|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

VNRea đề xuất nới room tín dụng cho dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp

16:25 | 19/11/2022
Chia sẻ
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị nới room tín dụng cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án phù hợp với nhu cầu cấp thiết như nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Nêu những khó khăn của ngành bất động sản tại Diễn đàn Kinh tế 2023 cùng doanh nghiệp "vượt sóng" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea), cho rằng thị trường đang gặp khó khăn lớn về nguồn vốn từ việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu.

"Nguồn vốn giống như mạch máu, nguồn oxy của doanh nghiệp thì giờ đang có dấu hiệu bị khoá van. Các chủ đầu tư dự án bất động sản đang trong tình trạng thiếu vốn, đói vốn, khó tiếp cận với các kênh huy động vốn như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, thu tiền sớm của khách hàng",ông Đính nói. 

Ông Đính cũng cho biết, thanh khoản yếu dẫn đến doanh thu của các doanh nghiệp giảm rất mạnh, bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề liên quan như sản xuất vật liệu xây dựng, máy móc,...

"Các doanh nghiệp sắt thép, xi măng, đá, gạch,... hiện sức sản xuất rất thấp, thậm chí bị buộc dừng hoạt động. Không ít doanh nghiệp thiếu vốn nên buộc phải dừng các dự án đang triển khai, sa thải bớt lực lượng lao động, giảm giá thành, chấp nhận lỗ. Các doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ khủng hoảng rất cao, tương tự như thời kỳ khủng hoảng như 2011-2013 ”, ông Đính bày tỏ lo ngại.

Theo ông Đính, khó khăn về sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản còn đến từ việc thủ tục pháp lý bị vướng, hàng nghìn dự án trên cả nước gần như không được phê duyệt từ tục đầu tư, đặc biệt là việc phê duyệt giá đất, nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất đang gặp rất nhiều vấn đề do chính sách. Điều này bộc lộ dấu hiệu của sự lạc hậu, chồng chéo, mâu thuẫn trong chính sách.

Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản đang có sự lệnh pha rất lớn, cung không phù hợp với cầu, các sản phẩm bán trên thị trường hầu hết là sản phẩm cao cấp, rất ít sản phẩm phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Ảnh: Hạ An).

Phó Chủ tịch VNREA cho biết nếu không có những sự điều chỉnh, điều tiết bằng chính sách vĩ mô thì với vấn đề của thị trường và sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản như hiện nay, thị trường bất động sản năm 2023 tiếp tục đối mặt với khó khăn, kéo theo rất nhiều những hệ lụy với nền kinh tế bởi có tới 35-37 ngành khác bị ảnh hưởng từ bất động sản, trong đó có thị trường vốn, thị trường bảo hiểm, cổ phiếu, trái phiếu,... 

Nói về giải pháp vực dậy thị trường, ông Đính kiến nghị trong thời gian chờ sửa đổi các luật, cần thiết phải có những sự tháo gỡ với những cơ chế đặc thù cho các dự án đang “nằm chờ” phê duyệt.

Năm 2013, khi thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã có Nghị quyết 02 tháo gỡ khó khăn về thể chế, vướng mắc và đem lại hiệu quả cao. “Chúng tôi mong muốn có những động thái cụ thể hơn để có những chính sách quyết liệt giải quyết các vướng mắc của các dự án bất động sản hiện nay”, ông Đính nói.

Đồng thời, Phó Chủ tịch VNREA kiến nghị có chính sách nới room tín dụng cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án phù hợp với nhu cầu cấp thiết như nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp.

"Thị trường đang tê liệt bởi các sản phẩm không phù hợp, nếu có các sản phẩm thì cần có chính sách khuyến khích. Như gói vay 30.000 tỷ trước đây dành cho các sản phẩm dưới 1 tỷ đồng. Nếu đẩy mạnh được những chính sách như vậy, sẽ giúp cung gặp cầu, tháo gỡ thế tê liệt của thị trường bất động sản", ông Đính cho hay.

Hạ An