|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Với 52 triệu người dùng, Zalo đang đi đến đâu trên chặng đường siêu ứng dụng?

14:48 | 23/09/2020
Chia sẻ
Hiện tại, ZaloPay và Zalo Chat đang tương đối phổ biến, nhưng ZaloShop và ZaloTaxi đã dần trôi vào quên lãng.

Bộ Y tế đã lựa chọn Zalo là một trong những kênh truyền thông tin tức tới người dân trong đại dịch COVID-19. Theo TechInAsia, số lượt tin nhắn qua Zalo lên đến 3,5 tỉ. 

Vài năm gần đây đại diện cơ quan chức năng thường xuyên kêu gọi thành lập và phát triển các nền tảng gốc Việt, thay thế cho các nền tảng đến từ nước ngoài. Tại buổi lễ ra mắt mạng xã hội Lotus vào năm ngoái, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng kêu gọi các startup Việt giữ vững niềm tin, bởi đi sau nhưng không phải là thách thức, mà là cơ hội.

Dẫu vậy, các nền tảng nước ngoài vẫn đang chiếm ưu thế trước các thương hiệu gốc Việt. Facebook, Instagram là những mạng xã hội phổ biến; Grab đang lấn lướt Be, FastGo về thị phần trong khi lượt truy cập web của Shopee đã vượt xa Tiki hay Sendo.

Ngoại lệ trong mảng ứng dụng nhắn tin là Zalo của VNG, với 52 triệu người dùng hàng tháng, đã vượt Viber, WhatsApp, Line hay WeChat.

Hồi năm 2013, Zalo tuyên bố mốc 500.000 người dùng. Trong 7 năm qua, Zalo đã liên tục xây dựng các dịch vụ trên nền tảng, trở thành một siêu ứng dụng tại Việt Nam.

52 triệu người dùng, Zalo đang đi đến đâu trên chặng đường siêu ứng dụng? - Ảnh 1.

Thời điểm năm 2013, Zalo mới có 500.000 người dùng. Ảnh: TechInAsia.

Zalo là từ ghép của Zing (đại diện cho hệ sinh thái mà VNG xây dựng gồm Zing Mp3, ZingNews, ZingPlay) và Alo. 

Năm 2017, trong khi trả lời phỏng vấn South China Morning Post, ông Vương Quang Khải, phó chủ tịch VNG, kể rằng 2013 là thời điểm cực kì khó khăn của Zalo, khi WeChat đã có hàng triệu người dùng tại Việt Nam trong khi Line cũng rất mạnh.

"Chúng tôi buộc phải lựa chọn những thế mạnh để tận dụng thị trường. Đó là cơ hội duy nhất để sống sót", ông Khải chia sẻ.

Một trong những lợi thế cạnh tranh của Zalo trước các đối thủ là tạo ra được bộ sticker phù hợp với văn hóa người Việt -điểm mạnh mà các nền tảng nước ngoài chưa thể thực hiện ở thời điểm đó.

Báo cáo mới nhất của WeAreSocial cũng chỉ ra rằng 3 nền tảng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam là Facebook, YouTube và Zalo (Zalo xếp trên Facebook Messenger). App Annie cũng công bố Zalo là ứng dụng có lượt tải cao nhất năm 2020 trên CH Play và App Store tại Việt Nam (không tính các ứng dụng game).

Tại Việt Nam, Zalo cũng xây dựng hệ sinh thái đa nền tảng trước Grab hay Gojek. Dẫu vậy, không phải nền tảng nào của Zalo cũng thành công.

Ví điện tử ZaloPay được Ngân hàng Nhà nước cấp phép năm 2016 và chính thức ra mắt năm 2017. Hiện tại ZaloPay vẫn là một trong những ví điện tử phổ biến nhất, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo.

52 triệu người dùng, Zalo đang đi đến đâu trên chặng đường siêu ứng dụng? - Ảnh 2.

Zalo là nền tảng xã hội phổ biến thứ 3 tại Việt Nam. Ảnh: WeAreSocial.

Ra đời năm 2016, Zalo Shop chưa đủ sức cạnh tranh với những cái tên bản địa khác như Tiki, Sendo và những "ông lớn" tại Đông Nam Á như Shopee, Lazada.

Sang năm 2018, Zalo công bố ZaloFood (nền tảng giao hàng) và ZaloTaxi (gọi xe). Dẫu vậy, đây là thời điểm mà những ứng dụng ngoại đã đến và hai nền tảng bắt đầu chìm dần vào quên lãng.

Giữa năm nay, đến lượt Zalo Bank bị cơ quan chức năng "tuýt còi" vì không có giấy phép cung cấp các khoản vay cho người dùng. Sau đó Zalo Bank đổi tên thành Fiza (Financial Zalo), giúp gợi ý người có nhu cầu vay tới một bên thứ ba cung cấp khoản vay.

Hiện tại trong hệ sinh thái của Zalo, ZaloPay đang chịu điều hành độc lập bởi Zion, công ty con của VNG. Theo báo cáo tài chính mới nhất, VNG đã đầu tư 715 tỉ đồng vào Zion.

Từ góc độ người dùng, báo cáo của Qandme cho thấy Zalo là một nền tảng mang tính chất xã hội cao: 61% người dùng Zalo để gọi điện, 58% người từng dùng để nhắn tin thoại và 40% người dùng đê cập nhật tin tức.

Nếu so với WeChat, nền tảng đã trở nên cực kì phổ biến tại Trung Quốc nhờ tích hợp nhiều tính năng trong một ứng dụng, Zalo vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhất khi tại Việt Nam, các thị trường thương mại điện tử và ví điện tử còn khá phân mảnh.


Tiểu Phượng