép Cà Ná hồi đầu năm 2016. Ảnh:TL |
Trong thông báo kết luận của Thủ tướng hôm 3-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ hồi đầu tháng 3 với sự tham dự đầy đủ của các Phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ cùng UBND tỉnh Ninh Thuận về dự án thép Hoa Sen Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư, Thủ tướng đã đưa ra những kết luận chính thức.
Theo ý kiến của Thủ tướng, dự án mới dừng ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị dự án còn vội vàng, thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện. Do đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án này để làm rõ một số vấn đề.
Thứ nhất là phải tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường để xác định quy mô, công suất và thời điểm hợp lý mới phát triển dự án.
Thứ hai là phải đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ và thiết bị của dự án, đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đảm bảo dự án an toàn không xảy ra sự cố như Formosa.
Thứ ba là phải xác định tổng mức vốn đầu tư tổng thể, trong đó có tính đến cả cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ. Đồng thời, cần phải xác định rõ nguồn nguyên liệu cho dự án.
Thủ tướng lưu ý rằng, đây là dự án luyện thép được đề xuất sau sự cố nhà máy thép Formosa nên rất nhạy cảm. Vì vậy, bước nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cần làm kỹ các nội dung như trên ở mức nghiên cứu khả thi dự án. Chỉ khi nghiên cứu kỹ, làm rõ các vấn đề trên, tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các bước chuẩn bị, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Trước đó, Thủ tướng cũng kết luận rằng, Ninh Thuận là một tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt việc dừng nhà máy điện hạt nhân đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nên việc thu hút các nhà đầu tư khác để phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là hết sức cần thiết.
Mọi nhà đầu tư đến Ninh Thuận đều được hoan nghênh. Tuy nhiên, để Ninh Thuận phát triển, không chỉ đầu tư nhà máy thép, nhà máy điện hạt nhân mà còn rất nhiều lợi thế khác như đầu tư năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), du lịch, nông nghiệp hữu cơ. Các lợi thế này sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Thông báo kết luận nêu rõ quan điểm như trên từ người đứng đầu Chính phủ được đưa ra sau nhều cuộc tranh luận về tính khả thi của dự án, hiệu quả và vấn đề môi trường nếu dự án được triển khai, và nhất là sau khi nhà đầu tư và tỉnh Ninh Thuận đề xuất, Bộ Công Thương đưa vào Quy hoạch ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Đầu năm 2016, tuy dự án luyện thép Cà Ná mới được Tỉnh ủy Ninh Thuận thông qua về chủ trương đầu tư và chưa có bất cứ văn bản chính thức nào trình các bộ ngành liên quan về quy mô, công suất, chủng loại hàng sản xuất, đánh giá tác động môi trường… nhưng Bộ Công Thương đã đưa 5 giai đoạn của dự án (2015-2035) với tổng công suất thiết kế lên đến 32 triệu tấn gang, sắt xốp và phôi vuông vào Quy hoạch phát triển ngành thép đến 2025, tầm nhìn năm 2035. Sau đó, trong dự thảo quy hoạch điều chỉnh lần hai cuối năm 2016 (nay đã xóa đi), Bộ lại tiếp tục đưa dự án vào quy hoạch nhưng không nêu tên Tập đoàn Hoa Sen trong vai trò chủ đầu tư nữa.
Tỉnh Ninh Thuận đã cam kết cho Hoa Sen miễn 70 năm tiền thuê đất, thuê mặt nước và các ưu đãi về thuế tài nguyên khác liên quan đến dự án. Dự kiến, dự án được thực hiện ở khu vực khan hiếm nước tiêu dùng nhất tỉnh miền Trung này, nên cũng có không ít câu hỏi được đặt ra về nguồn nước cho luyện thép và sản xuất công nghiệp.
Mặc dù hàng loạt bất cập của dự án được chỉ ra, nhưng tại hội trường Quốc hội tháng 11-2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vẫn khẳng định, không có lý do gì để không tiếp tục phát triển các dự án thép, trong đó có dự án của Tập đoàn Hoa Sen.
Mời xem thêm:
Dự án thép Cà Ná - còn nhiều câu hỏi
Điều chỉnh quy hoạch thép đến năm 2035: Nhiều điều vô lý