|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Vỡ trận' quy hoạch cây nông sản

08:02 | 08/06/2017
Chia sẻ
Tình trạng “vỡ trận” quy hoạch này là nông sản làm ra không nơi tiêu thụ, người dân điêu đứng, loay hoay đối phó dịch bệnh hoành hành.
vo tran quy hoach cay nong san
Nhiều diện tích hồ tiêu ở Đắk Lắk bị dịch bệnh do thời tiết thất thường. Ảnh: H.L.

Với mục tiêu xác định những diện tích cây trồng phù hợp nhất theo phát triển bền vững, năm 2013, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt dự án quy hoạch phát triển cây công nghiệp dài ngày đến năm 2020. Và dù còn 3 năm nữa mới đến thời điểm dự tính nhưng hiện nhiều diện tích cây nông sản trên địa bàn tỉnh đã vượt quá so với quy hoạch ban đầu. Hậu quả nhãn tiền tình trạng “vỡ trận” quy hoạch này là nông sản làm ra không nơi tiêu thụ, người dân điêu đứng, loay hoay đối phó dịch bệnh hoành hành…

Nhắm mắt trồng liều

Cách đây vài năm, hàng ngàn nông dân các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên khấp khởi vui mừng vì giá hồ tiêu tăng cao ngất ngưỡng. Cũng vì có gia đình bỗng nhiên trở thành tỉ phú nhờ vườn hồ tiêu cho năng suất cao cộng với mức giá thương lái thu mua kỷ lục nên thời điểm đó, ông Lê Văn Quyền (thôn 16, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) có 6 sào đất trồng xen cà phê và hồ tiêu đã đưa ra quyết định chặt bỏ toàn bộ cà phê trong vườn để chuyển hẳn trồng hồ tiêu. Ông Quyền hy vọng vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay sẽ thu nhập “khủng” như những năm trước. “Đầu mùa giá tiêu khoảng 100-120 ngàn đồng thì nay chỉ còn 70 ngàn đồng/kg. Giá tiêu xuống kỷ lục như vậy khiến nhiều người trót đầu tư trồng hồ tiêu như tôi điêu đứng, nợ ngân hàng chồng chất” - ông Quyên nói và cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, gần 800 gốc tiêu của gia đình ông cũng bắt đầu rụng lá, thối rễ chết hàng loạt nghi do sâu bệnh gây hại.

Việc nông dân trồng hồ tiêu ồ ạt rồi đột ngột giá tiêu rớt giá làm người dân lao đao cũng là thực trạng chung đối với các loại cây nông sản khác như cà phê, sầu riêng, bơ... tại Đắk Lắk. Ông Trần Văn Đóa (thôn Hòa Trung, xã Hòa Đông, Krông Pắk) những năm trước thấy thương lái thu mua bơ booth giá cao nên gia đình ông đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng 200 cây bơ booth (trồng năm thứ 3). Theo tính toán của ông Đóa, năm nay ông thu được hơn 20 tấn bơ booth giá trị khoảng 1,4 tỉ đồng. Vậy nhưng đầu mùa, những trận mưa trái mùa liên tiếp xảy ra khiến diện tích bơ booth của ông Đóa không đậu trái. “Thời tiết năm nay thay đổi ghê gớm, những cơn mưa trái vụ liên tiếp xả ra vào thời điểm vườn bơ nhà tôi nở hoa khiến cho 170 cây rụng trắng hoa. Năm nay, vườn bơ nhà tôi gần như mất trắng ” - ông Đóa nói như mếu.

Cân nhắc không mở rộng quy hoạch

Theo quy hoạch, năm 2015, diện tích cây cà phê trên toàn tỉnh Đắk Lắk đạt 180 ngàn ha, cây hồ tiêu 11 ngàn ha... Đến năm 2020, ngành nông nghiệp tính toán nên phát triển cây cà phê chỉ 170 ngàn ha, hồ tiêu 15 ngàn ha... Ông Lê Văn Thành - Chi cục trưởng Chi cục Chi Cục Trồng trọt và Bảo Vệ Thực Vật (thuộc Sở NNPTNT) nêu con số, tính đến năm 2016, diện tích cây cà phê đã đạt đến 203 ngàn ha, hồ tiêu đạt hơn 27 ngàn ha… như vậy quy hoạch các vùng trồng cây công nghiệp của tỉnh đã “vỡ trận”. Cũng theo ông Thành, mở rộng vùng quy hoạch luôn đi đôi với rủi ro cho nông dân nhưng hiện nhiều huyện vẫn xin được mở rộng vùng trồng trọt. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiểm tra, đánh giá thật kỹ dựa trên tình hình thực tế của các địa phương để cân nhắc việc mở rộng quy hoạch các loại cây nông sản hay không” - ông Thành nói.

Còn theo Tiến sĩ Trương Hồng - quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, câu chuyện “vỡ trận” quy hoạch nông sản tại Đắk Lắk đã diễn ra nhiều năm nay. Lý giải thực trạng này, tiến sĩ Hồng cho rằng, sở dĩ diện tích cây cà phê, hồ tiêu và nhiều cây nông sản khác tăng vượt quy hoạch là do giá các mặt hàng này có thời điểm tăng nhanh, người dân nghĩ sẽ mang lại hiệu quả cao khi trồng, và do vậy nhiều diện tích nông sản cũng tăng đột biến theo. Trước với câu hỏi của PV về vai trò của ngành nông nghiệp trong quá trình hỗ trợ nông dân, tiến sĩ Hồng cho rằng, ngành nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để lo đầu ra cho nông dân và nông dân có điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, giảm giá thành. Cùng với đó, Nhà nước phải chính sách hỗ trợ cho các tổ chức liên kết sản xuất này (cho nông dân và doanh nghiệp).

“Để tự bảo vệ mình, nông dân cần bình tĩnh lựa chọn loại cây trồng có giá trị kinh tế, thị trường ổn định và phù hợp với điều kiện đất đai khí hậu tại vùng mình, không trồng bất kỳ mọi giá. Cạnh đó, mỗi nông dân cần tham gia liên kết với doanh nghiệp khi có điều kiện để tiêu thụ hàng hóa thuận lợi” - tiến sĩ Hồng cho biết.

Hữu Long