|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài: Không chỉ toàn màu hồng

17:02 | 30/04/2019
Chia sẻ
Đại hội đồng cổ đông Cotecons năm nay (2019) kết thúc, giá cổ phiếu giảm sàn hai phiên liên tiếp. Một kết quả buồn cho một công ty xây dựng tư nhân lớn nhất cả nước. Vấn đề vẫn là sự tranh chấp về quyền lợi giữa cổ đông sáng lập, những người chịu trách nhiệm chính cho sự phát triển của công ty và cổ đông nước ngoài, những người góp vốn với tỷ trọng lớn.

Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài: Không chỉ toàn màu hồng - Ảnh 1.

Coteccons không phải trường hợp ngoại lệ. Có nhiều trường hợp tranh chấp quyền lợi đã xảy ra, như ở Vicostone với các quỹ đầu tư ngoại. Việc nhận vốn góp nước ngoài thể hiện trình độ quản lý, tính minh bạch, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng như bất kỳ cuộc hôn nhân nào, giai đoạn ly hôn đều diễn ra rất nặng nề và gây không ít tổn hại cho những người trong cuộc, đặc biệt là những nhà đầu tư đã đầu tư vào các công ty này trong giai đoạn tranh chấp.

Trước hết phải khẳng định nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài là quan trọng trong một giai đoạn phát triển của công ty. Như mối lương duyên giữa Thế giới Di động và Mekong Capital đã sinh ra quả ngọt sau đó. Các bên tham gia đều được hưởng lợi từ thành quả chung. Tuy nhiên, khi cùng đi với nhau trên một chặng đường càng dài, lợi ích của hai bên lại càng trở nên lệch pha nhau.

Điều này có thể giải thích rất đơn giản: sự khác biệt về mục tiêu. Với các quỹ đầu tư, mục tiêu cao nhất là sinh lời, bán được giá, càng sớm càng tốt.

Với những người sáng lập, mục tiêu của họ thường dài hơi hơn là mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn, với mong muốn sẽ phát triển ổn định và bền vững cho ít nhất đến khi họ không còn quản lý nữa. Các quỹ đầu tư khi đầu tư vào một công ty với tỷ trọng lớn thường cũng nêu cam kết sẽ theo đuổi lợi ích dài hạn, hỗ trợ công ty phát triển mạnh mẽ hơn. Nhưng thường mối quan hệ màu hồng kéo dài được 2-3 năm cho đến khi tình hình thay đổi.

Về bản chất, các quỹ đầu tư nhận tiền của nhà đầu tư và nhà đầu tư thì lại không kiên nhẫn quá lâu. Thời hạn hoạt động của quỹ cũng bị giới hạn. Những cam kết lúc đầu chỉ là lời nói gió bay. Họ sẽ phải hiện thực hóa lợi nhuận bằng cách này hay cách khác. Nếu công ty thuộc những ngành có tính chu kỳ cao, rơi vào những năm xấu, trong khi đáng lẽ phải đầu tư quyết liệt cho mục tiêu dài hạn và hy sinh lợi ích ngắn hạn, họ đều gặp phải sự phản ứng tiêu cực từ nhà đầu tư ngoại. Mối quan hệ giữa hai bên đi vào bế tắc.

Công ty lâm vào tình trạng trì trệ, muốn đầu tư cũng không được, lúc cần đoàn kết nhất thì lại chia rẽ nhất. Tình hình kéo dài, cổ đông nhỏ lẻ chán nản, ban lãnh đạo mất đoàn kết, kéo theo cả tình hình kinh doanh công ty đi xuống, giá cổ phiếu tụt dốc không phanh.

Một số bài học rút ra từ những câu chuyện này. Trước hết, khi bước vào một cuộc hôn nhân với nhà đầu tư nước ngoài, chủ doanh nghiệp cần phải xác định rõ đối tượng đầu tư là ai. Nếu là các quỹ đầu tư tài chính, mục tiêu dài hạn là chuyện xa xỉ, lợi nhuận ngắn hạn sẽ được ưu tiên.

Thứ hai, tỷ lệ sở hữu nếu dồn vào một nhóm nhà đầu tư nước ngoài có 36% cổ phần, mà theo luật hiện hành, họ có quyền phủ quyết nghị quyết của công ty, thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động tự quyết của công ty sau này.

Thứ ba, công ty cần đa dạng hóa nguồn vốn thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn ngoại quá nhiều. Điều này cần sự phát triển của thị trường chứng khoán, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu. Ngoài ra, cần sự phát triển của hệ thống luật pháp và cơ chế nhà nước xây dựng cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc xem xét cơ chế phát hành cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết cho nhà đầu tư cũng cần được xem xét. Các công ty có thể nghiên cứu phát hành ADR (American depository receipts) cho các nhà đầu tư ngoại.

Nói tóm lại, một cuộc hôn nhân ban đầu dù là vì tình yêu thì cũng nên xem xét kỹ các mục tiêu của nhau (hợp đồng tiền hôn nhân) để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra sau này.

Đinh Tiến Thành (MBA)