|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vốn FDI đăng ký 9 tháng sụt giảm có đáng lo ngại?

13:15 | 02/10/2016
Chia sẻ
Số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt 16,43 tỷ USD, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2015. 

Như vậy, trong khi vốn FDI giải ngân vẫn ước đạt 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ, thì vốn đăng ký đã giảm so với năm ngoái. Điều này có đáng lo hay không? Câu trả lời là không, bởi thực tế, điều này đã được dự báo trước.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, sau 6 tháng đầu năm nay, khi vốn FDI vào Việt Nam tăng vọt, mang lại sự hứng khởi lớn, thì ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, nếu chỉ so sánh với cùng kỳ năm trước, sẽ không phản ánh hết được xu hướng FDI của cả năm.

“Cũng giống như 6 tháng năm ngoái, FDI sụt giảm khiến dư luận không khỏi quan ngại, nhưng thực tế thì cả năm, vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt khoảng 24 tỷ USD. Năm nay cũng vậy, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng FDI tới 105%, nhưng không có nghĩa cả năm tăng trưởng FDI sẽ gấp đôi, gấp rưỡi năm ngoái”, ông Nguyễn Nội đã bình luận như vậy.

 3724

Thực tế, 6 tháng đầu năm ngoái, vốn FDI vào Việt Nam giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 5,5 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2014. Do vậy, 6 tháng đầu năm nay, khi có một số dự án FDI lớn, như dự án 1,5 tỷ USD của LG Display ở Hải Phòng, hay Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung, vốn đăng ký 300 triệu USD, rồi Dự án Điện gió Trà Vinh giai đoạn II, vốn đăng ký 247,6 triệu USD, Dự án Midtown, 225,6 triệu USD ở TP. HCM…, thì ngay tức khắc, vốn FDI đăng ký đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.

Tuy nhiên, tốc độ tăng đã bắt đầu giảm dần vào quý giữa năm. Và nay, sang tháng 9, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đã giảm gần 5% so với cùng kỳ 2015.

Xem lại quá trình thu hút FDI năm ngoái, có thể thấy, sau 6 tháng đầu năm giảm mạnh, sang các tháng 7-8-9, vốn FDI vào Việt Nam đã tăng vọt, đạt 17,15 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2014. Lý do là vì, thời gian này, hàng loạt dự án FDI quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Từ Dự án Thành phố Đế Vương (1,2 tỷ USD ở TP.HCM); đến Dự án điện Duyên Hải 2, vốn đầu tư 2,4 tỷ USD, ở Trà Vinh; rồi Dự án Samsung Display tăng vốn đầu tư thêm 3 tỷ USD ở Bắc Ninh. Chỉ riêng vốn đăng ký của 3 dự án tỷ USD này đã lên tới 6,6 tỷ USD.

Trong khi đó, 9 tháng đầu năm nay, dự án tỷ USD duy nhất được cấp chứng nhận đầu tư là dự án LG Display, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng. Ngoài ra, nếu tính là lớn, thì chỉ có các dự án như LG Innotek, 550 triệu USD cũng ở Hải Phòng; Thành phố Amata Long Thành, 309 triệu USD ở Đồng Nai; Seoul Semiconductor Vina, 300 triệu USD tại Hà Nam… Do vậy, nếu so với cùng kỳ, vốn FDI đăng ký trong 9 tháng đầu năm nay không “đọ” được so với vốn FDI đăng ký 9 tháng đầu năm ngoái.

Tuy vậy, xu hướng đầu tư vào Việt Nam vẫn được các chuyên gia đánh giá là khả quan. Với quy mô bình quân vốn khoảng 2 tỷ USD/dự án, chỉ cần từ nay tới cuối năm, cấp chứng nhận đầu tư được cho 2-3 dự án, thì vốn FDI năm nay vẫn sẽ tiếp tục tăng so với năm ngoái.

Năm ngoái, với việc cuối năm có thêm Dự án Nhà máy Sản xuất giấy bao bì Cheng Loong, vốn đầu tư 1 tỷ USD ở Bình Dương, và việc Dự án Samsung TP.HCM (SEHC) tăng vốn thêm 600 triệu USD, nên cả năm thu hút FDI đạt trên 23 tỷ USD. Trong khi đó, vốn FDI giải ngân hiện là trên 11 tỷ USD. Khả năng cả năm, giải ngân FDI đạt khoảng 15 tỷ USD.

Theo Hà Nguyễn

Báo Đầu tư